Thơ Hoàng Việt Hằng: Để hoang vu lại hoang vu tìm về
Hoàng Việt Hằng bước vào đời sống thơ ca từ sớm. Chị có thơ đăng báo từ năm 1973, khi chị 20 tuổi. Tôi biết chị còn là nhà văn, bởi số tác phẩm văn xuôi gồm tiểu thuyết, tập truyện ngắn, tản văn, truyện thiếu nhi… in gấp đôi số tác phẩm thơ chị đã công bố. Nay dù đã ngoài thất thập, chị vẫn cặm cụi viết từng ngày, tiết kiệm thời gian để đọc, để đi.
1.Tôi có nhiều chuyến đi thực tế cùng nhà thơ Hoàng Việt Hằng. Chứng kiến chị trực diện đi vào đời sống, quên tuổi tác, thời gian mình không còn trẻ để đi vào ca ba như thời thanh xuân làm thợ. Tôi nhớ nhận xét của nhà thơ, TS. Lê Thành Nghị "Chị là người yêu lao động". Có thời gian dài, tôi cùng chị cộng tác với một tờ báo, tôi nhận ra, chị là người cẩn trọng chữ nghĩa, kỹ lưỡng từng centimét với chữ.
Còn nhớ, khi tôi và chị về vùng than Quảng Ninh, dù ở Vàng Danh, Đèo Nai, Mông Dương, Hà Lầm...; lúc ở trong Nhà điều hành các mỏ, hay xuống dưới độ âm 300 mét, Hoàng Việt Hằng vẫn thế: tranh thủ mọi cơ hội để ghi chép về đời sống thợ mỏ thời 4.0, đã khác xưa ra sao?
Nhà thơ Hoàng Việt Hằng không dùng bữa cơm chiều. Khi chủ, khách vui vẻ lại là lúc Hoàng Việt Hằng lặn lội đi gặp gỡ, quan sát. Hôm ở Mông Dương, chị lang thang vào các nhà dân. Dân cư ở các cùng mỏ, hình thành nên cùng lịch sử vùng than ở Mông Dương.
Hoàng Việt Hằng bước vào đời sống thơ ca từ sớm. Chị có thơ đăng báo từ năm 1973, khi chị 20 tuổi. Tôi biết chị còn là nhà văn, bởi số tác phẩm văn xuôi gồm tiểu thuyết, tập truyện ngắn, tản văn, truyện thiếu nhi… in gấp đôi số tác phẩm thơ chị đã công bố. Nay dù đã ngoài thất thập, chị vẫn cặm cụi viết từng ngày, tiết kiệm thời gian để đọc, để đi.
Nhà thơ Hoàng Việt Hằng quê ở làng Vân Hồ, Hà Nội. Chị là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2002. Căn nhà nhỏ của chị vẫn nằm chính trên đất xưa của làng quê ông bà cha mẹ, bên hồ Bảy Mẫu.
Sinh ra, lớn lên ở Hà Nội; có người cha làm thợ gò trong Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, mẹ làm nội trợ, gia đình có đủ thiên chức nữ công gia chánh của người Hà Nội xưa. Và chị chịu ảnh hưởng nếp nhà gia phong xưa của vùng quê đồng bằng Bắc bộ. 18 tuổi, chị làm công nhân ở một Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo. Viết rất sớm, có bài in báo từ năm 16 tuổi, sau đó chị theo học Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ (khóa 7) do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức... Mãi tới năm 1977 - 1982, chị mới bước qua giảng đường đại học. Ấy vậy, tốt nghiệp xong cử nhân văn hóa, Hoàng Việt Hằng trở lại công tác tại Công ty xây dựng số 1. Từ 1993, Hoàng Việt Hằng mới chuyển sang làm báo, đi đường dài, ngụp lặn trên "cánh đồng" chữ nghĩa.
2.Quãng thời gian Hoàng Việt Hằng làm Báo Du lịch Việt Nam, chị có cơ hội đi đến nhiều vùng đất nước, cũng như xê dịch ra nước ngoài. Chị là nhà thơ thuộc "thế hệ chống Mỹ", bên cạnh những vấn đề riêng tư, đời sống cá nhân, hướng tới phận người bé mọn, thơ Hoàng Việt Hằng còn chứa đựng tình yêu thương sâu nặng đối với quê hương, đất Kinh kỳ Thăng Long trải rộng trên mọi miền Tổ quốc. Thời gian nào thơ chị cũng được tạc nên từ những dấu ấn thân phận.
