Thầy thuốc quân hàm xanh tận tâm chữa bệnh cho nhân dân biên giới

Không chỉ tuyên truyền, vận động bà con giữ gìn vệ sinh buôn làng, xóa bỏ tập tục lạc hậu trong công tác chăm sóc sức khỏe, Thiếu tá, bác sĩ Hoàng Ngọc Linh, cán bộ Đồn Biên phòng Ia Rvê, BĐBP Đắk Lắk phụ trách Trạm quân - dân y kết hợp xã Ia Rvê còn trực tiếp tới tận nhà thăm khám, chữa trị thành công nhiều trường hợp bị liệt đi lại, vận động được như bình thường. Nghe bệnh nhân của anh kể chuyện, tôi có cảm nhận, ở anh, ngoài năng lực chuyên môn giỏi còn có một trái tim nhân hậu, thương yêu người bệnh như chính người thân của mình.

Thiếu tá, bác sĩ Hoàng Ngọc Linh luôn tận tâm khám và điều trị bệnh cho người dân trên địa bàn. Ảnh: Bích Nguyên

Thiếu tá, bác sĩ Hoàng Ngọc Linh luôn tận tâm khám và điều trị bệnh cho người dân trên địa bàn. Ảnh: Bích Nguyên

Được thành lập từ năm 2014, Trạm quân - dân y kết hợp xã Ia Rvê đã trở thành địa chỉ tin cậy của đồng bào các dân tộc nơi đây mỗi khi bị đau ốm, bệnh tật. Từ năm 2018, Thiếu tá Hoàng Ngọc Linh được Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk điều động về đây phụ trách trạm quân - dân y thay cho người cán bộ tiền nhiệm trước đó chuyển công tác sang đơn vị mới. Giỏi y đức lại tận tâm, không ngại vất vả đêm hôm, mưa gió tới tận nhà chữa bệnh cho người dân khi cần, Thiếu tá Linh được bà con rất tin yêu và quý trọng.

Chúng tôi tới thăm Trạm quân - dân y kết hợp xã Ia Rvê vào một buổi chiều nắng gắt. Thiếu tá Linh khi đó đang phơi các loại lá cây ngoài sân. Anh bảo, đây là số thuốc nam anh mới đi hái ở rừng về, cứ phơi khô để đó, khi nào cần chữa bệnh cho dân thì dùng. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi dừng lại giữa chừng vì anh Linh có khách tới thăm. Đó là mẹ con chị Bùi Thị Minh, người dân thôn 5. Chị Minh vốn quê ở huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa di dân vào vùng đất này sinh sống, lập nghiệp từ năm 2007. Thời tiết khí hậu khắc nghiệt, vừa nuôi con nhỏ, vừa phải làm lụng vất vả nên chị Minh hay bị ốm vặt. Mối lần đau ốm, chị đều lên nhờ Thiếu tá Linh điều trị. “Ở đây, chúng tôi chỉ biết cậy nhờ vào bác sĩ Linh. Người nào đau nặng quá, anh thường tới tận nhà điều trị. Bà con ai cũng quý đức tính tận tâm của anh ấy” - chị Minh chia sẻ.

Cùng tới thăm Thiếu tá Linh còn có chị Đinh Thị Biên. Theo chia sẻ của chị Biên, bà con sinh sống ở xã Ia Rvê chủ yếu là người dân tộc thiểu số từ các vùng quê xa khác nhau về đây lập nghiệp, đời sống còn rất nhiều khó khăn. “Trước đây, nếu bị đau ốm, bà con đều phải đi lên trạm y tế xã hoặc bệnh viện huyện cách đây khoảng 60km để chữa trị, vừa xa xôi, vất vả, vừa rất tốn kém đối với những người dân nghèo như chúng tôi. Từ ngày Trạm quân - dân y kết hợp xã Ia Rvê đi vào hoạt động, chúng tôi thuận tiện hơn mỗi khi đi chữa bệnh. Đêm hôm chẳng may bị đau sốt, chúng tôi đều gọi bác sĩ Linh. Anh ấy hiền lành, nhiệt tình, không kể ngày hay đêm, nắng nóng hay mưa gió, khi bà con cần, anh Linh đều tới cứu giúp. Điều đáng quý nhất là bác sĩ Linh chủ yếu chữa bệnh bằng các phương pháp không dùng thuốc như châm cứu, bấm huyệt mang lại hiệu quả rõ rệt”.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Lệ luôn coi Thiếu tá Linh như ân nhân. Giữa năm 2023, anh Lệ bị đột quỵ dẫn tới liệt nửa người bên trái. Anh Lệ được gia đình đưa tới bệnh viện huyện điều trị nhưng không cải thiện được sức khỏe, phải nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào người khác. Cuộc sống của gia đình anh Lệ vốn đã khó khăn, giờ lại càng khó khăn, túng bấn hơn vì mất đi một lao động chính lại phải thêm người chăm sóc rồi tiền thuốc thang. Một lần tình cờ nghe bà con trong xã kể về tài chữa bệnh của bác sĩ quân hàm xanh ở Trạm quân - dân y kết hợp xã Ia Rvê, người nhà anh Lệ đã tới nhờ giúp đỡ. Biết hoàn cảnh gia đình anh Lệ khó khăn, Thiếu tá Linh đã trực tiếp tới tận nhà khám và châm cứu cho anh Lệ. Qua 2 đợt châm cứu, như một phép màu, sau gần 7 tháng nằm liệt giường, anh Lệ đã tự chống gậy đi lại được, giọng nói trở lại gần như bình thường.

