Thạnh Trị triển khai hiệu quả Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Trong 10 năm qua, thực hiện Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện Thạnh Trị đã triển khai đồng bộ các giải pháp, góp phần thay đổi ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo tại địa phương.

Nhờ được đào tạo nghề, nhiều bà con Khmer ở Thạnh Trị đã có việc làm, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: CHÍ BẢO

Nhờ được đào tạo nghề, nhiều bà con Khmer ở Thạnh Trị đã có việc làm, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: CHÍ BẢO

Điển hình như chị Nguyễn Thị Nhiên, hội viên phụ nữ ấp 20, xã Vĩnh Thành (Thạnh Trị), trước đây, cuộc sống của gia đình chị luôn thiếu hụt quanh năm, khi tham gia vào Chi hội Phụ nữ ấp, chị được dự các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, được hướng dẫn một số mô hình làm kinh tế hiệu quả, phù hợp với điều kiện của gia đình, chị quyết định chuyển đổi theo hướng sản xuất mới. Với số tiền 50 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, chị Nhiên cải tạo 5 công đất ruộng để trồng năn. Dưới ao năn, chị thả nuôi cá trê trắng, riêng phần đất quanh nhà thì trồng các loại cây ăn trái như: mãng cầu gai, ổi, xoài, chanh không hạt… và xây chuồng nuôi heo, mỗi năm tổng thu nhập của gia đình chị hơn 150 triệu đồng. Còn anh Thạch Thời là người Khmer ở ấp Trung Thành, xã Tuân Tức (Thạnh Trị) nhờ tham gia vào lớp dạy kỹ thuật chăn nuôi, được hướng dẫn các kiến thức về chăn nuôi bò thịt, trồng cỏ nuôi bò… mà nay gia đình anh thoát nghèo, xây dựng được nhà mới, cuộc sống cũng ấm no hơn.

Trong 10 năm qua (2010 - 2020), Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Thạnh Trị đã mở 290 lớp dạy nghề cho trên 7.800 lao động. Số người có việc làm sau đào tạo chiếm trên 90%. Các nghề như đan đát, thủ công mỹ nghệ, chăn nuôi, trồng trọt, điện gia dụng... trong đó, có lớp đan ghế mây thu hút nhiều chị em theo học. Chị Nguyễn Thị Cẩm, ở ấp Rẫy Mới, thị trấn Phú Lộc (Thạnh Trị) sau khi cùng các chị em trong ấp theo học lớp đan ghế do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Thạnh Trị mở đã có việc làm tại nhà, mỗi tháng thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng. Chị Cẩm cho biết: “Trước đây, gia đình đi làm thuê thu nhập bấp bênh. Khi huyện mở lớp học nghề, tôi cũng đăng ký học. Nhờ các giáo viên nhiệt tình chỉ dạy nên tôi đã nhanh chóng thạo việc, vừa học xong, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện liên kết với cơ sở làm ghế mây, đồ thủ công mỹ nghệ ở Bạc Liêu cung cấp nguyên liệu, thu mua lại sản phẩm của học viên sau khi được đào tạo nghề làm ra, góp phần tăng thu nhập cho bà con trong lúc nông nhàn”.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Thạnh Trị có 1 cơ sở đào tạo nghề công lập và có khoảng 43 cơ sở sản xuất, kinh doanh - dịch vụ có kèm cặp nghề. Thông qua các lớp đào tạo nghề, huyện đã gắn với giải quyết việc làm bằng nhiều hình thức như kết hợp tư vấn, giới thiệu việc làm và hướng nghiệp người lao động sau học nghề tìm việc làm hoặc tự tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Theo ông Nguyễn Hoàng Việt - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Thạnh Trị, huyện có trên 34% đồng bào Khmer, cuộc sống trước kia vốn nhiều khó khăn. Vì vậy, bên cạnh chú trọng đào tạo nghề nông nghiệp, huyện còn quan tâm đào tạo nghề phi nông nghiệp như: may dân dụng, may công nghiệp, đan đát, chăm sóc hoa kiểng, chăn nuôi… cho bà con. Nhờ có nghề, bà con Khmer đã có việc làm để nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Ông Nguyễn Hoàng Việt cho biết: “Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ mang lại hiệu quả thiết thực, nhu cầu học nghề của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số là rất lớn nên huyện cũng đề xuất với cấp trên tiếp tục triển khai đề án này trong giai đoạn tiếp theo. Thời gian tới, trung tâm triển khai có hiệu quả kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế, nhu cầu học nghề của người lao động và yêu cầu thị trường lao động. Phối hợp với các phòng, ban ngành có liên quan và UBND các xã, thị trấn rà soát lực lượng lao động có nhu cầu học nghề để tuyên truyền, vận động lao động tham gia học những nghề phù hợp với trình độ, độ tuổi, điều kiện sản xuất của lao động. Trung tâm sẽ tăng thêm lớp đào tạo. Ngoài kinh phí của tỉnh cấp, trung tâm sẽ cố gắng vận động xã hội hóa, dự kiến năm 2021 đào tạo nghề cho 1.000 lao động. Đồng thời, kết hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, công ty xuất nhập khẩu lao động tiếp tục triển khai tư vấn cho lao động có nhu cầu đi làm việc trong và ngoài nước”.

CHÍ BẢO

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/doi-song-xa-hoi/thanh-tri-trien-khai-hieu-qua-de-an-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-43508.html