Thơ hay sao ít người đọc?

Tròn một năm trước, trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 17 tổ chức tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, nhà thơ Colombia Fernando Rendón nói rằng: 'Thi ca đang trở thành ngôn ngữ mới của một nhân loại hòa bình'.

Mấy năm qua, Ngày thơ Việt Nam vinh hạnh được đón hàng trăm nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu tiêu biểu cho nền văn học đương đại từ nhiều quốc gia trên thế giới đến chung vui, đọc thơ, trao đổi ý kiến về sự trường tồn của thơ ca, đặc sắc thơ ca Việt Nam.

Thơ Việt được tôn vinh như thế, nhưng thơ trong đời sống thì có phần tẻ nhạt, thể hiện rõ nhất là độc giả ngày càng thờ ơ trước những tập thơ dày dặn, in đẹp, trước số lượng hàng nghìn tập thơ được in ra mỗi năm. Thử tìm kiếm một vài cuốn thơ đang có dư luận như thơ tuyển, thơ vừa được giải thưởng văn học còn nóng sốt, nhưng đi khắp các hiệu sách lớn nhỏ ở Hà Nội không hề thấy bóng dáng một cuốn nào. Cô bán sách ân cần: “Bây giờ không thấy ai hỏi mua thơ, bác ạ. Chúng em cũng đã thử bày trên giá mấy cuốn gọi là tân hình thức gì đấy, nhưng cả năm chả có ai để mắt đến”.

Rõ ràng đang có một nghịch lý: Số lượng in thơ tăng lên hàng nghìn lần và người đọc đang giảm đi hàng trăm lần! Đã có nhiều bài nghiên cứu cho rằng thời đại kinh tế số, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, người đọc sách ngày càng ít đi. Không chỉ có thơ mà văn xuôi, sách nghiên cứu cũng trong tình trạng không khả quan hơn bao nhiêu. Tuy nhiên, trong bài viết nhỏ này, chúng tôi chỉ muốn nói đến một điều: Sự sáng tạo có phần cực đoan của người viết và việc thẩm định, khen-chê thơ đang có vấn đề. Vì sao độc giả không đọc thơ, kể cả những bài thơ được khen là hay, thậm chí được khen ngợi về sự cách tân, về sự đổi mới thi pháp, được trao giải cao ở cuộc thi này, cuộc thi kia?

Thực tế là độc giả không đọc vì thơ… không hay. Đó là câu trả lời ngắn gọn nhất. Tổng biên tập một tờ báo hỏi một nhà thơ lớn tuổi, có uy tín nghề nghiệp rằng: Vì sao có những người “sát giải” đến thế? Giải trong nước, giải ngoài nước mà cố đọc vẫn không nổi. Hay tại trình độ mình kém quá, mình lỗi thời rồi? Nhưng hỏi đến nhà thơ khác thì cũng cùng nhận xét như thế. Rằng tôi cũng thấy nó mù mờ quá, vừa đọc vừa đoán, chả thấy một chút rung động, một sự ám ảnh, lay thức nào. Nhưng cũng tôn trọng những người "cầm cân nảy mực" mà đành im lặng. Thế rồi các vị cùng bàn hẹp về những khuyết tật của nhiều bài thơ, nhiều tác phẩm đang góp phần gây nhiễu loạn cảm thức thẩm mỹ thơ. Đó là kiểu “làm màu”, đóng kín phòng văn mà “chuốt đá thành ngọc”. Nhưng khổ nỗi vì không gắn với đời sống mà "ngọc" đâu chẳng thấy, chỉ thấy chữ nghĩa bóng nhoáng, đảo ngược đảo xuôi vung vít. Một thời đọc đâu cũng thấy bờ vai, bờ mi, bờ môi, u hoài, mộng mị… Nay thì nhan nhản những mùa thiêng, vết sẹo long lanh, hột vú của nàng, trời đất bào thai, vầng trăng hấp hối, một đóa trăng tàn, vòng ôm định phận, đàn chim di thê… Đó là kiểu viết “tùy tiện chữ”. Thơ không cần tứ, không cần vần, không cần âm điệu và chẳng cần tới chút cảm xúc nào. Cách tân chi mà cứ lục cục lào cào, tìm một câu khả dĩ gọi là thơ thì chịu. Đọc toàn bài cũng chẳng hiểu tác giả định nói gì. Thế nhưng đấy lại là thơ của một người viết “lâu năm”, chê có khi lại bị cho là “dốt”, là không biết thẩm thơ. Đó còn là những bài thơ mới dừng ở ý tưởng, triết lý vụn vặt, thơ không ra thơ, triết không ra triết, đọc bản thảo, người biên tập nể tình mà hạ hai chữ “sơ lược”.

Vẫn phải nhắc lại rằng thơ hay là thơ giản dị, như không có gì cả, như ai cũng có thể viết được, nhưng mỗi câu, mỗi chữ lại khiến người đọc ngẫm ngợi, đọc đi đọc lại và nhận ra, hiểu thêm những tầng nghĩa mới. Mỗi câu, mỗi chữ ấy là hồn chứ không phải là xác chữ.

Nhà thơ HẢI ĐƯỜNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/tho-hay-sao-it-nguoi-doc-609383