Thêm những công trình biểu tượng mới của Thủ đô Hà Nội
Trước yêu cầu phát triển về kiến trúc cảnh quan đô thị, đưa thành phố cùng cả nước bước vào giai đoạn phát triển mới, Hà Nội đang xây dựng, hoàn thiện những công trình mang tính biểu tượng của đô thị tương lai.

Dự án Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia (huyện Đông Anh) - công trình biểu tượng thịnh vượng mới của Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Quang Thái
Điểm nhấn về kiến trúc, mỹ thuật
Ngày 19-5 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội khởi công Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu (từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa). Riêng với cầu Tứ Liên, sẽ là cây cầu dài nhất qua sông Hồng, tính đến thời điểm hiện tại, được đánh giá là biểu tượng mới ở phía Bắc Thủ đô.
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính đánh giá, đây sẽ là nền tảng hạ tầng cho sự hình thành đại đô thị phía Bắc, nơi quy tụ các yếu tố công nghệ, sinh thái, văn hóa; đồng thời mở ra không gian sáng tạo, có sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, làm nên bản sắc riêng của đô thị tương lai Hà Nội.
Về mặt kiến trúc, cầu Tứ Liên có điểm nhấn là hai hệ trục được tạo hình dựa trên hình ảnh 4 con rồng đang từ mặt nước bay lên. Trên hình ảnh mặt đứng là 2 cặp rồng giao nhau uốn lượn. Lấy ý tưởng từ biểu tượng rồng thiêng, kết hợp cùng kiến trúc của toàn bộ cầu Tứ Liên, công trình tạo cảnh quan rất ấn tượng.
Với thiết kế độc đáo, mới lạ, cầu Tứ Liên sẽ trở thành cây cầu mang tính biểu tượng duy nhất trên thế giới kết hợp văng xoắn, giao thoa giữa nét đẹp truyền thống và hiện đại. Sau khi hoàn thành, cầu sẽ là biểu tượng mới cho sự phát triển của Thủ đô, là điểm nhấn mới mà người dân Hà Nội có thể tự hào, chiêm ngưỡng khi nhìn về sông Hồng.
Một công trình ghi dấu ấn khác, đánh dấu bước chuyển mình giữa quá khứ và hiện tại, đáp ứng những đòi hỏi của tương lai là Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia (huyện Đông Anh). Công trình này là sự tiếp nối từ Trung tâm Hội chợ triển lãm Giảng Võ (quận Ba Đình) đã ngừng hoạt động từ năm 2016, sau hơn 40 năm hoạt động. Đây từng là nơi sôi động với các hội chợ, sự kiện thương mại tầm quốc gia, nay sẽ chỉ còn là mảng ký ức sống động, khắc họa chiều sâu và làm nên bản sắc riêng biệt của Thủ đô nghìn năm tuổi. Theo thời gian, Hà Nội không ngừng vận động và phát triển. Một Thủ đô hiện đại và hội nhập cần không gian mới để phát huy đầy đủ mọi tiềm năng, thế mạnh, có vị thế xứng tầm và sức cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới.
Trước đòi hỏi cần có những công trình mang tính biểu tượng mới, vào những ngày cuối tháng 5 lịch sử này, Dự án Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia trên địa bàn huyện Đông Anh đang bước vào chặng nước rút. Dự án được khởi công ngày 30-8-2024, dự kiến sẽ về đích toàn bộ các hạng mục sau 10,5 tháng. Công trình được xác định là biểu tượng thịnh vượng mới của Thủ đô Hà Nội.
Điểm nhấn kiến trúc của dự án là Nhà triển lãm Kim Quy, lấy cảm hứng từ hình tượng Thần Kim Quy trong truyền thuyết xây thành Cổ Loa. Tất cả các sảnh trong nhà Kim Quy có thể kết nối thành không gian mở với tổng diện tích triển lãm lên đến hơn 94.000m2, khi hoàn thành sẽ là không gian triển lãm liên thông lớn thứ hai trên thế giới.
Về quy mô tổng thể, theo thông tin từ chủ đầu tư, với không gian 120.000m2 diện tích triển lãm trong nhà và 20,6ha diện tích triển lãm ngoài trời, đây sẽ là triển lãm có quy mô trưng bày lớn nhất lịch sử ngành triển lãm Việt Nam. Ngoài ra, công trình cũng sẽ trở thành điểm đến và điểm nhấn về kiến trúc, mỹ thuật, đủ năng lực tổ chức những sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, giải trí tầm cỡ khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Bước chuyển thiết yếu
Theo Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, quy mô, cấu trúc đô thị, kết cấu hạ tầng, kiến trúc công trình, cảnh quan nhân tạo, cảnh quan tự nhiên… của Hà Nội những năm qua phát triển ngày càng văn minh, hiện đại hơn.
Đặc biệt, thành phố luôn chú trọng đến sông Hồng, phát triển các không gian thực thể trên sông. Các cầu Long Biên, Thăng Long, Chương Dương, Thanh Trì, Vĩnh Thịnh, Nhật Tân, Văn Lang, Vĩnh Tuy được xây dựng qua các giai đoạn khác nhau, mang các dấu ấn, biểu tượng khác nhau, nhưng đều tạo động lực để phát triển kinh tế, văn hóa của hai bên sông Hồng.

Phối cảnh cầu Tứ Liên bắc qua sông Hồng.
“Cầu Tứ Liên sẽ là biểu tượng giai đoạn mới, kết nối giữa khu vực trung tâm lõi phía Nam Hà Nội - khu vực hồ Tây và huyện Đông Anh, tức là kết nối giữa đường trục hồ Tây - Cổ Loa. Đây cũng là bước đột phá để khởi động một trong 5 trục trung tâm của thành phố Hà Nội đã được định hướng phát triển trong Quy hoạch Thủ đô.
Như vậy, cầu Tứ Liên được hoàn thành sẽ đáp ứng tính đa dạng mục tiêu, tích hợp nhiều ý nghĩa. Về mặt đối ngoại, cây cầu sau khi hình thành, cùng hệ thống đường dẫn hai bên sẽ kết nối giữa Hà Nội với Vĩnh Phúc, Bắc Ninh; tạo thuận lợi kết nối hai sân bay là Nội Bài và Gia Bình (Bắc Ninh), thúc đẩy hội nhập quốc tế cho Thủ đô Hà Nội”, Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm khẳng định.
Còn với sự chuyển đổi mang tính lịch sử từ Trung tâm Hội chợ triển lãm Giảng Võ sang Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia, chuyên gia này đánh giá cũng là bước phát triển cần thiết. Công trình xứng đáng là biểu tượng của thành phố bởi đáp ứng các tiêu chí về quy mô và hình thức kiến trúc. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên công trình tầm vóc quốc gia, thậm chí của khu vực, được xây dựng ở phía Bắc sông Hồng.
Hà Nội đang cùng cả nước thực hiện những bước phát triển đột phá để bước vào kỷ nguyên mới. Những công trình tạo điểm nhấn, là biểu tượng mới cho Thủ đô đóng vai trò hết sức quan trọng. Cầu Tứ Liên, Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia và trong tương lai là hàng loạt những công trình, kiến trúc khác… sẽ là niềm tự hào của người dân Hà Nội, làm giàu thêm kho tàng, vốn dày đặc các công trình biểu trưng, biểu tượng của Hà Nội, thể hiện sức vóc của thành phố qua mỗi thời kỳ lịch sử.