Thích ứng, tận dụng lợi ích từ các hiệp định thương mại

Việc thực thi các hiệp định thương mại tự do đã mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam tăng quy mô xuất, nhập khẩu, đóng góp cho tăng trưởng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, áp lực từ các thị trường đòi hỏi doanh nghiệp phải thích ứng, đổi mới sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững...

Đại diện các doanh nghiệp trao đổi tại Triển lãm kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế năm 2024 do Bộ Công Thương tổ chức. Ảnh: Nguyễn Vĩnh

Đại diện các doanh nghiệp trao đổi tại Triển lãm kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế năm 2024 do Bộ Công Thương tổ chức. Ảnh: Nguyễn Vĩnh

Xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng

Theo Bộ Công Thương, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ký kết, thực thi 17 hiệp định thương mại tự do với các nước và khu vực, tiêu biểu là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA)…

Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Phạm Quỳnh Mai đánh giá, từ khi thực thi các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng ấn tượng, cán cân thương mại Việt Nam duy trì đà xuất siêu. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là dệt may, da giày, sản phẩm cơ khí, thủy sản…

Trong đó, EVFTA đã tạo đòn bẩy tích cực cho thương mại 2 chiều, với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 200 tỷ USD, tăng trưởng 12-15% sau 4 năm hiệp định có hiệu lực (từ tháng 8-2020 đến tháng 8-2024). Số liệu mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, trong 9 tháng năm 2024, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên CPTPP đạt 76,3 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 41,4 tỷ USD, tăng 11,6%. Tính riêng tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu sang các thị trường CPTPP khu vực châu Mỹ đã tăng 56,3%, từ 8,7 tỷ USD năm 2018 lên đến 13,6 tỷ USD năm 2023...

Bộ Công Thương cũng đánh giá, UKVFTA đã trở thành cầu nối đưa hàng hóa thế mạnh của Việt Nam sang thị trường Anh, giúp gia tăng kim ngạch thương mại song phương. Đặc biệt, tỷ lệ hàng hóa Việt Nam hiện diện từ 12% đến 19%.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, việc thực thi các hiệp định thương mại đã mang lại những thay đổi lớn đối với ngành da giày. Không chỉ gia tăng kim ngạch xuất khẩu, các hiệp định thương mại còn tạo động lực thúc đẩy phát triển các nguồn nguyên phụ liệu trong nước, chuỗi sản xuất, đồng thời nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp.

Còn Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên Nguyễn Xuân Dương cho biết, sau 4 năm EVFTA được thực thi, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp tăng gấp đôi, từ 20 triệu USD lên khoảng 40 triệu USD.

Áp lực từ nhiều quy định mới

Dù đạt kết quả tích cực song Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Phạm Quỳnh Mai nhìn nhận, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu, hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là dạng thô, chưa xây dựng được nhiều thương hiệu. Nguyên nhân là việc phổ biến thông tin về các hiệp định thương mại tự do, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa đầy đủ; hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp còn dàn trải; nhận thức của cán bộ, doanh nghiệp về thực thi hiệp định thương mại còn chưa đầy đủ.

Đáng chú ý, doanh nghiệp hiện đối mặt nhiều áp lực từ thị trường của các nước do các quy định khắt khe về an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, tiêu chuẩn và quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu.

Theo Bộ Công Thương, cả UKVFTA và CPTPP đều đưa ra những cam kết minh bạch hóa về tiêu chuẩn chất lượng. Do đó, để có chỗ đứng lâu dài tại các thị trường này, hàng hóa Việt Nam phải đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, thẩm mỹ, vệ sinh, môi trường với giá cả cạnh tranh. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và làm tốt khâu tiếp thị, quảng bá sản phẩm. Đặc biệt, doanh nghiệp phải nắm bắt những thay đổi về quy trình sản xuất, thủ tục hải quan… khi xuất khẩu sang các thị trường này.

Chuyên viên Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) Đỗ Hữu Hưng thông tin, mới đây EU đã triển khai Kế hoạch hành động nền kinh tế tuần hoàn (CEAP) trong khuôn khổ Thỏa thuận xanh châu Âu. Kế hoạch này sẽ tác động trực tiếp đến 7 lĩnh vực xuất khẩu chính của Việt Nam, như: Thiết bị điện tử, công nghệ thông tin, pin, bao bì, nhựa, dệt may, da giầy. Những quy định trong kế hoạch này khá phức tạp, trong đó sản phẩm không đáp ứng được tiêu chuẩn liên quan đến hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số sẽ không thể thâm nhập vào thị trường.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên Nguyễn Xuân Dương, hiểu rõ xu hướng tất yếu này, doanh nghiệp đã chuyển đổi lò hơi nước đốt than sang lò hơi điện, đồng thời từng bước triển khai 100% sử dụng điện mặt trời áp mái; giảm và tái chế giẻ vụn thông qua áp dụng 100% máy cắt vải tự động; chuyển đổi sản xuất sản phẩm có tuổi thọ cao nhằm đáp ứng tiêu chí xanh, tuần hoàn.

Các chuyên gia cho rằng, để đáp ứng các yêu cầu mới, doanh nghiệp phải chuyển đổi số, đầu tư thay đổi quy trình sản xuất... Những bước đầu tư này sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh. Đây sẽ là những thách thức lớn, song nhờ đó doanh nghiệp buộc phải có chiến lược đầu tư bài bản, với hiệu suất sản xuất, kinh doanh cao để giảm chi phí về lâu dài.

Lam Giang

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thich-ung-tan-dung-loi-ich-tu-cac-hiep-dinh-thuong-mai-687612.html