Thanh tra, kiểm tra điện tử: Ngăn chặn trục lợi bảo hiểm xã hội
Thanh tra, kiểm tra theo phương thức điện tử đã giúp giảm nợ đọng, nhất là giảm thiểu tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Phát hiện nhiều sai phạm
Từ năm 2020 đến nay, trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 diễn biến hết sức phức tạp, tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động thanh tra, kiểm tra (TTKT), Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã thay đổi cách thức tổ chức triển khai các đoàn TTKT, tiếp tục tăng cường cải tiến phương pháp TTKT, tăng tỷ trọng thời gian tự rà soát, phân tích dữ liệu và cắt giảm tối thiểu thời gian làm việc trực tiếp với đối tượng TTKT là doanh nghiệp, cơ sở khám chữa bệnh (KCB).
BHXH Việt Nam cho biết, năm 2020 và 2021 ngành này đã chủ trì và phối hợp thực hiện TTKT tại 24.104 đơn vị (thanh tra chuyên ngành (TTCN) 11.739 đơn vị, kiểm tra 8.139 đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ), 709 cơ sở khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT); TTKT liên ngành 3.517 đơn vị).
Qua đó, đã phát hiện gần 77.221 trường hợp sai phạm về đối tượng, mức đóng với số tiền truy thu gần 276 tỷ đồng; các đơn vị khắc phục ngay số tiền 1.523 tỷ đồng trên tổng số 4.508 tỷ đồng nợ BHXH, BHTN, BHYT; yêu cầu thu hồi về quỹ BHXH gần 14,8 tỷ đồng, về quỹ BHTN 3,3 tỷ đồng, về quỹ BHYT 142,2 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, BHXH Việt Nam đánh giá, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và áp dụng linh hoạt cách thức tổ chức tiến hành trong hoạt động TTKT đã giảm thiểu việc thanh tra trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị, không vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid -19 nhưng vẫn đem lại hiệu quả. Đặc biệt là kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT.
Theo đó, riêng năm 2021 do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, BHXH Việt Nam đã rà soát trên cơ sở dữ liệu ngành này đang quản lý của 5 BHXH tỉnh, thành phố (Thanh Hóa, Hải Phòng, Kiên Giang, Ninh Bình, Nam Định) với 22 đơn vị có dấu hiệu vi phạm về đóng BHXH, BHYT, BTTN. Kết quả khắc phục số nợ của các đơn vị tính đến ngày 31/12/2021 là 28/42 tỷ đồng, đạt gần 70%.
Tiếp tục đẩy mạnh
So với phương thức TTKT truyền thông, đại diện BHXH Việt Nam cho rằng, việc thúc đẩy theo phương thức điện tử đã giúp công TTKT thực hiện có trọng tâm, trọng điểm hơn. Đặc biệt, việc tổ chức rà soát, phân tích dữ liệu ở giai đoạn trước khi làm việc trực tiếp với đối tượng TTKT đã giúp đoàn TTKT đánh giá, khoanh vùng, lựa chọn mẫu cần kiểm tra thực tế; nâng cao khả năng phát hiện, nhận diện dấu hiệu sai sót, vi phạm một cách toàn diện giúp nâng cao chất lượng và kết quả TTKT. Đồng thời qua phân tích dữ liệu cũng có thể phát hiện kẽ hở trong quản lý hoặc các hạn chế trong thực hiện các quy trình nghiệp vụ của cơ quan BHXH.
Bên cạnh đó, với khả năng rà soát, phân tích dữ liệu lớn, việc ứng dụng CNTT đã giúp các đoàn TTKT kiểm tra được 100% hồ sơ nghiệp vụ (kể cả đối với các doanh nghiệp có hàng ngàn lao động hoặc cơ sở y tế có hàng triệu lượt KCB BHYT), so với phương pháp TTKT truyền thống trước đây chỉ kiểm tra xác suất được một số hồ sơ nhất định do bị giới hạn về thời gian.
BHXH Việt Nam còn ghi nhận, phương thức điện tử đã giúp phát hiện nhiều sai sót, vi phạm mà trước đây rất khó phát hiện hoặc không thể phát hiện bằng phương pháp truyền thống như: Dùng thẻ BHYT cùng lúc khám bệnh ngoại trú ở nhiều cơ sở y tế; sử dụng 1 thẻ BHYT thanh toán chi phí KCB với tần suất lớn (có trường hợp thanh toán đến 27 lần/tháng); thanh toán BHYT sau khi người có thẻ đã chết; cơ sở y tế thu trùng của người bệnh BHYT khoản chi phí đã được cơ quan BHXH thanh toán; nhân viên y tế hành nghề trùng thời gian tại nhiều cơ sở KCB.
Từ những hiệu quả tích cực trên, Phó Giám đốc Trung tâm CNTT - BHXH Việt Nam - ông Nguyễn Hoàng Phương cho biết, BHXH Việt Nam sẽ đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động TTKT, kết hợp giữa phương pháp TTKT truyền thống và phương pháp “điện tử”. Trong đó, nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý rủi ro, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động (NLĐ) cũng như răn đe, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, ngành đã và đang xây dựng phần mềm “Dấu hiệu nhận diện hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT”.
Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam cho rằng, việc tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động TTKT và thay đổi phương pháp TTKT là một tất yếu khách quan. Vì thế, để thực hiện tốt vấn đề này, cần: tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu nghiệp vụ của Ngành theo hướng dữ liệu tập trung toàn quốc và có sự đồng bộ, liên kết giữa các cơ sở dữ liệu thu, chi, hưởng chế độ để đáp ứng được yêu cầu về thời gian, hiệu suất khai thác; có sự liên thông dữ liệu với các ngành hữu quan và có quy chế phối hợp trong khai thác, sử dụng dữ liệu.
Ngoài ra, phải đảm bảo cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ như: đường truyền Internet, thiết bị mạng, máy tính, thiết bị lưu trữ và các phần mềm, giải pháp an ninh, bảo mật… để việc ứng dụng CNTT trong hoạt động TTKT được kịp thời, an toàn, hiệu quả; hoàn thiện Phần mềm “Dấu hiệu nhận diện hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT”; sửa đổi pháp luật thanh tra cho phù hợp với tình hình mới về chuyển đổi số, cụ thể: xác định giá trị pháp lý “dữ liệu” của các đơn vị như là một báo cáo quyết toán và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thẩm quyền, trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ là dữ liệu trong hoạt động TTKT.
Hoa Quỳnh