Thiêng liêng 'Lời thề độc lập'

Tối 2/9, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện chương trình nghệ thuật đặc biệt 'Lời thề độc lập' chào mừng 75 năm Quốc khánh 2/9.

Tham dự chương trình có các đồng chí của các đồng chí: Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ; Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc; cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và Hà Nội.

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Bản Tuyên ngôn độc lập đã mở ra một kỷ nguyên mới, lần đầu tiên người dân Việt Nam có quyền ngẩng cao đầu, tự hào trở thành công dân của một nước tự do và độc lập. Bản Tuyên ngôn Độc lập ngắn gọn nhưng chứa đựng những nội dung bất hủ, không chỉ có giá trị lịch sử đối với dân tộc Việt Nam mà còn có ý nghĩa thời đại sâu sắc. Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn Độc lập đã trở thành sức mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt Nam, đưa đất nước vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, giữ vững độc lập chủ quyền, xây dựng và phát triển, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực.

Suốt 75 năm qua lời thề độc lập đã trở thành động lực để đất nước ta vượt qua những năm tháng chiến tranh, bước vào công cuộc đổi mới làm nên những thắng lợi to lớn.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Lời thề độc lập” bao gồm các phóng sự, phần tái hiện kết hợp tư liệu, sân khấu và các tiết mục âm nhạc đã ôn lại một chặng đường cách mạng vẻ vang, gắn liền với những hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã giúp dân tộc thoát khỏi gông cùm, nô lệ, vươn lên làm chủ vận mệnh của mình, sánh vai với các dân tộc trên thế giới.

Chương trình gồm 3 chương: Đêm đen, Lời thề Độc lập, Con đường độc lập.

Chương I: Đêm đen, tái hiện lại những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX khi người dân Việt Nam nói riêng, trên xứ Đông Dương và nhiều nước khác trên thế giới nói chung trở thành người dân nước thuộc địa, bị tước đi quyền con người, bị biến thành nô lệ dưới ách cai trị hà khắc của thực dân. Nhưng cũng chính từ những “đêm đen” tưởng không lối thoát ấy, đã thổi bùng lên tinh thần độc lập dân tộc, nhen lên những cuộc phản kháng liên tiếp. Dù liên tục bị đàn áp dã man, cuộc kháng chiến này thất bại lại có cuộc kháng chiến khác nổ ra; người này ngã xuống, lại có người khác đứng lên.

Chương II: Lời thề độc lập, chứng kiến những lầm than của đồng bào, nhìn những cuộc kháng chiến bị đàn áp trong bể máu, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước.

Với lòng yêu nước và ý chí kiên cường, Người đã tìm ra con đường cho dân tộc, "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta" để tinh thần dân tộc và khát khao độc lập vẫn cháy bỏng trong mỗi người Việt kết lại thành những làn sóng lớn, để rồi những ngày mùa thu lịch sử của Cách mạng đi đến thắng lợi, để nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức khẳng định nền độc lập với toàn thế giới.

Những ký ức được kể từ Cao Bằng, Tuyên Quang; những ngày cách mạng sục sôi trên khắp cả nước, cũng như khoảnh khắc linh thiêng khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, một lần nữa, nhắc nhớ chúng ta về niềm tự hào và giá trị của “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”.

Từ câu chuyện ly kỳ về những sáng kiến rải truyền đơn của những cô cậu học trò trường Bưởi thuộc Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu năm xưa tới những câu chuyện thú vị tại lán Khuẩy Nặm; từ Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng tới Cách mạng tháng Tám càng khiến khán giả hôm nay cảm phục lòng quả cảm của các thế hệ cha anh. Từ Cao Bằng, Trung ương đã vạch ra những chiến lược căn bản cho con đường cách mạng Việt Nam, có ý nghĩa quyết định đến vận mệnh của đất nước để từ đó chuyển hướng chiến lược, khởi nguồn độc lập, nhìn ra con đường mới, cơ hội mới cho độc lập dân tộc.

Chương III: Con đường độc lập, ngay sau Ngày Độc lập, sức mạnh của những vũ khí tối tân nhất, những đoàn binh tinh nhuệ nhất đe dọa nền độc lập non trẻ của nước ta. Nhưng với tinh thần "không có gì quý hơn độc lập, tự do", lớp lớp người con Việt Nam lại lên đường, cầm súng chiến đấu để bảo vệ nền độc lập của đất nước, dù hàng triệu gia đình phải chia cách, hàng triệu người phải ngã xuống”.

Ý chí độc lập của người Việt Nam cũng chính là sức mạnh đã sinh ra đất nước, bảo vệ và phát triển đất nước. Những thách thức ngày càng lớn, nhưng chính những lực cản này đã nuôi dưỡng ý chí để trở thành khát vọng, lời thề của người Việt Nam trước quá khứ và tương lai.

Có thể khẳng định, suốt 75 năm qua, Lời thề Độc lập vẫn luôn là lời thề từ trái tim, lời thề với Tổ quốc dẫn dắt các thế hệ người Việt bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam độc lập và giàu mạnh. Qua chương trình Lời thề độc lập, khán giả đã được nhìn lại chặng đường gian lao nhưng đầy vinh quang ấy để được tiếp sức mạnh, khát vọng dân tộc trong thời đại mới.

TG

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/nhip-cau-tuyen-giao/ban-tuyen-giao-tw/thieng-lieng-loi-the-doc-lap-129534