Điều khác biệt của Hoàng Việt Hằng là đi đến nhiều nơi, từ đồng ruộng vào xưởng máy, nơi gian khổ cũng như danh lam thắng cảnh, nhưng thơ chị không có những dòng hoan ca. Chị biết lắng nghe cuộc sống, lắng nghe những điều trắc ẩn, để viết về phận người thua thiệt. 153 bài thơ tuyển chọn từ 8 tập thơ để tinh tuyển trong một ngàn bài thơ của cuộc đời mình làm nên: "Hoàng Việt Hằng thơ tuyển", NXB Phụ nữ Việt Nam, quý 3/2023. Nhà thơ Mã Giang Lân từng viết: "Các bài thơ cứ như nói với mình về mình nhưng lại là những lời nhắc nhở, khơi gợi lương tâm đồng loại". Không có hình thức văn học nào vẽ nên "chân dung" bản thể rõ ràng như thơ.
Đọc "Hoàng Việt Hằng thơ tuyển" tôi nhận ra ba điều, ngay từ hình thức văn bản. Thứ nhất, chị là người luôn dằn vặt, hiện thực cuộc sống cứ ám vào chị làm cho "phần hồn" chị nặng hơn rất nhiều "thể xác". Đó là "day dứt", "ngạc nhiên", "những dấu lặng", "đoạn cuối cho hạn sống", "hạn sống", "đánh đổi", "dấu vết của ẩn ức", "thời gian trên thế gian"... Thứ hai, để cân bằng đời sống với nhiều mất mát, đổ vỡ, đớn đau... chị vừa "vịn" vào thơ; "tôi tựa vào câu thơ/ đứng vững trên đất đá/ tôi tựa vào dịu dàng/ để vượt qua những gì tưởng không thể vượt qua" (những dấu lặng).
Hoàng Việt Hằng vừa "neo gửi" tâm linh; bởi "nỗi buồn riêng của đời người/ chẳng san sẻ, chẳng chia phôi dễ dàng" (chùa trong núi Lăng Tiêu); "em khâu tóc trắng thay lời/ mỗi khi cúi xuống rã rời nỗi đau" (một mình khâu những lặng im). Các nhà phê bình thường "thơ hóa" nỗi buồn, quả quyết, nhà thơ hơn ai hết là chủ sở hữu những nỗi buồn. Với Hoàng Việt Hằng, dường như đời sống riêng, chung phồn sinh nỗi buồn, bám riết chị. Vì thế, để thanh tịnh, an nhiên chị tìm đến "chùa Một mái", "chuông vọng", "đối thoại với sư thầy", "địa chỉ của thế giới bên kia"...
...
tôi sống cuộc đời vất vả
có đau khổ lớn hơn cả đau khổ
nỗi buồn sao không thể khác đi?
(những dấu lặng)
Tôi thích thơ Hoàng Việt Hằng ở điểm, thơ chị là hành trình cùng thân phận. Đó phải chăng cũng là cái cách làm cho "nỗi buồn khác đi?" Cảm xúc của chị bước ra từ hiện thực rất cụ thể, từ "day dứt", "sau ca mổ", "cậu Nghẹo", "mẹ Trần", "chiếc xe than vùng mỏ", "anh lính đi chợ Cái Nước", "bác sĩ pháp y", "thơ tặng vợ người thợ lò", "bên hành lang bệnh viện", "cô Bê"; "người mẹ ở Buôn Đôn"... Đây là điểm thứ ba, nhận ra từ hình thức văn bản. Trái tim nhà thơ Hoàng Việt Hằng luôn run rẩy trước những thua thiệt, và bất hạnh của con người.
Hoàng Việt Hằng là nhà thơ có thân phận, có góc khuất để: "có bột mới gột nên hồ". Không phải chỉ năm 2022, gặp chị trong chuyến đi vùng mỏ, tôi mới nhận ra chị đã thuộc về đất mỏ. "những chiếc xe than vùng mỏ", "qua Đèo Nai", "thơ tặng vợ người thợ lò"... Trong tập "Những dấu lặng", được chị viết từ khoảng những năm 1973 - 1990. "đám mây như chiếc khăn màu/ bay hồng cả nỗi nhớ nhau lưng đèo" (qua Đèo Nai).
