Thị trường điện thoại thông minh vào trạng thái 'bình thường mới'
Các nhà sản xuất sẽ bán 'hết veo' khoảng 1,4 tỷ điện thoại thông minh trong năm 2021 bất chấp khó khăn từ đại dịch Covid-19, song song chấp nhận những thay đổi đáng kể trong tổ chức hệ thống bán hàng, cách tiếp cận người dùng.
Giãn cách phòng dịch khiến mọi người tìm tới điện thoại thông minh như “cửa ngõ” cho giao tiếp xã hội và trao đổi công việc.
Doanh số “khủng” - theo ước tính do hãng phân tích thị trường Canalys vừa công bố - đồng nghĩa rằng, thị trường điện thoại thông minh toàn cầu sẽ tăng trưởng mạnh khoảng 12%. Đây là sự phục hồi đầy ấn tượng sau năm 2020 chứng kiến suy giảm tới 7% do dịch bệnh bùng phát. Những khu vực dẫn dắt tăng trưởng sẽ là châu Âu, Trung Đông, châu Phi và Mỹ La tinh, dù thị trường điện thoại thông minh lớn nhất vẫn là châu Á – Thái Bình Dương.
Trong bối cảnh dịch bệnh, điện thoại thông minh càng có vai trò quan trọng hơn khi giúp mọi người duy trì kết nối, giao tiếp công việc và tiếp cận các loại hình giải trí. Thêm vào đó, do không còn chi tiền vào các chuyến du lịch hay hoạt động nghỉ lễ khiến hầu bao của người dùng hết sức rủng rỉnh, cho phép họ mạnh tay chi hơn trong mua sắm điện thoại thông minh. Đây là hai yếu tố quan trọng giúp doanh số tăng cao.
Cùng với đó, mong muốn có thể tận dụng được 5G – mạng viễn thông thế hệ mới đang được phổ cập cực kỳ nhanh chóng - cũng là động lực lớn. Ước tính, tới 37% số điện thoại thông minh bán ra trong quý đầu năm 2021 hỗ trợ kết nối mạng 5G. Con số này được các nhà phân tích dự đoán có thể đạt 43% trong năm 2021 (tương đương khoảng 610 triệu máy).
OnePlus Nord, Realme X50, Nokia 3 5G, Xiaomi Redmi Note 9T... là những mẫu máy 5G rẻ “chưa từng thấy” vào lúc này.
Cuộc đua 5G giữa giữa các nhà sản xuất điện thoại thông minh cũng dẫn tới giá thành sản phẩm ngày càng rẻ hơn. Các thương hiệu thậm chí chấp nhận hi sinh các tính năng khác như thu nhỏ màn hình hay giảm hiệu năng xử lý để có thể tạo ra những sản phẩm 5G với giá rẻ nhất có thể. iPhone 12 Pro, Samsung Galaxy S21/Note 20... sẽ nhường chỗ cho OnePlus Nord, Realme X50, Nokia 3 5G, Xiaomi Redmi Note 9T, những mẫu máy có giá chỉ bằng một phần ba. Thậm chí, nhiều dự đoán cho rằng năm 2021 sẽ có khoảng 32% số điện thoại 5G bán ra có giá chưa tới 300 USD (tương đương dưới 7 triệu đồng), qua đó giúp mạng 5G bùng nổ chưa từng có.
Tuy nhiên, nguồn cung linh kiện sẽ là yếu tố bóp nghẹt tiềm năng phát triển của thị trường điện thoại thông minh trong năm nay. Vào lúc này, các nhà sản xuất đang giành giật nhau nguồn linh kiện bán dẫn – thứ vốn không còn là độc quyền của họ mà buộc phải chia sẻ với các nhà sản xuất ô tô, thiết bị gia dụng... Trong vài tháng gần đây, các hãng điện thoại thông minh đã chủ động chuyển dịch dây chuyền sản xuất giữa các khu vực để hạn chế tác động tiêu cực của các làn sóng lây nhiễm Covid-19 lớn – đặc biệt là tại Ấn Độ. Tuy nhiên, nỗ lực này theo chuyên môn là chưa đủ để đảm bảo sự bền vững về lâu dài.
Trong bối cảnh tình trạng khan hiếm nguồn cung còn kéo dài, thị trường điện thoại thông minh thời gian tới được dự đoán sẽ chứng kiến ưu đãi chênh lệch đáng kể giữa các khu vực. Những nơi có lượng khách hàng dồi dào như Trung Quốc, Mỹ và Tây Âu sẽ được chú trọng hơn, trong khi các khu vực chịu thiệt thòi là Mỹ Latinh, châu Phi.
Các trung tâm bán hàng hoành tráng sẽ dần chuyển dịch thành địa điểm trải nghiệm dịch vụ và chăm sóc khách hàng.
Tuy nhiên, ngay cả ở những khu vực “chiếu trên”, nguồn cung sản phẩm vẫn có thể rơi vào tình trạng thiếu thốn, dẫn tới phân hóa ưu tiên ngay giữa những kênh phân phối khác nhau. Người dùng sẽ chứng kiến các nhà mạng hay chuỗi bán lẻ có doanh số cao luôn có được nhiều đặc quyền cả về giá bán lẫn khả năng nhập hàng mới. Việc các thương hiệu “cây đa, cây đề” không thể đảm bảo nguồn cung có thể dẫn tới nhiều hệ lụy tiêu cực, nhưng cũng được kỳ vọng mở ra thêm cơ hội phát triển cho những gương mặt mới.
Về phần mình, các chuỗi phân phối điện thoại thông minh sẽ phải tìm cách cải tiến hoặc đối mặt thất bại. Ở những quốc gia phát triển, một thực tế đang diễn ra gần đây là hoạt động bán hàng trực tuyến bùng nổ dẫn tới sự thu hẹp của các hệ thống kinh doanh trực tiếp. Người dùng đã và đang chứng kiến rất nhiều cửa hàng bán điện thoại đóng cửa và nhiều khả năng không bao giờ mở trở lại.
Thích ứng xu hướng mới, các hãng điện thoại cũng sẽ thay đổi chiến lược đầu tư. Những địa điểm kinh doanh trực tiếp vẫn được duy trì ở số lượng ít hơn với nhiệm vụ chính là hỗ trợ khách hàng và cung cấp thêm các dịch vụ giá trị gia tăng. Một số mô hình vận hành độc đáo thời Covid-19 cũng đã được triển khai, ví dụ như sử dụng kho hàng chung để tiết kiệm, nhận đơn và giao hàng cho người mua ở bất kì đâu...
Đại dịch Covid-19 đang mang tới những thay đổi, ngay cả với thị trường điện thoại thông minh.