Khi chiều dần tắt nắng, tôi theo Thiếu tá Linh đến thăm ông Tô Văn Hực ở thôn 5, một trong số bệnh nhân đang được anh hướng dẫn tập phục hồi chức năng. Trên đường đi, anh Linh chia sẻ: “Mỗi ca bệnh được chữa khỏi là tôi có thêm động lực để tiếp tục công việc mình đang làm”. Nhìn thấy Thiếu tá Linh, vợ chồng ông Hực nở nụ cười biết ơn và hạnh phúc. “Nhà tôi may mắn gặp được chú Linh mới đi lại được như thế này” - vợ ông Hực vui vẻ nói với tôi.

Nhờ Thiếu tá, bác sĩ Hoàng Ngọc Linh châm cứu, ông Hực đã đi lại được. Ảnh: Kim Ngân

Nhờ Thiếu tá, bác sĩ Hoàng Ngọc Linh châm cứu, ông Hực đã đi lại được. Ảnh: Kim Ngân

Ngồi nói chuyện với tôi, ông Hực nhớ lại: “Năm ngoái, tôi làm nhà. Khi đi từ giàn giáo xuống đất, đột nhiên tôi thấy người nặng trĩu rồi lịm đi. Người nhà đưa tôi đến bệnh viện điều trị may mắn mà thoát khỏi cái chết nhưng lại bị liệt nửa người. Nghe bà con giới thiệu, gia đình tôi đã tới nhờ bác sĩ Linh. Chú ấy châm cứu cho tôi 3 đợt, sau đó, tôi đi lại được và tự mình làm vệ sinh cá nhân, không phải phụ thuộc vào người thân nữa. Tôi rất vui và hạnh phúc”.

Biết tiếng Thiếu tá Linh châm cứu giỏi, người bệnh từ nhiều miền Tổ quốc, từ Quảng Ninh đến thành phố Hồ Chí Minh đã tìm tới anh để chữa trị. Với bệnh nhân nào, anh Linh cũng tận tâm cứu chữa. Có những trường hợp bị liệt nhiều tháng đã được anh chữa khỏi, đi lại được như trường hợp của một bệnh nhân tên Huệ ở thành phố Hồ Chí Minh. Bà Huệ năm nay 83 tuổi. Năm 2023, sau một trận đột quỵ, bà Huệ bị liệt, không đi lại được. Qua thông tin kết nối của bạn bè, gia đình bà Huệ biết tới tay nghề của Thiếu tá Linh liền cậy nhờ sự giúp đỡ của anh.

Với tinh thần hết lòng vì người bệnh, được sự đồng ý, tạo điều kiện của đơn vị, anh Linh đã xin nghỉ phép để vào thành phố Hồ Chí Minh châm cứu chữa trị cho bà Huệ. Niềm vui như vỡ òa khi hết đợt điều trị, bà Huệ đã đi lại được bình thường. Gia đình bà Huệ bày tỏ muốn cảm ơn Thiếu tá Linh, anh cho biết không cần gì cho bản thân mà chỉ mong có thêm một cơ số thuốc để bổ sung cho tủ thuốc của trạm quân - dân y.

Nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị bệnh cho bệnh nhân, Thiếu tá Linh học thêm kỹ thuật châm cứu, bấm huyệt, bốc thuốc đông y và tự trích một phần lương của mình để mua máy châm cứu cùng trang thiết bị phục vụ châm cứu. Anh cũng đăng ký tham gia lớp học online về kỹ thuật siêu âm. Ước mơ lớn nhất của Thiếu tá Linh bây giờ là trạm được trang bị một máy siêu âm để phục vụ công tác chẩn đoán bệnh được tốt hơn.

Nguyễn Bích

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thay-thuoc-quan-ham-xanh-tan-tam-chua-benh-cho-nhan-dan-bien-gioi-post481295.html