Thế giới trên 224 triệu ca mắc và 4,6 triệu ca tử vong vì đại dịch

Người dân xếp hàng chờ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại một điểm tiêm chủng ở Melbourne, Úc. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 11/9 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 224.586.147 ca, trong đó có 4.628.847 người tử vong.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh trong ngày đang có dấu hiệu chững lại trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong cũng có xu thế giảm.

Nhiều nước Á - Âu tình hình vẫn đáng ngại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, Mỹ, Ấn Độ, Iran, Anh và Brazil số ca mắc mới vẫn cao một cách báo động. Mỹ lại quay lại vị trí quốc gia có số ca mắc mới và tử vong trong ngày cao nhất thế giới.

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 201 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là gần 19 triệu ca và trên 103.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 10/9, thế giới có 105 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 84 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với 41.729.799 ca mắc và 676.346 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 33 triệu ca mắc và trên 442.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 20 triệu ca bệnh, trong đó có 585.828 ca tử vong.

Tại Đông Bắc Á, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) vừa xác nhận 18 trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Eta của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, số ca mắc mới ở Nhật Bản đang có xu hướng giảm.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc Jeong Eun-kyung cho biết mô hình “sống chung an toàn với dịch COVID-19” có thể được Chính phủ Hàn Quốc xem xét sớm nhất là vào cuối tháng 10 tới và chính phủ nước này đang nỗ lực hướng tới mục tiêu này.

Khoảng thời gian phù hợp để Hàn Quốc áp dụng mô hình này là khi tỉ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh đạt 90% ở người cao tuổi và 80% ở người trưởng thành. Ngoài ra, một quan chức Chính phủ Hàn Quốc cho biết nước này đang xem xét việc mua trước thuốc điều trị COVID-19 từ nhiều công ty dược phẩm trên thế giới nhằm giảm nguy cơ xảy ra bất kỳ vấn đề nào về nguồn cung.

Tại châu Đại Dương, lần đầu tiên từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Úc ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày lên tới 1.900 ca. Riêng bang tâm dịch New South Wales (NSW) trong ngày 10/9 phát hiện 1.542 ca mới, vượt con số cao nhất ghi nhận trong tuần trước là 1.533 ca. Đáng lo ngại, số bệnh nhân COVID-19 cần nhập viện tại Sydney trong 2 tuần qua đã tăng gấp 2 lần, lên 6.000 ca. Thực tế này gia tăng sức ép lên ngành y tế.

Tại châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) ngày 9/9 đã đưa Nhật Bản, Albania, Armenia, Azerbaijan, Brunei và Serbia ra khỏi danh sách đi lại an toàn, đồng nghĩa với việc người nhập cảnh EU từ nhóm 6 nước trên sẽ phải chịu các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn như xét nghiệm COVID-19 và cách ly. Hiện danh sách đi lại an toàn trong dịch COVID-19 của EU còn 12 quốc gia, trong đó có Úc, Canada và Ả-rập Xê-út.

Bộ Y tế Tây Ban Nha thông báo lần đầu tiên trong 2 tháng qua, số ca mắc COVID-19 tại nước này đã giảm dưới ngưỡng nguy cơ cao 150 ca/100.000 dân theo quy định của cơ quan này. Tính đến ngày 9/9, Tây Ban Nha ghi nhận tổng cộng 4.903.021 ca mắc, bao gồm 85.218 ca tử vong. Với tỉ lệ người tiêm chủng vắc xin đạt hơn 70% dân số, chính quyền trung ương và các địa phương của Tây Ban Nha đã nhất trí cho phép các trung tâm thể thao ngoài trời như được tăng số lượng người tham gia trong tháng 9 này.

Tại Anh, Nghị viện Scotland đã phê chuẩn quy định từ ngày 1/10 cấp "hộ chiếu" vắc xin COVID-19 cho người tham gia các hoạt động có nguy cơ lây nhiễm cao như câu lạc bộ đêm hay lễ hội âm nhạc. Theo đó, người tham gia các sự kiện lớn hoặc các hoạt động tập trung đông người sẽ phải trình chứng nhận tiêm chủng.

Cùng ngày, Cơ quan Tiêm chủng thường trực của Đức (STIKO) đã ra khuyến nghị nên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho tất cả phụ nữ mang thai. Theo cơ quan này, phụ nữ mang thai không những có nguy cơ bệnh trở nặng hơn khi mắc COVID-19 mà còn có nguy cơ sinh non, do vậy nhóm đối tượng này được khuyến cáo lập tức đi tiêm phòng bất kể có bệnh nền hay không.

Hãng thông tấn AFP đưa tin ngày 10/9, chính phủ Đan Mạch đã xóa bỏ yêu cầu xuất trình “hộ chiếu vắc xin” để vào các câu lạc bộ đêm. Biện pháp này được ban hành hồi tháng 3/2020 khi Copenhagen từ từ nới lỏng các lệnh giới hạn đề phòng virus SARS-CoV-2 lây lan.

Người dân không cần phải xuất trình chứng nhận tiêm chủng khi muốn đến đa số địa điểm từ ngày 1/9, ngoại trừ các câu lạc bộ đêm. Và từ ngày hôm nay, quy định cuối cùng này cũng không còn cần thiết. Ông Ulrik Orum-Petersen, nhà quảng bá tại công ty tổ chức sự kiện Live Nation, cho biết: “Chúng tôi chắc chắn đi đầu ở Đan Mạch vì chúng tôi không áp dụng bất kỳ biện pháp hạn chế nào. Chúng ta đang ở đầu bên kia của đại dịch nhờ chương trình tiêm chủng”.

Chuyên gia dịch tễ học Lone Simonsen trả lời AFP: “Chúng tôi đang hướng đến mục tiêu đi lại tự do. Điều xảy ra ngay bây giờ là virus sẽ lưu hành và nó sẽ nhắm vào những người không tiêm chủng".

Tiến sĩ Simonsen, người làm việc tại Đại học Roskilde, cho biết: “Giờ đây, nhờ vắc xin, virus SARS-CoV-2 không còn là mối đe dọa xã hội nữa”.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), quốc gia Scandinavia này đã được hưởng lợi từ việc công chúng có ý thức tuân thủ các hướng dẫn trong chiến lược chống COVID-19. "Giống nhiều quốc gia, trong suốt thời gian xảy ra đại dịch, Đan Mạch đã thực hiện các biện pháp y tế trong cộng đồng và xã hội để giảm sự lây lan. Tuy nhiên, đồng thời, thành công của đất nước này cũng phụ thuộc rất nhiều ý thức tuân thủ của các cá nhân và cộng đồng”, Tiến sĩ Catherine Smallwood, cán bộ cấp cao tại Văn phòng khẩn cấp của WHO tại châu Âu đánh giá.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Báo Tin Tức)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/263860/the-gioi-tren-224-trieu-ca-mac-va-4-6-trieu-ca-tu-vong-vi-dai-dich.html