Thênh thang đón kỷ nguyên bứt phá
Mùa xuân, đi trên những cung đường của Thủ đô, từ nội thành đến những miền ngoại thành xa, đâu đâu tôi cũng cảm thấy không gian như bừng lên một sức sống mới. Những cung đường mùa xuân, những dự án hạ tầng được Hà Nội đầu tư đồng bộ, khang trang đã và đang là cầu nối thông thương hàng hóa, là động lực đưa Hà Nội ngày càng phát triển.
Những điểm nhấn quan trọng
Hà Nội là Thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của đất nước. Hệ thống giao thông vận tải được coi là huyết mạch của nền kinh tế, là bộ mặt của đô thị. Bởi vậy, Thành phố luôn tập trung nguồn lực phát triển hệ thống giao thông Thủ đô sao cho hiện đại, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Trong mạng lưới giao thông của Thủ đô, có lẽ hệ thống cầu bắc qua sông là điểm nhấn nổi bật dễ thấy hơn cả. Theo tìm hiểu, những năm 80 của thế kỷ XX, cả Hà Nội chỉ có cầu Long Biên bắc qua sông Hồng. Đến giữa thập niên 1980, cầu Chương Dương và Thăng Long được khánh thành. Cho đến nay, Hà Nội đã có nhiều cây cầu lớn bắc qua sông Hồng như: Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Nhật Tân, cầu Vĩnh Tuy 2...
Tới đây, Thành phố sẽ tập trung đầu tư thêm hàng loạt cây cầu quan trọng khác như: Hồng Hà, Vân Phúc, Thượng Cát, Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi, Mễ Sở… tạo kết nối có tính tương hỗ với nhau. Chẳng hạn như cầu Thượng Cát trên đường Vành đai 3,5, tuyến giao thông này không chỉ kết nối trung tâm với khu vực huyện Đông Anh, mà còn kết nối đến khu vực huyện Mê Linh ở phía Bắc Thủ đô; cầu Vân Phúc kết nối Hà Nội với Vĩnh Phúc theo trục dọc Bắc - Nam, khai thông hướng tiếp cận cho 7 huyện khu vực phía Nam thành phố Hà Nội.
Ngoài ra, kết cấu hạ tầng giao thông khung tại Hà Nội đã và đang được hình thành theo quy hoạch, bao gồm: 7 tuyến vành đai; 19 tuyến hướng tâm (7 tuyến cao tốc hướng tâm, 8 tuyến quốc lộ, 4 tuyến hướng tâm kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh). Nhiều tuyến cao tốc quan trọng kết nối vùng, lấy Thủ đô làm trung tâm đã hoàn thành, đưa vào khai thác như: Hà Nội - Lào Cai; Hà Nội - Hải Phòng; Pháp Vân - Cầu Giẽ... đã góp phần thúc đẩy giao thương, văn hóa, góp phần khẳng định vị thế và sự phát triển ổn định, bền vững của Thủ đô.
Đặc biệt, đường Vành đai 4 với vai trò chiến lược đối với toàn bộ Vùng Thủ đô đã được khởi công vào tháng 6/2023, đến nay đã bắt đầu thành hình, mở ra cơ hội cũng như tạo động lực phát triển rất lớn không chỉ cho Hà Nội mà cả khu vực Đồng bằng sông Hồng. Cùng đó, Hà Nội đã hoàn thành một số công trình giao thông trọng điểm, cấp bách trên địa bàn như: Đường Vành đai 2 đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy, đoạn cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, đường Vành đai 1 đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái cùng nhiều công trình chống ùn tắc trong nội đô, đường Vành đai 3 dưới thấp đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, đường Vành đai 3,5 đoạn Đại lộ Thăng Long - Quốc lộ 32…
Về mạng lưới xe buýt Thủ đô hiện cũng được đồng bộ hóa mạnh mẽ. Cụ thể, hiện Hà Nội có tổng số 153 tuyến buýt đang khai thác, vận hành (trong đó có 128 tuyến buýt trợ giá, 9 tuyến buýt không trợ giá; 13 tuyến buýt kế cận và 3 tuyến City tour). Tổng số phương tiện xe buýt toàn mạng hiện có 2.181 xe (trong đó buýt trợ giá là 1.903 xe với 282 xe sử dụng năng lượng sạch và trên 1.200 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro IV trở lên). Đến nay, hoạt động của các tuyến buýt điện Thủ đô đã góp phần giảm 36.000 tấn CO2. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030, có khoảng 70 - 90% số xe buýt sử dụng điện và năng lượng xanh, tăng lên 100% vào năm 2035.
Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước đưa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vào vận hành, khởi đầu cho kỷ nguyên mới của vận tải công cộng nhanh, khối lượng lớn, hiện đại, văn minh, thân thiện với môi trường. Đáng mừng là, sau gần ba năm hoạt động (từ ngày 6/11/2021), tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã vận chuyển hơn 28 triệu lượt hành khách bảo đảm an toàn tuyệt đối. Cùng đó, ngày 8/8/2024, đoạn đường sắt trên cao từ Nhổn đến ga Cầu Giấy thuộc tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội đã được vận hành khai thác thương mại. Việc tuyến đường sắt trên cao từ Nhổn đến ga Cầu Giấy vận hành đã góp phần xây dựng hình ảnh giao thông Thủ đô văn minh, vừa góp phần giảm ùn tắc giao thông. Đây là cơ sở quan trọng để Hà Nội tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho hệ thống đường sắt đô thị, hướng tới xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, bảo đảm phục vụ người dân và đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh hơn của Thủ đô trong tương lai.
Đồng bộ hạ tầng để bứt phá
Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, có 18 công trình đường bộ vượt sông Hồng trong khu vực Hà Nội, trong đó có 6 cầu hiện hữu gồm: Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy (đã hoàn thành giai đoạn 1 và giai đoạn 2), Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh. Cải tạo, nâng cấp cầu Long Biên thành cầu cho đường bộ đi riêng. Xây dựng mới các cầu, hầm gồm: Hồng Hà, Mễ Sở (trên đường vành đai 4), Tứ Liên, Trần Hưng Đạo... Xây dựng 8 cầu qua sông Đuống, trong đó có 4 cầu hiện đang sử dụng gồm: Cầu Đuống (dùng chung cho đường sắt, đường bộ), Phù Đổng 1, Phù Đổng 2, Đông Trù. 4 cầu xây dựng mới gồm: Cầu Đuống mới, Giang Biên, Mai Lâm, Ngọc Thụy.
Bên cạnh đó, Hà Nội đang xây dựng đường Vành đai 4. Đường Vành đai 5 theo quy hoạch gồm các đoạn đi mới và các đoạn đi trùng đường hiện tại với tổng chiều dài khoảng 375km, quy mô tối thiểu 4 làn xe, qua các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.
Đồng thời, xây dựng mới các trục đường nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, tổng chiều dài khoảng 90km gồm: Trục Tây Thăng Long, trục Hồ Tây - Ba Vì, trục Hà Đông - Xuân Mai, trục Ngọc Hồi - Phú Xuyên. Cùng với giao thông kết nối, mạng lưới giao thông nội đô cũng được quan tâm, đầu tư. Không chỉ mở rộng các trục đường giao thông chính, Hà Nội còn xây dựng các cầu vượt, hầm đường bộ tại những nút giao thông trọng điểm. Nhờ vậy, nhiều điểm thường xuyên gặp cảnh ùn tắc giao thông đã được cải thiện đáng kể, giúp người dân đi lại dễ dàng, thuận tiện hơn.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, theo định hướng phát triển Thủ đô đến năm 2030, dân số Hà Nội sẽ có khoảng 12 triệu người, diện tích đất xây dựng đô thị 90.000ha; đến năm 2045, dân số 14,6 triệu người; diện tích đất xây dựng đô thị 120.000ha. Trong nhiều năm qua, Hà Nội bước đầu đã xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông vận tải theo quy hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông.
Tuy nhiên, công tác đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống giao thông vận tải hiện chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của người dân. Tình trạng ùn tắc giao thông, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường… là những thách thức lớn với các cơ quan quản lý giao thông Thành phố. Để giải quyết vấn đề này cần phải ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào công tác quản lý, điều hành giao thông.
Hà Nội đang thúc đẩy triển khai mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng). Đây được xem là giải pháp căn cơ, lâu dài để giải quyết những bài toán lớn đặt ra cho Thủ đô hiện nay, trong đó có các vấn đề về ùn tắc giao thông, quá tải hạ tầng, ô nhiễm môi trường, thu hút nguồn lực đầu tư. Theo Luật Thủ đô 2024 mới được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ bảy (Quốc hội khóa XV) vào tháng 6/2024, mô hình TOD là giải pháp quy hoạch, cải tạo, chỉnh trang và phát triển đô thị, lấy điểm kết nối giao thông đường sắt đô thị hoặc điểm kết nối giao thông có sử dụng phương thức vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn khác làm điểm tập trung dân cư, kinh doanh dịch vụ thương mại, văn phòng.
Việc áp dụng mô hình TOD cùng những định hướng, tầm nhìn dài hạn, tổng thể của Thủ đô sẽ tạo nền tảng cho phát triển đô thị bền vững, phát huy vai trò chủ đạo, xương sống của đường sắt đô thị nói riêng và hệ thống giao thông công cộng nói chung. Các cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giúp Hà Nội tăng thêm nguồn lực, rút ngắn trình tự, thủ tục, tập trung nguồn vốn cho các công trình, dự án trọng điểm, hướng tới xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối liên vùng, trở thành động lực cho phát triển Thủ đô trong tương lai.
Để Thủ đô thực sự Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, Hà Nội sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào xây dựng 3 trụ cột hàng không, đường, hệ thống giao thông đường bộ theo hướng hiện đại, đồng bộ, kết nối, lan tỏa.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thenh-thang-don-ky-nguyen-but-pha-183333.html