Thổ Nhĩ Kỳ khởi động chiến dịch quân sự ở Syria

Damascus phản ứng gay gắt, đồng thời gọi chiến dịch của Ankara ở đông bắc Syria là một 'hành động xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ'.

Damascus phản ứng gay gắt, đồng thời gọi chiến dịch của Ankara ở đông bắc Syria là một “hành động xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ”.

Công dân người Kurd vẫy cờ của nhóm, phản đối chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP

Công dân người Kurd vẫy cờ của nhóm, phản đối chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP

Thế giới phản ứng như thế nào?

Các quốc gia và nhiều tổ chức trên thế giới đã có phản ứng đối với chiến dịch quân sự lần này của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại Châu Âu, chính phủ Đức bày tỏ quan ngại trước chiến dịch lần này của Thổ Nhĩ Kỳ và cho rằng, sự can thiệp như vậy có thể gây thêm bất ổn cho quốc gia Trung Đông này. Chỉ trước đó vài giờ, Liên minh Châu Âu (EU) đã cảnh báo một cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria sẽ làm hại tới dân thường và gây ra làn sóng “sơ tán quy mô lớn”. Trong tuyên bố ngày 8-10, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, London quan ngại sâu sắc về việc Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch quân sự ở Syria. Trong khi đó, Nga cho biết đã không được Mỹ hay Thổ Nhĩ Kỳ thông báo trước về bất cứ thỏa thuận nào mà họ đã đạt được về kế hoạch rút binh sĩ Mỹ khỏi đông bắc Syria và nhấn mạnh, “đang theo dõi chặt chẽ tình hình”.

Tại Iran, Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif đã điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu thể hiện sự phản đối của Tehran đối với chiến dịch quân sự ở Syria của Thổ Nhĩ Kỳ.

Chỉ vài giờ sau khi Mỹ thông báo rút quân, Thổ Nhĩ Kỳ đã mở màn chiến dịch quân sự quy mô lớn bằng các cuộc không kích nhằm vào cơ quan đầu não của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo tại khu vực đông bắc Syria vào đêm 7-10 (giờ địa phương).

Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhắm các mục tiêu phiến quân người Kurd ở miền Bắc Iraq. Trên mạng xã hội Twitter, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố “9 phần tử khủng bố đã bị tiêu diệt” trong các cuộc không kích ở các khu vực Hakurk và Hafta. Các cuộc không kích này là một phần của các cuộc đột kích thông thường nhằm vào phiến quân người Kurd ở Iraq và không liên quan các chiến dịch đã được lên kế hoạch nhằm vào lực lượng người Kurd ở miền bắc Syria.

Cảnh báo của Mỹ

Đã có những cảnh báo rằng, sự can thiệp quân sự đơn phương của Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ làm cho tình hình Syria thêm căng thẳng mà còn khiến nước này tiếp tục rơi vào tình trạng bất ổn. Động thái cũng có thể dẫn đến một chính sách an ninh tiêu cực, cũng như gây ra nhiều hậu quả nhân đạo.

Giới chức Mỹ cũng cảnh báo mạnh mẽ chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria. Trong một tuyên bố, Lầu Năm Góc khẳng định, Mỹ không công nhận cuộc tấn công đã được lên kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ và Washington sẽ không hỗ trợ Ankara dưới bất cứ hình thức nào. Theo người phát ngôn Lầu Năm Góc Jonathan Hoffman, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mark Milley đã nói với “những người đồng cấp liên quan của Thổ Nhĩ Kỳ rằng, hành động đơn phương sẽ gây ra những rủi ro cho Thổ Nhĩ Kỳ”.

Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump cũng đe dọa sẽ “phá hủy và triệt tiêu hoàn toàn” nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara triển khai bất cứ hành động nào mà ông cho là “ngoài các giới hạn” ở Syria sau quyết định rút quân Mỹ của ông ra khỏi khu vực đông bắc Syria. “Như tôi đã tuyên bố mạnh mẽ trước đây, và chỉ nhắc lại, nếu Thổ Nhĩ Kỳ làm bất cứ điều gì mà tôi, theo trí tuệ vĩ đại và vô song của mình, cho là vượt ra ngoài các giới hạn, tôi sẽ phá hủy và triệt tiêu hoàn toàn nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ (như đã làm trước đây)”, ông Trump viết trên Twitter.

Ông chủ Nhà Trắng cũng cảnh báo người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về việc sẽ “gặp vấn đề lớn” nếu bất kỳ quân nhân Mỹ nào tại Syria bị thương ở khu vực Ankara đe dọa tấn công.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn gì?

Hiện chưa rõ quy mô và phạm vi của chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng theo các nguồn tin, Ankara muốn thiết lập một hành lang sâu 32km và dài 480km bên trong lãnh thổ Syria dọc theo đường biên giới giáp Thổ Nhĩ Kỳ để bảo vệ an ninh đất nước.

Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh, việc thiết lập một vùng an toàn là rất cần thiết nhằm đóng góp vào sự ổn định và hòa bình của khu vực và cho những người Syria được sống trong yên ổn. Các nguồn tin này cho rằng, mục đích của Ankara là tái định cư cho gần 1 triệu người trong số 3,6 triệu người tị nạn đến từ nhiều khu vực khác nhau tại Syria bên trong vùng an toàn. Ngoài ra, mục tiêu của chiến dịch này là chống lại lực lượng dân quân người Kurd (YPG) - lâu nay vốn được Mỹ ủng hộ - vì Thổ Nhĩ Kỳ coi đây là mối đe dọa an ninh. Từ lâu nay, SDF với nòng cốt là YPG có liên hệ với Lực lượng lao động người Kurd (PKK) bị xem là khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khác lại cho rằng, với cuộc tấn công đã sẵn sàng Syria, Thổ Nhĩ Kỳ trọng tâm muốn vẽ lại bản đồ của cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông này sau khi Mỹ tuyên bố rút quân.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_213944_tho-nhi-ky-khoi-dong-chien-dich-quan-su-o-syria.aspx