...
chị trẻ tới nỗi
bế con đeo khăn xô
tôi phải quay mặt đi
đôi khi nước mắt cũng cần giấu mặt.
(thơ tặng vợ người thợ lò)
Có đi vùng than mới hiểu cực nhọc của nghề thợ lò. Những tai nạn hầm hò vẫn xảy ra, dù các đơn vị đã ứng dụng nhiều công nghệ, nhất là AI để kiểm soát rủi ro, bất trắc. Không lạ gì, các đơn vị ngành Than có danh hiệu "Thợ lò chiến sĩ" để tôn vinh thợ lò xuất sắc hàng tháng, hàng quý. Cứ thế, Hoàng Việt Hằng thổn thức cùng số phận con người, dẫu trong chiến tranh hay hòa bình, bình yên hay dịch bệnh COVID. "Tôi đã viết như đã sống cho cuộc đời này, thơ như người bạn ân tình sau một chặng dài hơn nửa thế kỷ" (Hoàng Việt Hằng: Lời cuối sách).
3.Thơ Hoàng Việt Hằng từng được dịch ra nhiều nước như Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Nga, Lào…. PGS. TS. Lý Hoài Thu nhận xét: "Hoàng Việt Hằng thực sự là một gương mặt thơ có cá tính sáng tạo, dấu ấn và giọng điệu riêng nhiều khác lạ giữa không gian giàu hương sắc của thơ nữ Việt Nam hiện đại và đương đại".
Đọc "Hoàng Việt Hằng thơ tuyển "thú vị, nhận ra thơ chị mới, hiện đại, nỗi buồn không ủy mị, mà lạc quan yêu đời. Thi pháp chủ yếu tự do, phóng khoáng, thơ Hoàng Việt Hằng có những "đơn vị câu" ám ảnh, bài nào cũng dễ nhặt ra được câu thích thú. Tứ chặt chẽ và thường là câu cuối của bài thơ có vị trí "ám ảnh" để gấp sách lại người đọc còn nghĩ ngợi. Nếu không thơ còn gì?
"Hoàng Việt Hằng thơ tuyển" là tập thơ gần 300 trang in. Trong 153 bài có 17 bài thơ lục bát. Và ngay ở lục bát, dù "niêm luật" định sẵn, nhưng đọc lục bát Hoàng Việt Hằng, người đọc nhận ra điều thú vị ở cái cách chị "dùng chữ", "sáng tạo chữ".
"mẹ từng xinh đẹp một thời/ từng giàu có cũng từng ngồi tam quan/ đã từng viết sớ giải oan/ từng gõ mõ để nuốt khan nỗi buồn" (mẹ Trần); "học im lặng của con sông/ học người đốn củi cành cong buông rìu" (chùa trong hang núi Lăng Tiêu); "đời người xe chỉ luồn kim/ chị đành khâu những lặng im của mình" (thơ viết cho cậu Nghẹo).
Hoàng Việt Hằng độc thoại với bản thân, chị tìm đến lục bát như một phương cách, làm đa dạng thể loại, làm phong phú cho tập tuyển, viết dưới dạng nhiều cách thể hiện khác nhau, thơ tự do, lục bát, thơ 5 chữ... Hoàng Việt Hằng tạc nên "bản thể", không riêng cho chị. Thơ Hoàng Việt Hằng đã bước ra ngoài văn bản, có đời sống riêng, góp phần tạo nên những tác phẩm có giá trị trong dòng chảy văn học nữ quyền.
Cần mẫn với văn chương, với sự lao động nghiêm cẩn trước trang viết, nửa thế kỷ cũng đã mang đến cho Hoàng Việt Hằng nhiều giải thưởng lớn, nhỏ như Giải thưởng của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam với tập thơ "Những dấu lặng" (năm 1990 - 1995); Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội với tập truyện ngắn "Những lời chưa nói hết", (năm 1980 - 1981), tập thơ "Vệt trăng và cánh cửa", (năm 2008); Giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam với tập thơ "Một mình khâu những lặng im", (năm 2005); Tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam với tiểu thuyết "Một bàn tay thì đầy", (năm 2010); Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với tập thơ "Xóa đi và không xóa", (năm 2010 - 2014). Giải thưởng tiểu thuyết: "Thời gian trong cõi tạm" (năm 2023).