Thi công công trình khắc phục sự cố do thiên tai: Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ
Hiện nay, các địa phương đang tập trung thi công khắc phục sự cố sạt lở đất do thiên tai gây ra. Với tinh thần khẩn trương, cấp bách, từng nút thắt, vướng mắc đang được tỉnh, các ngành chức năng cùng địa phương tập trung tháo gỡ, bảo đảm tiến độ thực hiện.
Đêm sáng đèn chuyển vật liệu, ngày dồn lực thi công
Tiết trời gió rét song trên công trình xử lý khẩn cấp sự cố vỡ và sạt lở tuyến đê Vũ Xá - Đan Hội (Lục Nam) vẫn có hàng chục công nhân tất bật thi công. Đây là tuyến đê quan trọng, ngoài nhiệm vụ bảo vệ toàn bộ diện tích sản xuất nông nghiệp của người dân xã Vũ Xá còn kết hợp làm đường giao thông, che chắn cho hàng trăm hộ dân trong khu dân cư. Đầu tháng 9 vừa qua, tác động của bão số 3 và mưa, lũ khiến nhiều đoạn trên tuyến bị vỡ, sạt lở, ăn sâu vào thân đê. Sau khi tỉnh công bố sự cố khẩn cấp, UBND huyện Lục Nam ban hành lệnh thi công, chỉ đạo các ban, ngành, địa phương liên quan tập trung phối hợp khắc phục sự cố.

Công trình thi công khắc phục sự cố sạt lở đất tại thôn Linh Phú, xã Tuấn Đạo (Sơn Động).
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện, tuyến đê này sẽ được khôi phục và mở rộng mặt bê tông từ 2,5 m lên 3,5 m; kè hoàn trả mái kè bị hỏng và những vị trí xung yếu; cải tạo lại vị trí cho điều tiết nước tràn đê, xây mới cống qua đê. Kinh phí dự kiến khoảng 12,5 tỷ đồng từ nguồn Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh và nguồn dự phòng. Những ngày này tranh thủ thời tiết khô ráo, Công ty cổ phần Công nghệ Việt huy động máy múc, ô tô tải đào đất, bóc đá rồi vận chuyển đất ra khỏi khu vực. Sau đó, đơn vị huy động gần 40 công nhân tổ chức 3 ca theo tinh thần đêm sáng đèn chuyển nguyên vật liệu, ngày dồn lực thi công.
Theo anh Nguyễn Văn Tuấn, Chỉ huy trưởng công trình, tuyến đê dài hơn 1,4 km nhưng mặt đê khá chật hẹp, xe chở vật liệu xây dựng khối lớn không thể di chuyển. Đơn vị phải tập kết đá, xi măng, bê tông tươi… cách hơn 2 km, sau đó chia theo các xe nhỏ đưa vào khu vực thi công. Hoạt động vận chuyển vật liệu chủ yếu diễn ra vào ban đêm để ban ngày các tổ kỹ thuật triển khai thi công.
Ngược lên huyện Sơn Động, dịp này các công trình khắc phục sự cố do thiên tai gây ra cũng đang được nhà thầu thi công khẩn trương. Do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu mưa lũ đã làm sạt lở bờ sông đoạn chảy qua thôn Linh Phú, xã Tuấn Đạo, đe dọa tính mạng và tài sản của nhiều hộ dân sinh sống ở ven sông. Riêng điểm sạt lở khu vực cầu Om, thôn Linh Phú dài 197 m, chiều cao từ mặt sông lên đỉnh bờ sạt lở 3 m. Đơn vị thi công đang kè mái gia cố chống sạt lở với chiều dài dọc bờ sông khoảng 300 m và các biện pháp kỹ thuật khác. Tại đây có nhiều máy xúc, máy ủi, ô tô và lực lượng nhân công làm 3 ca liên tục để phấn đấu hoàn thành vào tháng 1/2025. Trước đó, công trình khắc phục sạt lở đất tại thôn Nam Bồng do không gặp vướng mắc gì nên đã thi công xong.
Thiên tai xảy ra đã khiến nhiều tuyến đê và nhiều công trình phòng, chống thiên tai khác gặp sự cố, gây thiệt hại nặng nề cho các địa phương. Với sự tập trung cao nhất, tại các địa phương còn lại có sự cố do thiên tai gây ra như: Yên Thế, Lạng Giang, Hiệp Hòa… cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đang rốt ráo vào cuộc. Nhiều công trình đã được khởi công hoặc đang trong quá trình chuẩn bị san lấp mặt bằng, thực hiện khắc phục sự cố.
