Thế hệ Alpha với tố chất kỹ thuật số bẩm sinh
Thế hệ Alpha sinh ra trong những năm đầu của thập niên 2010-2024, hoàn toàn sinh trưởng trong thế kỷ 21 và là thế hệ trẻ nhất của thế giới hiện đại. Tính đến năm 2025, đứa trẻ lớn nhất trong thế hệ Alpha mới có 13 tuổi, học trung học cơ sở. Phải 6 năm sau, xã hội mới có người lao động thế hệ Alpha.
Thế hệ Alpha (Generation Alpha) ngay từ phút đầu tiên ra đời, các cô bé cậu bé Alpha đã được sống với những công nghệ hiện đại, được đắm mình trong môi trường số. Vì thế, người ta coi thế hệ Alpha là Digital Natives, tức là người có tố chất kỹ thuật số bẩm sinh.
Tên gọi "Thế hệ Alpha" bắt nguồn từ cuộc khảo sát do Mark McCrindle thực hiện (người sáng lập McCrindle Research). Ông cho biết, khi đang đọc cuốn sách "The ABC of XYZ – Understanding the Global Generations" (xuất bản năm 2009), ông phát hiện có một thế hệ chưa có tên. Trong cuốn sách đã có thế hệ Z, chữ cái cuối cùng của bảng chữ cái La Mã, nên ông đã lấy chữ cái đầu tiên trong bảng chữ cái Hi Lạp để đặt tên cho thế hệ này. Đó là chữ Alpha.
Mỗi tuần, trên toàn cầu có khoảng 2,5 triệu trẻ em Alpha ra đời. Đến năm 2025, thế hệ Alpha sẽ đạt được 2 tỉ. Cũng cần thấy rằng, tỉ lệ sinh trẻ Alpha chỉ cao ở châu Phi và châu Á, còn ở châu Âu và châu Mỹ, tỉ lệ sinh đang giảm dần.
Những thuật ngữ này cho thấy đây là thế hệ được tiếp xúc với các thiết bị công nghệ, truyền thông trực tiếp chỉ qua một cú chạm, vượt trội hơn các thế hệ trước rất nhiều. Họ sẽ tiếp xúc thường xuyên với các thiết bị có bề mặt kính như Tablet, Laptop, PC v.v…
Thế hệ Alpha sẽ chủ động khi tương tác qua các nội dung trực tuyến. Chắc chắn là, khi lớn lên, thế hệ Alpha là những người sáng tạo nên các nội dung trên không gian số.
Jean Twenge, giáo sư trường đại học San Diego (Mỹ), khi viết về thế hệ Alpha đã mô tả như sau: "Mọi mặt cuộc sống của iGen phụ thuộc vào điện thoại thông minh: học bài, chơi game, kết bạn, trò chuyện, đọc sách… đều trên phương tiện thông minh". Ông lo ngại Smartphone sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tâm thần của trẻ em thuộc thế hệ này.
Mark McCrindle cho rằng, máy tính bảng giống như cô bảo mẫu của lũ trẻ này. Học và chơi dựa chính vào màn hình. Thế giới vật lý không có sức hấp dẫn chúng như thế giới ảo.
Đặc điểm nổi bật của thế hệ Alpha
Công nghệ
Thế hệ Alpha lớn lên với smartphone (điện thoại thông minh), máy tính bảng, các game điện tử và truy cập Internet dường như mỗi ngày. Chúng rất sớm có những kỹ năng số nên sử dụng công nghệ một cách tự nhiên, linh hoạt, dễ dàng so với các thế hệ Z, Y.
Kết nối toàn cầu
Thế hệ Alpha có khả năng tiếp cận rộng với các thông tin và giao tiếp toàn cầu. Internet đã mở ra nhiều cơ hội để lứa trẻ Alpha kết nối được với mọi người ở bất kỳ quốc gia nào. Nhờ đó, chúng có tầm nhìn và nhận thức quốc tế khá sớm.
Đa nhiệm, linh hoạt
Do sử dụng được nhiều phương tiện kỹ thuật số nên thế hệ Alpha có khả năng đa nhiệm tốt.
Đa văn hóa
Sinh ra trong một thế giới đa văn hóa và đa sắc tộc, thế hệ Alpha có xu hướng chấp nhận sự khác biệt. Mặt khác, do tiếp xúc với nhiều ngôn ngữ khác nhau, với nhiều giá trị văn hóa khác nhau nên thế hệ này có được ý thức về thế giới rất sớm.
