THẢO LUẬN TẠI TỔ 14: CẦN TỔNG KẾT, ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ CỦA CÁC CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ THÍ ĐIỂM TẠI CÁC ĐỊA PHƯƠNG

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 31/5, các ĐBQH tiến hành thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Đại biểu Quốc hội cho rằng cần tổng kết, đánh giá hiệu quả của các chính sách đặc thù thí điểm tại các địa phương.

Tổ 14 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Đồng Tháp, Hải Dương, Khánh Hòa.

Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cho biết, Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An được xây dựng trên căn cứ chính trị là Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể, Nghị quyết này giao Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển tỉnh Nghệ An trình Quốc hội ban hành và giao: “Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo rà soát, ban hành bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù để vừa tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 36/2021/QH15 của Quốc hội và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết của Bộ Chính trị”.

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Qua tổng kết Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An và đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 36/2021/QH15 của Quốc hội, theo Báo cáo của Chính phủ cho thấy, các quy định hiện hành chưa đủ động lực để tạo bước đột phá trong phát triển, chưa bao quát hết các vấn đề phát sinh cần có cơ chế đặc thù. Để tạo tiền đề cho phát triển tỉnh Nghệ An trong những năm tiếp theo thì cần nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện một bước các cơ chế, chính sách đặc thù. Một số ý kiến cho rằng, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An là có căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý và đúng thẩm quyền.

Có ý kiến cho rằng, quan điểm, nguyên tắc ban hành Nghị quyết và phạm vi chính sách cần bám sát hơn nữa Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18 tháng 7 năm 2023 của Bộ Chính trị: “Có cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh, xây dựng, phát triển tỉnh Nghệ An toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm”.

Một số đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ hơn trong Tờ trình, báo cáo đánh giá tác động để làm nổi bật các chính sách trọng tâm, trọng điểm có thể phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Nghệ An; các chính sách cần góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc thực tiễn đặt ra. Qua giám sát thực tiễn tại tỉnh Nghệ An cho thấy, quá trình tổ chức thực hiện các chính sách còn có những vướng mắc phát sinh. Vì vậy, cần báo cáo rõ hơn, với phạm vi chính sách như Dự thảo Nghị quyết đã đủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách pháp luật đang cản trở tiến trình phát triển của tỉnh Nghệ An hay chưa? Đồng thời cần nghiên cứu, lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, bảo đảm chính sách khi được ban hành có thể đi vào cuộc sống; rà soát để cùng với việc thí điểm cơ chế đặc thù mới cần đề xuất sửa đổi những quy định đang triển khai mà có vướng mắc.

Đại biểu Triệu Thế Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương tham gia ý kiến

Đại biểu Triệu Thế Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương tham gia ý kiến

Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Triệu Thế Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, các cơ chế, chính sách đặc thù được xây dựng nhằm khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Việc triển khai các chính sách này ở một số địa phương đã mang lại những kết quả tích cực, tạo động lực đột phá cho sự phát triển, nhờ đó, các cực tăng trưởng mới được hình thành, lan tỏa sức ảnh hưởng, thúc đẩy kinh tế - xã hội của các tỉnh trong vùng và cả nước.

Đại biểu cho rằng, sau một thời gian triển khai, việc tổng kết, đánh giá hiệu quả của các chính sách đặc thù thí điểm tại các địa phương là cần thiết, để qua đó xây dựng chính sách chung cho cả nước, đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả trong việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Việc xây dựng chính sách chung cần được tiến hành một cách cẩn trọng, khoa học, lấy ý kiến của các bên liên quan để đảm bảo tính thực tiễn và khả thi.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, việc giao quyền cho địa phương làm chủ đầu tư, quản lý các dự án đường cao tốc đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, cũng có một số địa phương triển khai không hiệu quả, dẫn đến tình trạng chậm tiến độ dự án. Nguyên nhân chủ yếu là do năng lực của một số địa phương còn hạn chế, đồng thời năng lực thẩm định của các cơ quan liên quan cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Do vậy, cần đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả của việc phân cấp cho địa phương trong các chính sách hiện hành, đặc biệt là đối với các dự án đường cao tốc.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương phát biểu

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương phát biểu

Bên cạnh đó, đại biểu cho biết, về cơ chế, chính sách liên quan đến trồng rừng thay thế, tỉnh Nghệ An đã trình đề án về chính sách trồng rừng thay thế bằng nguồn kinh phí nuôi tái sinh. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành thông tư mới về cơ chế cho phép sử dụng nguồn ngân sách, nguồn kinh phí để trồng rừng thay thế. Đại biểu cho rằng chính sách trồng rừng thay thế của tỉnh Nghệ An cần cập nhật theo thông tư mới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xác định rõ ràng cách thức sử dụng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế, bao gồm việc nộp vào quỹ phát triển rừng hay sử dụng theo phương thức nào khác.

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng chợ, việc thực hiện dự án PPP gặp nhiều khó khăn. Đại biểu cho rằng không nên thực hiện dự án PPP đối với các dự án chợ, thay vào đó, nên xã hội hóa các dự án chợ, ưu tiên giao cho tư nhân đầu tư và kinh doanh. Nhà nước chỉ tham gia hỗ trợ có giới hạn đối với các dự án chợ nhỏ, chợ loại ba, chợ xuống cấp.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp tham gia ý kiến

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp tham gia ý kiến

Tại phiên họp, các đại biểu cũng cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; việc phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Đại biểu Lê Quốc Phong, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp điều hành nội dung thảo luận

Đại biểu Lê Quốc Phong, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp điều hành nội dung thảo luận

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng cần đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả của việc phân cấp cho địa phương trong các chính sách hiện hành, đặc biệt là đối với các dự án đường cao tốc

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng cần đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả của việc phân cấp cho địa phương trong các chính sách hiện hành, đặc biệt là đối với các dự án đường cao tốc

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng nên xã hội hóa các dự án chợ, ưu tiên giao cho tư nhân đầu tư và kinh doanh

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng nên xã hội hóa các dự án chợ, ưu tiên giao cho tư nhân đầu tư và kinh doanh

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương phát biểu về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng./.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương phát biểu về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng./.

Hồ Hương - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=87189