Thị trường du khách Hồi giáo - tiềm năng còn bỏ ngỏ

Vướng mắc lớn nhất khi khai thác thị trường Hồi giáo là phải cải tạo cơ sở dịch vụ, điểm đến, đặc biệt là hệ thống cung ứng thực phẩm, nhà hàng chuẩn Halal… với kinh phí đầu tư cao.

Tiềm năng từ thị trường khách Hồi giáo rất lớn, nhưng để khai thác thì cần có sự phối hợp của nhiều bên, trong đó ẩm thực phải đảm bảo tiêu chuẩn Halal

Thị trường tiềm năng

Mới đây, Sở Du lịch Đà Nẵng phối hợp với Hãng hàng không Vietjet Air tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch tại Ấn Độ (một trong những thị trường khách Hồi giáo lớn nhất) và khai trương đường bay trực tiếp Đà Nẵng - Mumbai, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút lượng khách Hồi giáo từ quốc gia này.

Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó tổng giám đốc Vietravel cho biết: “Đặc điểm của dòng khách này là thường lưu trú dài ngày, từ 1 đến 2 tuần tại những điểm đến thú vị để vừa ngắm cảnh, vừa mua sắm và lựa chọn các công viên giải trí như: Công viên Ấn tượng Hội An, VinWonders, Bà Nà Hills… nhằm du lịch theo đoàn lớn hoặc với gia đình”.

Trong đó, Đà Nẵng rất có lợi thế. Ngoài các chuyến bay từ Malaysia, Singapore và tương lai là Philippines… thì với cơ sở dịch vụ tốt, nhất là nền tảng về điểm đến để thành phố này trở thành điểm dừng chân tiềm năng cho khách du lịch Hồi giáo.

Đồng quan điểm, bà Phạm Phương Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông du lịch Việt thông tin, nhận thấy tiềm năng rất lớn ở thị trường này, thông qua các hội chợ du lịch quốc tế, các chuyến xúc tiến giới thiệu sản phẩm, khảo sát điểm đến… Công ty Truyền thông du lịch Việt đã đẩy mạnh tiếp xúc với các đối tác lữ hành nước bạn, kết nối trao đổi, đàm phán và mời đối tác đến khảo sát tuyến điểm, lộ trình, dịch vụ cung cấp… Từ đó, xây dựng các sản phẩm để chào bán tại thị trường nước bạn.

Thị trường khách du lịch Hồi giáo có mức tăng trưởng khá cao, mức chi tiêu mạnh và lưu trú dài ngày. Đây là nguồn khách quan trọng mà ngành du lịch cần tập trung khai thác.

“Chúng tôi thiết kế và xây dựng sản phẩm du lịch khi lấy 3 điểm chính là TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội và có thêm sản phẩm tham quan các điểm đến đặc trưng như: Đồng bằng sông Cửu Long, Hội An, Huế, vịnh Hạ Long, Ninh Bình…”, bà Phương Anh chia sẻ.

Người Hồi giáo trên thế giới hiện có khoảng 2,1 tỷ người, chiếm 1/4 dân số thế giới, gần nửa số người Hồi giáo sống ở các quốc gia phát triển, có thu nhập cao. Thị trường khách du lịch Hồi giáo có mức tăng trưởng khá cao, năm 2019 có 160 triệu lượt khách đi du lịch, sau đại dịch đã phục hồi nhanh chóng. Dự báo năm 2023 sẽ đạt 140 triệu lượt khách và năm 2024 trở lại 160 triệu lượt khách.

“Đến năm 2028, ước khoảng 230 triệu lượt khách du lịch Hồi giáo sẽ đi du lịch ra nước ngoài, chi tiêu sẽ lên tới 225 tỷ USD. Khách Hồi giáo đến Việt Nam phần lớn từ các quốc gia Malaysia, Singapore, Ấn Độ, Indonesia, các nước Trung Đông… Đây là những thị trường gần với Việt Nam nên rất thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn khách này”, ông Trần Tường Huy, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch xã hội nhận định.

Khai thác còn hạn chế

Theo các doanh nghiệp, về khách quan, Việt Nam chưa có nhiều đường bay thẳng tới các thị trường Hồi giáo, chưa nhiều hạ tầng du lịch chuyên biệt đáp ứng yêu cầu của khách du lịch. Một trong những ví dụ đặc trưng là khách sạn dành cho du khách Hồi giáo cần có những trang bị riêng như đánh dấu mũi tên chỉ hướng về thánh địa Mecca để họ cầu nguyện; nhà hàng cần phải có đầu bếp nấu chuyên, thực phẩm phải có chứng nhận Halal… Tuy nhiên, ở hầu hết địa phương có rất ít dịch vụ này.

“Trước đây, doanh nghiệp đã đón một đoàn khách Hồi giáo du lịch Mice (du lịch kết hợp tổ chức sự kiện, hội nghị) đến TP.HCM và có thêm một ngày ghé thăm sông nước miền Tây. Tuy nhiên, đoàn khách này yêu cầu đầu bếp, thực phẩm và thậm chí cả đồ nấu… phải được vận chuyển từ TP.HCM xuống. Điều này đã làm tăng chi phí rất nhiều, giảm sức cạnh tranh về giá khiến không nhiều doanh nghiệp mặn mà”, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông Du lịch Việt cho hay.

Ngoài ra, còn một nguyên nhân khách quan xuất phát từ trang phục đặc thù của khách du lịch Hồi giáo. Hầu như các đoàn khách đều nhận được những cái nhìn tò mò, những biểu cảm không nên có của người dân tại các điểm đến. Vì vậy, những năm gần đây, mặc dù Việt Nam đón không ít du khách là người Hồi giáo, song thị trường này dường như chưa thực sự được chú trọng.

Theo bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, việc đầu tư nhân rộng nơi cầu nguyện và nhà hàng đảm bảo chất lượng thực phẩm Halal là hai trong số những thách thức mà Vietravel nói riêng và nhiều doanh nghiệp trong ngành nói chung khó đáp ứng khi quảng bá sản phẩm tại thị trường này. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn đang cố gắng điều chỉnh, cập nhật cơ sở vật chất, hạ tầng và chuyển đổi xu hướng khai thác kinh doanh… sao cho trở thành điểm đến thân thiện với người Hồi giáo.

Từ những thực tế trên, có thể thấy, ngành du lịch Việt Nam chưa hình thành dịch vụ riêng cho khách Hồi giáo. Một vài cơ sở có tổ chức dịch vụ, nhưng chưa đáp ứng theo chuẩn riêng để phục vụ một cách chuyên nghiệp.

Giải pháp cho vấn đề này, theo ông Trần Tường Huy, về phía các doanh nghiệp cần xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử và nghỉ dưỡng để giới thiệu sản phẩm đến thị trường này nhiều hơn. Về phía địa phương, cần phải thể hiện sự thân thiện, gần gũi với người theo đạo Hồi, phải tạo cho khách Hồi giáo cảm giác an toàn, thuận tiện, nhất là khi khách đến giờ cầu nguyện.

“Đặc biệt, mỗi tỉnh, thành phố phải có giải pháp cung ứng và quảng bá thực phẩm chuẩn Halal, có nhiều nơi cầu nguyện tại các điểm tham quan và lưu trú. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bỏ ra nguồn kinh phí đầu tư cao”, ông Huy chia sẻ.

Hoài Sương

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thi-truong-du-khach-hoi-giao---tiem-nang-con-bo-ngo-d199287.html