'Thị trường Việt Nam tương đối lớn, còn tiềm năng phát triển mạnh cho doanh nghiệp'
Trả lời Nhà báo & Công luận, TS.Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất. Thị trường trong nước tương đối lớn, tiềm năng phát triển cao, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
+ 3 năm qua là 3 năm nhiều khó khăn, thách thức. Trong hoàn cảnh này, sự xuất hiện và ra đi của doanh nghiệp trong 3 năm nay như thế nào?
- Trong 3 năm qua, nền kinh tế và tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, có những vấn đề chưa có tiền lệ, ảnh hưởng mạnh tới cả doanh nghiệp đang hoạt động và sự hình thành của các doanh nghiệp mới.
Theo số liệu thống kê, năm 2022, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động năm 2022 là 208,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 30,3% so với năm 2021. Bình quân một tháng có 17,4 nghìn doanh nghiệp vào thị trường.
Cũng trong năm 2022 có 73,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 34,3% so với năm trước; gần 50,8 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ giải thể, tăng 5,5%; 18,6 nghìn doanh nghiệp giải thể, tăng 11,2%. Bình quân một tháng có 11,9 nghìn doanh nghiệp rời thị trường.
Trong 9 tháng năm 2023, dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng vẫn có hơn 165 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 1,2% so với cùng kỳ, gần 135,1 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng và rời thị trường. Bình quân một tháng có 18,4 nghìn doanh nghiệp gia nhập thị trường, 15 nghìn doanh nghiệp rời thị trường.
Số doanh nghiệp gia nhập thị trường vẫn lớn hơn số rút lui cho thấy lực lượng doanh nghiệp vẫn tiếp tục tăng trưởng, là một kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh quốc tế, trong nước có rất nhiều khó khăn, biến động.
+ Vậy khả năng đạt mục tiêu phát triển doanh nghiệp như thế nào, theo bà ?
- Nhìn vào tốc độ tăng doanh nghiệp hoạt động qua từng năm có thể thấy mục tiêu đạt được 2 triệu doanh nghiệp là thách thức rất lớn. Nhưng nếu chúng ta hạn chế tối đa những khó khăn, thách thức, khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế và tận dụng hiệu quả những thời cơ, thuận lợi thì vẫn có cơ hội cho doanh nghiệp trong nước phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu.
+ Bà có thể cho biết dự cảm về tình hình sản xuất của các doanh nghiệp những tháng tới?
- Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho biết : trong quý III/2023 cho thấy: 30,1% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý II/2023; 37,5% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 32,4% số doanh nghiệp gặp khó khăn.
Dự kiến quý IV/2023, có 39,1% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý III/2023. Theo 37,2% số doanh nghiệp, tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định, 23,7% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.
77,3% doanh nghiệp ngoài nhà nước dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2023 tốt hơn; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 74,4% và DNNN là 74,3%.
- Quan sát tình hình doanh nghiệp qua những năm gần đây, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, cần tận dụng hiệu quả thị trường trong nước từ cả hai phía cầu và cung.
Theo đó, phải kích thích tiêu dùng trong nước bằng miễn, giảm các loại thuế, phí như thuế VAT, tổ chức rộng khắp các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng. Gắn kết mạnh mẽ giữa sản xuất và tiêu dùng trong nước, phát triển mạnh thương mại điện tử...
Đồng thời, khai thác triệt để thị trường quốc tế. Vừa tận dụng hiệu quả các hiệp định Việt Nam đã ký kết vừa đẩy mạnh đàm phán để ký các hiệp định thương mại mới. Tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ, triển lãm lớn trên thế giới để tăng cường quảng bá sản phẩm, hàng hóa trong nước.
Thế giới đang có những xu hướng mới và có những quy định tiêu chuẩn mới theo hướng xanh, bền vững, kinh tế tuần hoàn, giảm carbon… Vì thế, cùng với các cơ chế, chính sách định hướng phát triển doanh nghiệp phù hợp, cần cung cấp đầy đủ thông tin cho doanh nghiệp.
Về phía mình, doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn mới, nhất là tiêu chuẩn xanh, kinh tế tuần hoàn...
Và quan trọng nữa vẫn là cải cách thể chế, xóa bỏ rào cản, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển.
+ Hoàn thiện thể chế, xóa bỏ rào cản là những việc đã và đang làm nhiều năm nay, vậy theo bà, bây giờ cần làm như thế nào, nhất là trong khi thế giới biến đổi rất nhanh, và như bà nói, đang có thêm nhiều điều kiện, nhiều tiêu chuẩn mới như xanh, bền vững, nhiều mô hình và phương thức kinh doanh mới xuất hiện?
- Trong bối cảnh mới, tình hình mới, thể chế cần phải thay đổi, hoàn thiện để phù hợp. Theo đó, cần kịp phát hiện những bất cập, vướng mắc, xác định rõ quy định pháp luật cụ thể còn bất cập, vướng mắc và thẩm quyền xử lý để chủ động sửa đổi, hoàn thiện phù hợp với diễn biến, tình hình mới.
Kiên quyết cắt bỏ và tuyệt đối không ban hành thêm các thủ tục hành chính không cần thiết, những thủ tục làm tăng chi phí và thời gian thực hiện. Đẩy mạnh hơn cải cách thủ tục hành chính và phải được nâng cao gắn với chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả các dịch vụ công quốc gia.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt cùng với có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi phù hợp...
+ Mọi dự báo vẫn cho rằng thế giới vẫn sẽ có những biến động khó lường, vẫn sẽ có những tác động không tích cực tới nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước. Nhưng trong nguy vẫn có cơ. Theo bà đâu sẽ là thời cơ, là thuận lợi?
- Về thời cơ, thuận lợi, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 192 quốc gia, hơn 30 đối tác có quan hệ từ Đối tác toàn diện trở lên. Chúng ta cũng đã ký 16 FTA; trong đó có nhiều FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP). Đặc biệt chúng ta vừa nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, trong đó quan hệ kinh tế - thương mại là trọng tâm phát triển khiến thị trường quốc tế ngày càng rộng mở, tạo điều kiện không nhỏ cho doanh nghiệp phát triển.
Bên cạnh đó, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số đang được triển khai mạnh mẽ. Các tổ chức quốc tế vẫn đánh giá Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất khu vực và thế giới. Dân số Việt Nam hiện khoảng 100 triệu người, cùng với sự phát triển ngày càng lớn mạnh của tầng lớp trung lưu ở trong nước. Như thế, thị trường trong nước tương đối lớn, tiềm năng phát triển cao, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Cùng với đó, Việt Nam vẫn được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng thu hút FDI, đặc biệt trong xu thế chuyển dịch cơ cấu, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, sản xuất hiện nay.
Nếu tận dụng hiệu quả những thời cơ, thuận lợi thì vẫn có cơ hội cho doanh nghiệp trong nước phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu.
+ Xin cảm ơn bà!
Hà Yên (Thực hiện)