Thị trường khí Việt Nam còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ
Trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, ngành công nghiệp khí Việt Nam vẫn còn tồn tại những bất cập và khó khăn cần tháo gỡ. Vụ thị trường trong nước Bộ Công Thương phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) tổ chức Hội thảo với chủ đề 'Tiềm năng phát triển thị trường khí tại Việt Nam' nhằm tìm ra các giải pháp để ngành công nghiệp này phát triển ổn định và bền vững.
Tham dự hội thảo có ông Trần Trọng Hữu - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gas Việt Nam, ông Tô Quốc Trụ - Phó chủ tịch Hội đồng khoa học Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Quản lý dầu khí (Viện Dầu khí), các Vụ Dầu khí và Than, Vụ Chính sách và Pháp chế, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo. Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương và TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh đồng chủ trì hội thảo.
Hiện nay, khí thiên nhiên được đánh giá là nguồn năng lượng sạch và có giá trị cao trên thế giới. Nhiều năm qua, thị trường khí Việt Nam đạt mức tăng trưởng liên tục trên 12%. Tuy nhiên, sản lượng khí sản xuất và tiêu thụ trong nước vẫn còn thấp so với mức tiêu thụ của khu vực và trên thế giới.
Nhằm thúc đẩy công nghiệp khí phát triển ổn định, bền vững, đã đến lúc các cấp bộ ngành cần tập trung tìm ra các giải pháp để tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, giúp các doanh nghiệp kinh doanh khí nâng cao hiệu quả sản xuất, hạn chế tối đa các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Hội thảo đã lắng nghe các tham luận có giá trị cao đến từ các chuyên gia, nhà khoa học và cả các cán bộ quản lý nhà nước về công nghiệp khí. Đáng chú ý như các tham luận: “Thực trạng chính sách kinh doanh khí tại Việt Nam” của Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Hoàng Anh Tuấn; “Giải pháp xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kinh doanh khí tại Việt Nam” của Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gas Việt Nam Trần Trọng Hữu; “Giá và cơ chế hình thành, vận động và xu hướng áp dụng giá khí tại Việt Nam” của đại diện Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính…
Trong đó, đại diện các doanh nghiệp đang trực tiếp sản xuất kinh doanh gas tại Việt Nam, ông Trần Trọng Hữu đã chỉ ra cụ thể 70 loại điều kiện đối với kinh doanh gas là quá nhiều, trong đó không ít điều kiện trùng lặp, cần nhiều bộ ngành quản lý phê duyệt. Đơn cử như để kinh doanh gas cần được phê duyệt phương án môi trường, phòng cháy chữa cháy, xử lý sự cố hóa chất, chống khủng bố… Như vậy để kinh doanh khí gas đòi hỏi phải “qua cửa” hàng loạt bộ ngành là điều bất cập trong khi đó nội dung của các điều kiện trên có đến 70% là trùng lặp.
Phát biểu tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông nhấn mạnh, đây là dịp các cơ quan quản lý nhà nước, bộ ngành, các nhà nghiên cứu kinh tế, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khí cùng trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó từng bước hoàn thiện các quy định, các cơ chế, chính sách hướng tới phát trỉen ngành công nghiệp khí hiệu quả - bền vững trong tương lai. Phát huy hết tiềm năng phát triển thị trường khí của Việt Nam.
Hiện Luật Dầu khí mới chỉ có quy định về phần thượng nguồn, các vấn đề đầu tư xây dựng nhà máy chế biến khí, trạm cung cấp khí và kể cả sang chiết gas đến tay người tiêu dùng… vẫn còn nhiều bất cập, phải chịu sự chi phối của nhiều luật khác như Luật cạnh tranh, Luật Xây dựng, Luật Sở hữu trí tuệ… Đã đến lúc cần gấp rút hoàn thiện Luật Dầu khí, kiện toàn các thông tư, nghị định liên quan đến sản xuất kinh doanh khí hóa lỏng một cách giản lược, minh bạch.