Tập trung gỡ vướng
Bên cạnh những dự án đang khởi công và bước đầu có khối lượng giải ngân vẫn còn công trình gặp vướng mắc. Đơn cử như tại Lục Nam, 2 điểm sạt lở đất tại thôn Dốc Lỉnh, xã Nghĩa Phương và khu dốc Chợ, thôn Lầm, xã Trường Sơn chưa thi công.
Theo ông Đặng Văn Nhàn, Chủ tịch UBND huyện, sau khi tỉnh công bố sự cố khẩn cấp, huyện đã phối hợp với các doanh nghiệp tiến hành khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật và xác định xử lý các sự cố sạt lở đất bằng phương án gia cố mái dốc bằng tường chắn có cốt; đồng thời ban hành lệnh khẩn cấp thi công công trình. Tuy vậy, việc xử lý đang gặp vướng mắc về thủ tục bởi các công trình khẩn cấp nêu trên chưa có danh mục trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện năm 2024.
Hiện các địa phương đề xuất với UBND tỉnh trình kỳ họp thứ 22 HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XIX (diễn ra trong 2 ngày 10 và 11/12) xem xét, hỗ trợ kinh phí từ nguồn vốn đầu tư công hơn 105 tỷ đồng để xử lý khẩn cấp các sự cố về đê điều, sạt lở núi, đường giao thông cấp huyện, xã... Riêng đối với các công trình khắc phục sự cố trên tuyến đê cấp trung ương quản lý, Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo, đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ riêng.
Do đó, để triển khai thi công đối với công trình khắc phục sự cố khẩn cấp do thiên tai, UBND huyện đã có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh cho phép huyện bổ sung vị trí xây dựng công trình vào quy hoạch phòng, chống thiên tai sau khi đã hoàn thành xây dựng. Đồng thời huyện không phải thực hiện quy trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với diện tích thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng liên quan đến 2 công trình tại thôn Dốc Lỉnh và thôn Lầm. Dự kiến kinh phí thi công khoảng 40 tỷ đồng, huyện đề xuất tỉnh quan tâm hỗ trợ bổ sung nguồn lực địa phương triển khai thực hiện theo kế hoạch.
Đối với huyện Sơn Động, tại thôn Tuấn Sơn, xã Tuấn Đạo, cơ quan chức năng đã khoan địa chất, xây dựng phương án thi công song chưa tìm được vị trí đổ thải. Dự kiến trước Tết Nguyên đán sẽ hoàn thành công trình tại thôn Linh Phú và thôn Tuấn An. Hiện nay điểm sạt lở tại thôn Vá, xã An Bá vướng vào khu vực thực hiện hạng mục khác của huyện, Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện đã có báo cáo gửi cơ quan chức năng cho ý kiến phương án khắc phục trong thời gian sớm nhất.
Trước vướng mắc tại huyện Lục Nam, mới đây, các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và PTNT đã có công văn cho ý kiến vào phương án thi công. Theo đó, các ngành chức năng nhất trí với đề xuất của huyện. Đồng thời lưu ý, do quy mô khối sạt, trượt lớn, đề nghị UBND huyện tính toán, xem xét kết hợp giải pháp cắt tầng nhằm giảm tải trọng trên đỉnh cung trượt, gia tăng sự ổn định của tường chắn; bổ sung đơn vị tư vấn thẩm tra có năng lực, kinh nghiệm thực hiện bảo đảm an toàn công trình. Hiện các địa phương đang mong chờ Nghị quyết của HĐND tỉnh sớm thông qua, tạo hành lang pháp lý và nguồn lực cần thiết để những dự án được thi công.
Trong thời gian các công trình thi công và hoàn thiện thủ tục chuẩn bị khởi công, UBND các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến các sự cố, cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm. Với những công trình mới có quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh công bố sự cố khẩn cấp trong tháng 12/2024, các địa phương cần triển khai ngay việc khảo sát, đánh giá, lập phương án khẩn cấp sự cố công trình, ban hành lệnh xử lý khẩn cấp công trình theo phương châm “bốn tại chỗ”. Cùng đó chủ động bố trí, sử dụng nguồn kinh phí của huyện và các nguồn vốn hợp pháp khác để đủ nguồn lực tổ chức khắc phục các sự cố bảo đảm an toàn, đúng quy định của pháp luật.
Bài, ảnh: Hải Vân