Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề nghị với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan một "tập hợp" các yếu tố kinh tế để quan hệ giữa hai quốc gia trở nên tốt hơn, theo tờ Washington Post.
Cụ thể, trong một lá thư gửi ông Erdogan tuần trước, ông Trump đã nói với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ rằng, Mỹ sẽ cung cấp cho nước này một thỏa thuận thương mại khổng lồ trị giá tới 100 tỷ USD.
Bên cạnh đó là một kế hoạch để tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, ấn bản Mỹ trích dẫn nguồn tin từ các quan chức chính quyền giấu tên cho biết.
Quan chức cấp cao lưu ý rằng một trong những điều kiện của thỏa thuận cần được phía Thổ Nhĩ Kỳ đáp ứng đó là hợp đồng mua S-400 được giải quyết với sự hài lòng của Mỹ.
Theo vị quan chức này, có một giới hạn đỏ mới đã được chính quyền thiết lập liên quan đến S-400 do Nga sản xuất, đó là Nhà Trắng yêu cầu Ankara không được vận hành theo cách cho phép tổ hợp này chống lại tiêm kích F-35.
Trước đây, thành tựu của bất kỳ mục tiêu thương mại song phương nào cũng đòi hỏi tiến bộ cụ thể trong việc giải quyết các vấn đề lớn, chẳng hạn như việc mua S-400 của Nga, một nguồn tin khác giải thích.
Mỹ đã sẵn sàng các biện pháp nhằm đối phó với Thổ Nhĩ Kỳ khi đe dọa áp đặt các lệnh trừng phạt đối với hợp đồng mua sắm tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 của quốc gia này.
"Hòn đá tảng" được Mỹ sử dụng là Đạo luật CAATSA (luật trừng phạt đối thủ thông qua các biện pháp trừng phạt của Mỹ), Mỹ đã đe dọa ngay từ khi Ankara lần đầu đàm phán hợp đồng S-400 và ký kết với Nga vào năm 2017.
Vị quan chức cao cấp trong chính quyền Mỹ lưu ý thêm rằng việc cung cấp các thiết bị quân sự đơn thuần sẽ không được chấp nhận chừng nào thương vụ S-400 chưa bị hủy bỏ.
NATO tuyên bố hệ thống sẽ thỏa hiệp khả năng tàng hình của các máy bay chiến đấu F-35 thế hệ mới, việc chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ đã bị Mỹ chặn khi Nga hoàn thành bàn giao lô hàng đầu tiên của các thành phần S-400 vào cuối tháng 7-2019.
Hiện nay có thông tin cho biết Nga đã bắt đầu giao những thành phần đầu tiên của khẩu đội S-400 thứ hai cho Ankara, tuy nhiên quá trình này bất ngờ bị trì hoãn mà không được giải thích.
Bên cạnh đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan còn ra lệnh khẩu đội S-400 thứ nhất chưa được phép đi vào tình trạng trực chiến cho tới ít nhất là đến tháng 4-2020.
Có khả năng Ankara vẫn đang nghe ngóng động tĩnh từ phía Mỹ, bởi rõ ràng gói thỏa thuận thương mại trị giá 100 tỷ USD có sức nặng rất lớn, nhất là khi nền kinh tế của họ đang gặp nhiều khó khăn.
Diễn biến thương vụ S-400 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ được dự báo còn rất phức tạp, khó lòng đưa ra nhận định chính xác ngay lập tức do cần theo dõi chi tiết động tĩnh từ các bên liên quan.
Bạch Dương