Những điều làm nên sự khác biệt của thế hệ Alpha
Siêu kết nối
Sống trong môi trường mà công nghệ số luôn hiện diện xung quanh, thế hệ Alpha từ rất sớm đã biết ứng dụng và sử dụng các dịch vụ trực tuyến phức tạp. Nhiều đứa trẻ Alpha khá giỏi tiếp cận và xử lý thông tin từ Internet. Thế hệ Alpha rất thích kết nối với mọi người thông qua mạng xã hội.
Độc lập
Xã hội hiện đại nuôi dạy thế hệ Alpha theo một chương trình giáo dục tính tự lập, tự giải quyết vấn đề một cách độc lập. Thế hệ này dễ làm quen với cách tự học mà xã hội học tập đã nói.
Tiếp nhận thông tin bằng hình ảnh
Thế hệ Alpha có khả năng xử lý thông tin bằng hình ảnh nhanh chóng và linh hoạt. Các video, các phương tiện trực quan trên mạng, trò chơi điện tử giúp cho trẻ em Alpha nâng cao kỹ năng thị giác, phối hợp tay – mắt tốt, ứng biến nhiều nhiệm vụ nhanh.
Tư duy phản biện
Nhờ tiếp cận nhiều thông tin và kiến thức cũng như thiết lập, kết nối được với nhiều người, thế hệ Alpha không dễ dàng làm theo ý kiến người khác, cách làm của người khác, mà luôn xử lý vấn đề với cách nhìn, cách hiểu của riêng mình. Đặc điểm này giúp cho thế hệ Alpha không thích bị áp đặt, bị gò vào khuôn mẫu cứng nhắc.
Thực ra, những nhận xét về đặc điểm tính cách của thế hệ Alpha trên đây có thể chưa thật chính xác, vì lứa tuổi này chưa vào giai đoạn trưởng thành. Những công trình nghiên cứu về thế hệ Alpha chưa có nhiều để ta có thể hiểu chính xác thế hệ này hơn.
Điều mà ta có thể dự báo và suy luận về sự phát triển của thế hệ Alpha trong tương lai là hầu như nhóm nhân khẩu này khi trưởng thành sẽ tự nhiên là những Netizen (Cư dân mạng trong hệ thống mạng xã hội). Đó là những cá nhân tích cực tham gia vào cộng đồng mạng (online) và người dùng (user). Các cư dân mạng sẽ giao lưu trực tuyến, trao đổi trực tuyến và các hình thức khác của mạng xã hội.
Trong tiếng Anh, cư dân mạng còn được gọi là Cybercitizens, có nghĩa là cư dân ảo, cộng đồng ảo. Trên mạng xã hội, người ta rất tự do trong ngôn luận.
Trở thành Netizen là chuyện đơn giản của trẻ em Alpha, song lại là chuyện khó khăn của người lớn thuộc thế hệ X và Y. Đây là một đặc điểm nổi trội của nhóm Alpha.
Các lớp đầu tiên của thế hệ Alpha đang lớn lên, hiện giờ thì bọn trẻ này vẫn còn là những học sinh. Chỉ khoảng chục năm nữa, trên các giảng đường đại học, chúng ta sẽ có những sinh viên Alpha thông minh, đa tài – một lực lượng tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao của xã hội tri thức.
Hôm nay thế hệ Alpha đang học trong những trường học có cơ sở vật chất – kỹ thuật tốt, đang chuyển dần thành những trường học thông minh. Với sự bùng nổ của công nghệ, con người Alpha trẻ tuổi sẽ học hành, vui chơi, du lịch nhiều hơn cha anh, đi đâu cũng không gặp các rào cản về ngôn ngữ và văn hóa. Các em đó sẽ trở thành một thế hệ mới kết nối toàn cầu.
Ngày mai, khi lớn lên, thế hệ Alpha trưởng thành sẽ viết lại khái niệm "việc làm", sẽ thay đổi mô hình giáo dục với hệ thống trường học truyền thống hiện nay. Bắt đầu từ đây, có thể khái niệm về ranh giới địa lý, quốc gia, quốc tịch, tiền tệ, hôn nhân, gia đình… sẽ mang theo những nội hàm và ngoại diện không giống như bây giờ.
Đấy là cách nhìn lạc quan và những kỳ vọng về một thế hệ mầm non đang phát triển. Còn trong thực tế, cần cảnh báo rằng, nền giáo dục còn rất nhiều khuyết tật và tiêu cực nếu không được đổi mới triệt để sẽ làm thui chột tài năng của thế hệ Alpha. Với những vùng kinh tế còn thấp kém, trẻ Alpha của chúng ta vẫn chỉ là thế hệ đứng ngoài các màn hình kính và chưa lần nào bước vào không gian mạng.
Cần có chính sách ứng xử đúng đắn với trẻ em Alpha đang bị thiệt thòi đó.