Thiết bị huấn luyện thủy âm sonar

Bên cạnh nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ tích hợp hệ thống chiến đấu trên tàu hải quân, Viện Kỹ thuật Hải quân (Quân chủng Hải quân) là một trong những đơn vị đi đầu nghiên cứu về lĩnh vực thủy âm (sonar)-công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý, giám sát và làm chủ lòng biển. Đây là công nghệ vô cùng phức tạp, với tính ứng dụng cao, có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực và nhiều loại vũ khí, khí tài.

Đại tá, TS Dương Minh Hải, Phó cục trưởng Cục Khoa học quân sự, Bộ Quốc phòng, khi còn là Viện trưởng Viện Kỹ thuật Hải quân cho biết: Từ nhu cầu thực tế của Quân chủng Hải quân, Viện Kỹ thuật Hải quân tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng nghiên cứu, như: Phòng thí nghiệm, bể thử mi ni, bể thử bán tự nhiên, trung tâm công nghệ thủy âm. Mới đây, thiết bị phục vụ huấn luyện trắc thủ thủy âm sonar được nghiên cứu, chế tạo thành công với sự chủ động hoàn toàn về công nghệ thiết kế, chế tạo, gia công ở tất cả các khâu; qua đó khẳng định sự nỗ lực không ngừng của những người lính làm khoa học của Viện.

Cán bộ Phòng Khí tài đặc chủng, Viện Kỹ thuật Hải quân nghiên cứu thiết bị huấn luyện trắc thủ thủy âm sonar.

Cán bộ Phòng Khí tài đặc chủng, Viện Kỹ thuật Hải quân nghiên cứu thiết bị huấn luyện trắc thủ thủy âm sonar.

Để thiết bị huấn luyện trắc thủ thủy âm sonar có thể thu phát được tín hiệu thủy âm đa dải tần, chế độ tự hành dưới biển, khả năng hoạt động ổn định trong môi trường biển... là những yêu cầu đặt ra cho nhóm trước khi bắt tay vào nghiên cứu. Áp dụng những công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực thủy âm, các thông số kỹ thuật như chiều dài, độ rộng của các modul, tuyến hình của thiết bị được các kỹ sư tính toán kỹ càng. Với các phần mềm thiết kế chuyên dụng cùng kỹ thuật mô phỏng cho phép kỹ sư có thể mô hình hóa các modul, chi tiết của thiết bị theo mô thức 3D để chuyển thành các bản vẽ cụ thể, giúp đơn vị chế tạo có thể hình dung và gia công các chi tiết theo ý muốn. Thân vỏ các khoang modul đều được đúc nguyên khối và thử nghiệm nghiêm ngặt về áp suất làm việc. Đặc biệt, để đáp ứng độ sâu làm việc của thiết bị và khả năng tự hành theo lập trình, nhóm đề tài đã ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến, nhất là công nghệ thiết kế chế tạo thiết bị thủy âm đa dải tần, kỹ thuật điều khiển không người lái...

Theo Thượng tá Đặng Hữu Hải, Phó trưởng phòng Khí tài đặc chủng, Viện Kỹ thuật Hải quân, đối với các thiết bị phục vụ huấn luyện, trước đây chỉ hoạt động ở đơn tần số, chưa có chế độ tự hành. Nay áp dụng công nghệ thủy âm sonar, công nghệ điện tử, vật liệu, điều khiển không người lái, thiết bị huấn luyện trắc thủ thủy âm sonar có thể hoạt động ở chế độ tự hành với dải tần hoạt động rất rộng. Thiết bị được chia làm nhiều khoang chức năng, như: Các khoang chứa pin, khoang chứa thiết bị thu-phát thủy âm, khoang điện-điện tử chứa các thiết bị nhận lệnh điều khiển từ trạm điều khiển trên bờ, trên tàu và cấp lệnh điều khiển các cơ cấu chấp hành để thay đổi quỹ đạo, độ sâu, hướng, tốc độ hành trình... Khoang chứa các thiết bị thuộc phần động lực bảo đảm thiết bị hành trình đúng theo yêu cầu của chỉ huy, trắc thủ điều khiển.

Nhằm nâng cao khả năng xử lý, tính toán của bộ điều khiển, nhiều phần mềm đã được nhóm chủ động thiết kế và tích hợp đồng thời vào bộ xử lý trung tâm. Đây là phương án tối ưu hóa hệ thống xử lý, nâng cao hiệu quả và tăng tính gọn nhẹ của thiết bị. Các thuật toán tối ưu được nhóm lựa chọn để tính toán chuẩn xác về tọa độ và các thông số khác của thiết bị huấn luyện. Phần mềm này sau đó sẽ được nạp vào bộ xử lý trung tâm và sẵn sàng cho quá trình tự hành. Hoạt động chủ yếu trong lòng biển, thiết bị huấn luyện trắc thủ thủy âm sonar có thể điều hướng bằng cách sử dụng hệ thống định vị âm thanh dưới nước.

Với khả năng hoạt động ở cả 3 chế độ: Chế độ tự động, chế độ bán tự động và chế độ sự cố nhằm đề phòng trường hợp thiết bị không nhận được lệnh điều khiển từ trạm điều khiển trên bờ, trên tàu, sau thời gian đặt trước, thiết bị sẽ tự phát tín hiệu để các hệ thống dò tìm xác định vị trí, sau đó thiết bị nổi lên.

Thiết bị huấn luyện trắc thủ thủy âm sonar do Viện Kỹ thuật Hải quân thiết kế, chế tạo có giá trị rất lớn trong việc nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Bộ đội Hải quân; đồng thời phục vụ nhu cầu nghiên cứu chuyên sâu của các cơ sở nghiên cứu khác về lĩnh vực sonar. Ngoài ra, khi được nâng cấp, thiết bị huấn luyện này có thể trở thành UUV, AUV, ROV... phục vụ tìm kiếm cứu nạn, thăm dò địa hình đáy biển, giám sát ngầm, thậm chí trở thành vũ khí chống ngầm khi cần thiết...

Bài và ảnh: THANH THỦY

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/thiet-bi-huan-luyen-thuy-am-sonar-802359