Thị trường bán dẫn toàn cầu kỳ vọng tăng trưởng kỷ lục trong năm 2024

Theo The Verge, thị trường bán dẫn toàn cầu dự kiến đạt 588,36 tỷ USD với mức tăng trưởng 13,1% trong năm 2024, nhờ nhu cầu ngày càng tăng đối với sản phẩm chip sử dụng trong các mô hình, công cụ trí tuệ nhân tạo.

Tổ chức thống kê thương mại sản phẩm bán dẫn toàn cầu dự báo thị trường bán dẫn toàn cầu đạt 588,36 tỷ USD với mức tăng trưởng 13,1% trong năm 2024. Trong đó, chip nhớ sẽ dẫn đầu mức tăng trưởng chung của thị trường trong năm nay, với doanh số tăng 44,8% so với năm 2023.

Thị trường chip logic cũng được dự báo ghi nhận mức tăng trưởng 9,6% và thị trường chip cảm biến hình ảnh dự kiến sẽ tăng 1,7%.

Xét theo khu vực, châu Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh nhất với mức 22,3% trong năm tới. Thị trường châu Á - Thái Bình Dương, nơi có nhiều công ty đặt cơ sở sản xuất điện thoại thông minh và máy tính cá nhân, sẽ tăng trưởng 12%.

Tại Nhật Bản, thị trường bán dẫn được dự báo tăng trưởng ở mức khiêm tốn 4,4% do không được hưởng lợi nhiều từ sự hồi phục mạnh mẽ nhu cầu chip nhớ khi doanh số bán sản phẩm này ở mức thấp.

Dự báo trên cho thấy triển vọng lạc quan trên thị trường bán dẫn khi ngành này ghi nhận dấu hiệu phục hồi do nhu cầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh sau khi OpenAI cho ra mắt công cụ chatbot ChatGPT.

Giới chuyên gia cho rằng, hầu hết mọi tổ chức, doanh nghiệp đều muốn đầu tư và triển khai công nghệ trí tuệ nhân tạo như ChatGPT vào hoạt động kinh doanh nhằm cải thiện sản phẩm và dịch vụ của họ.

Kết quả cuộc khảo sát gần đây của Gartner với hơn 2.500 nhà lãnh đạo điều hành trên toàn cầu cho thấy, 45% lãnh đạo công ty công nghệ báo cáo rằng, ChatGPT đã thúc đẩy họ tăng cường đầu tư vào AI.

Ngoài ra, 70% giám đốc điều hành cũng cho biết tổ chức, công ty của họ đang ở chế độ khám phá với AI tổng quát. Khoảng 19% trong số đó đang ở chế độ thử nghiệm hoặc sản xuất.

Bà Frances Karamouzis, Phó Chủ tịch bộ phận phân tích của Gartner nhận định, cơn sốt trí tuệ nhân tạo dường như không có dấu hiệu suy giảm, đặc biệt là khi các tổ chức đang tìm cách đầu tư vào những giải pháp trí tuệ nhân tạo đột phá để giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn của công nghệ mới nổi này.

"Trí tuệ nhân tạo có thể giúp giảm thiểu tác động của lạm phát, giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân tài và thậm chí khắc phục suy thoái kinh tế. Các giám đốc điều hành và giám đốc công nghệ thông tin tận dụng trí tuệ nhân tạo để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, tạo ra sản phẩm, mô hình kinh doanh mới và tìm thấy những cơ hội lớn để tăng trưởng doanh thu", bà Karamouzis nói thêm.

Do đó, các khoản đầu tư vào trí tuệ nhân tạo hiện nay tập trung chủ yếu vào việc cải thiện trải nghiệm khách hàng, tăng doanh thu, tối ưu chi phí và nâng cao tính liên tục của hoạt động kinh doanh.

Cùng với đó, sự cải thiện về doanh số bán máy tính cá nhân (PC) và điện thoại thông minh cũng đóng góp đáng kể. Theo công ty nghiên cứu Canalys, thị trường smartphone sẽ cải thiện vào năm 2024 với ước tính khoảng 1,17 tỷ chiếc smartphone được tiêu thụ trong năm tới, tương ứng với mức tăng trưởng 4% hàng năm so với năm 2023.

Báo cáo của Canalys chỉ rõ rằng người tiêu dùng sẵn sàng chi nhiều hơn cho smartphone. Các thị trường mới nổi được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng trong năm 2024 với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm các thị trường như Ấn Độ, Hàn Quốc, Việt Nam, Indonesia và Malaysia, dự kiến đóng góp 33% tổng doanh số smartphone toàn cầu.

Hà Anh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/thi-truong-ban-dan-toan-cau-ky-vong-tang-truong-ky-luc-trong-nam-2024-post30664.html