Thị trường tài chính 24h: Triển vọng lợi nhuận cả năm nhiều doanh nghiệp hồi phục mạnh

VN-Index rơi hơn 10 điểm; Những điểm mới về thanh toán không dùng tiền mặt; Chờ điểm mua tiềm năng; Thu hút FDI cho chuyển đổi kép; Các nhà hoạch định chính sách của Fed vẫn thận trọng về lạm phát…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay ngày 22/5 tăng 500.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 88,90 – 90,92 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 5,5 USD xuống 2.421 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm nhẹ về 2.415 USD/ounce và giằng co nhẹ cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,72 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 22/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.254 đồng/USD, tăng nhẹ 3 đồng so với phiên hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.266 – 25.466 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng từ 68.100 USD lên 69.500 USD thì sang ngày hôm nay đã chững lại và rung lắc nhẹ quanh ngưỡng trên cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,73 USD (-0,93%), xuống 77,93 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,71 USD (-0,86%), xuống 82,33 USD/thùng.

VN-Index giảm hơn 10 điểm

VN-Index nỗ lực tiếp cận ngưỡng kháng cự 1.280 điểm từ rất sớm, nhưng chưa đủ “sức mạnh” để vượt qua, thậm chí áp lực bán đã gia tăng khiến chỉ số đảo chiều và có thời điểm nới rộng đà đi xuống, về gần 1.260 điểm trước khi thu hẹp đôi chút đà giảm về cuối phiên.

Điểm tích cực vẫn là thanh khoản duy trì ở mức cao với hơn 1,1 tỷ cổ phiếu khớp lệnh, giá trị giao dịch gần 28.000 tỷ đồng chỉ tính riêng trên HOSE, cho thấy dòng tiền vẫn tham gia sôi động trên thị trường.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 111,63 triệu đơn vị, giá trị bán ròng 1.760,34 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 22/5: VN-Index giảm 10,23 điểm (-0,8%), xuống 1.266,91 điểm; HNX-Index tăng 0,72 điểm (+0,3%), lên 243,29 điểm; UPCoM-Index tăng 0,25 điểm (+0,27%), lên 94,7 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ tăng nhẹ trong phiên thứ Ba (21/5), khi các nhà đầu tư trở nên thận trọng trước báo cáo kết quả kinh doanh của Nvidia và các quan chức Fed nhấn mạnh sẽ không vội vàng quyết định giảm lãi suất.

Nvidia, Công ty có giá trị vốn hóa lớn thứ ba của Phố Wall, sẽ báo cáo kết quả kinh doanh quý đầu tiên của năm 2024 vào thứ Tư và diễn biến này được cho là một bài kiểm tra cho sự bùng nổ liên quan đến lĩnh vực AI trong suốt thời gian dài vừa qua.

Kết thúc phiên 21/5: Chỉ số Dow Jones tăng 66,22 điểm (+0,17%), lên 39.872,99 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 13,28 điểm (+0,25%), lên 5.321,41 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 37,75 điểm (+0,22%), lên 16.832,62 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm khi các nhà đầu tư chờ đợi kết quả kinh doanh từ Nvidia, trong khi triển vọng thận trọng của các công ty trong nước do sự không chắc chắn về tỷ giá và biến động tiền tệ đè nặng lên tâm lý thị trường.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,85% xuống 38.617,10 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,81% xuống 2.737,36 điểm.

"Cả thế giới đang chờ đợi kết quả kinh doanh của Nvidia. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chứng khoán toàn cầu, đặc biệt là chứng khoán Mỹ và đương nhiên là cả chứng khoán Nhật Bản", Shuji Hosoi, chiến lược gia cấp cao tại Daiwa Securities, cho biết.

Cổ phiếu các gã khổng lồ chip của Nhật Bản là Tokyo Electron và Advantest lần lượt giảm 1,23% và 0,8%.

Thị trường cũng đang trong tâm lý chuẩn bị cho các đợt tăng lãi suất tiếp theo của ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) trong năm nay. Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB) đã tăng trong tháng này do những tín hiệu diều hâu từ BOJ khi họ tìm cách kiềm chế sự mất giá của đồng yên.

Chứng khoán Trung Quốc giằng co và đóng cửa tăng nhẹ, khi cũng đang chờ đợi những tín hiệu mới từ Nvidia.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,02% lên 3.158,54 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,23% lên 3.684,45 điểm.

Thông tin đáng chú ý là dữ liệu cho thấy các quỹ phòng hộ toàn cầu đã tăng lượng cổ phiếu Trung Quốc nắm giữ trong tuần thứ tư liên tiếp.

Các quỹ phòng hộ đã mua ròng cổ phiếu Trung Quốc trong bảy trong số tám tuần qua, nhóm môi giới chính của Goldman Sachs cho biết.

Trong những động thái gần đây nhất để khôi phục niềm tin thị trường, Trung Quốc tuần trước đã khởi động các đợt phát hành trái phiếu kích thích trị giá 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (138 tỷ USD) và công bố một loạt các biện pháp để hỗ trợ thị trường bất động sản đang gặp khó khăn.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi các nhà đầu tư tiếp tục duy trì trạng thái thận trọng trước khi gã khổng lồ chip Nvidia công bố kết quả kinh doanh.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,13% xuống 19.195,60 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,05% xuống 6.817,68 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc giằng co và giảm nhẹ, khi giới đầu tư cũng đã hạn chế mở vị thế khi thiếu vắng thông tin hỗ trợ.

Đóng cửa, Chỉ số KOSPI đóng cửa giảm 0,72 điểm, tương đương 0,02% xuống 2.723,46 điểm.

Thông tin đáng chú ý là việc Hàn Quốc không có kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm bán khống cho đến khi có một hệ thống để ngăn chặn các ngân hàng đầu tư lớn tham gia vào các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, tờ Yonhap đưa tin hôm thứ Tư, trích dẫn lời của một quan chức cấp cao.

Kết thúc phiên 22/5: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 329,83 điểm (-0,85%), xuống 38.617,10 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 0,57 điểm (+0,02%), lên 3.158,54 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 25,02 điểm (-0,13%), xuống 19.195,60 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 0,72 điểm (-0,02%), xuống 2.723,46 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Những điểm mới được bổ sung trong quy định về thanh toán không dùng tiền mặt từ ngày 1/7

Ngày 15/5 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung)..>> Chi tiết

- Chờ điểm mua tiềm năng

Kết quả kinh doanh khả quan của nhiều doanh nghiệp trong quý I/2024 đã giúp định giá P/E hấp dẫn hơn, trong khi triển vọng lợi nhuận cả năm hồi phục mạnh. Theo đó, nếu VN-Index điều chỉnh về các vùng hỗ trợ sẽ mở ra cơ hội mua mới và gia tăng tỷ trọng cổ phiếu..>> Chi tiết

- Thu hút FDI cho chuyển đổi kép

Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới, tập trung vào cả tăng trưởng xanh và chuyển đổi kỹ thuật số. Đây là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế bền vững và các mục tiêu dài hạn. Trong đó, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đóng vai trò quan trọng..>> Chi tiết

- Các nhà hoạch định chính sách của Fed vẫn thận trọng về lạm phát

Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) hiện vẫn chưa sẵn sàng cho rằng lạm phát đang hướng tới mục tiêu 2% sau khi dữ liệu tuần trước cho thấy áp lực giá tiêu dùng trong tháng 4 đã giảm bớt..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-tai-chinh-24h-trien-vong-loi-nhuan-ca-nam-nhieu-doanh-nghiep-hoi-phuc-manh-post345720.html