'Thất tinh bắc đẩu' công nghệ Mỹ bị thổi bay nghìn tỷ USD
Bảy công ty công nghệ vốn hóa lớn nhất của Mỹ đã bị thổi bay khoảng một nghìn tỷ USD trong ngày giao dịch đầu tuần (5/8) trên sàn chứng khoán Mỹ.
Trong đó, Nvidia mất 300 tỷ USD ngay khi thị trường mở cửa, nhưng sau đó đã nhanh chóng phục hồi được một nửa khoản lỗ. Cổ phiếu của nhà sản xuất chip đóng cửa giảm 6,4%, tương đương 168 tỷ USD.
Định giá của Apple và Amazon lần lượt giảm 224 tỷ USD và 109 tỷ USD đầu phiên. Kết thúc ngày giao dịch, vốn hóa “nhà táo” giảm 4,8% tương đương 162 tỷ USD, còn Amazon giảm 4,1%, tương đương 72 tỷ USD.
Cùng với những "gã khổng lồ" công nghệ khác như Meta, Microsoft, Alphabet và Tesla, tổng cộng 7 công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ đã mất 995 tỷ USD và chỉ phục hồi không đáng kể sau đó.
Thị trường giảm mạnh ngay đầu tuần với lo ngại về suy thoái kinh tế, bắt nguồn từ dữ liệu kinh tế thất vọng của tuần trước. Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 12%, mức giảm sâu nhất kể từ “ngày thứ hai đen tối” năm 1987 của phố Wall. Bitcoin cũng giảm mạnh 11%, dẫn đầu làn sóng bán tháo tiền mã hóa và cổ phiếu có liên quan.
Trong lĩnh vực công nghệ, các nhà đầu tư đang trở nên quan ngại những tuần gần đây. Nasdaq đã giảm 3,4% vào tuần trước, đánh dấu chuỗi ba tuần tồi tệ nhất trong 24 tháng qua.
Những "gã khổng lồ" như Amazon, Alphabet và Microsoft đều phát đi những tín hiệu tiêu cực. Đây là một sự thay đổi lớn về tâm lý thị trường so với vài tháng trước, khi nhà đầu tư đặt hy vọng vào những khoản chi đậm tay cho cơ sở hạ tầng AI.
Một số nhà phân tích đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về khả năng đầu tư quá mức cho AI. Chẳng hạn, Goldman Sachs từ tháng 6 có phân tích cho thấy, những công ty chi tiêu nhiều cho AI không đồng nghĩa với lợi nhuận thu lại lớn.
Elliott Management, một trong các quỹ đầu cơ lớn nhất thế giới, nhận định Nvidia đang trong “bong bóng” và cơn sốt AI đã bị “thổi phồng quá mức”.
Tại Việt Nam, chỉ số VN-Index cũng đánh rơi gần 50 điểm trong ngày giao dịch 5/8, xuống dưới 1.200 điểm, thấp nhất trong hơn ba tháng trở lại đây.
(Theo CNBC)