Thành tâm lễ chùa du xuân đầu năm

Đi lễ chùa đầu năm là một nét đẹp văn hóa của người Việt. Đại đức Thích Tâm Phương - Trưởng ban Nghi lễ Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, Trụ trì chùa Nhiễu Long (Hương Sơn - Hà Tĩnh) chia sẻ với P.V Báo Hà Tĩnh về phong tục này.

Đại đức Thích Tâm Phương.

- Thưa Đại đức Thích Tâm Phương, đi lễ chùa du xuân đầu năm đã trở thành một nét đẹp truyền thống của người Việt nói chung, người Hà Tĩnh nói riêng, xin Đại đức có thể chia sẻ thêm về truyền thống này?

Trong tâm thức người Việt, nhà chùa là chốn tôn nghiêm, linh thiêng, hướng con người tới các giá trị thiện lành, từ bi hỉ xả, khuyên răn con người tránh xa lầm lạc, sân si... Vì thế, việc đi lễ chùa đầu năm được xem là nét văn hóa tốt đẹp của những người có niềm tin với tín ngưỡng đạo Phật. Tới chùa du xuân, thắp hương đầu năm cũng là dịp để thưởng lãm cảnh đẹp, nét thanh tịnh chốn linh thiêng trong tiết xuân.

Được xem là vùng đất Phật giáo hình thành từ rất sớm, tại Hà Tĩnh, có nhiều ngôi chùa thu hút đông đảo du khách tới thắp hương, lễ bái như: chùa Hương Tích (Can Lộc), chùa Cảm Sơn (TP Hà Tĩnh), chùa Phổ Độ (Lộc Hà), chùa Giai Lam (Thạch Hà), chùa Hữu Lạc (huyện Kỳ Anh), chùa Nhiễu Long, Tượng Sơn (Hương Sơn)... và rất nhiều ngôi chùa khác.

Đầu năm mới, người dân nơi đây thường đến chùa từ rất sớm và mang theo những mong cầu về sức khỏe, bình an, tài lộc... Đây là những mong cầu rất chính đáng của mọi người. Nhìn chung, bà con đi chùa tìm sự thanh thản cho lòng mình, thực hành theo chính đạo, bỏ lại cuộc sống lo toan bộn bề của năm cũ, giúp lòng người thanh thản, tâm sáng để có thể bước tiếp ở năm mới thật bình an.

Người dân khi tới chùa hành lễ cần sự trang nghiêm và thành tâm.

- Vậy khi đi chùa đầu năm, người dân cần làm gì, cầu khấn ra sao cho đúng và giữ tâm thế của bản thân ra sao, thưa Đại đức?

Khi vào chùa lễ Phật, điều tiên quyết là mọi người cần để tâm mình an nhiên, thảnh thơi, nhẹ nhàng, không mang quá nhiều mưu cầu về công danh, tài lộc. Khi hành lễ cần sự trang nghiêm và thành tâm.

Mong ước bình an và may mắn của con người là nhu cầu nên việc người dân đến chùa cầu nguyện, gửi niềm tin kính và ước vọng ở nơi chốn cửa thiền cũng là chuyện bình thường. Nhưng khi tới chùa, nếu đem cái tham tâm và sự ích kỷ, hẹp hòi để khấn vái van xin thì không thể nào thành tựu ước nguyện. Vì vậy, đến chùa lễ Phật cầu nguyện sức khỏe, bình an, hạnh phúc... thì hãy thực hành lời Phật dạy, áp dụng vào trong cuộc sống hằng ngày thì sẽ có được bình an.

Ngoài ra, trong vấn đề tiền công đức ít hay nhiều cũng không quá quan trọng, miễn sao giữ tâm trong sáng. Khi tới chùa, tiền công đức cần đặt đúng nơi hòm công đức, để được bảo quản và sử dụng đúng mục đích. Việc đặt tiền lẻ lên tay tượng Phật hoặc đồ lễ sẽ khiến nơi thờ tự mất đi tính tôn nghiêm, cũng không thể hiện được sự thành kính.

Đặc biệt, các hoạt động dâng sao giải hạn không thuộc phạm vi giáo lý của đạo Phật, người dân khi đến chùa cần thực hiện theo những lời Phật dạy, sống vui cho mình, cho đời, tụng kinh, lễ Phật, sám hối, từ bỏ những sai trái để tu tĩnh cho tương lai. Khi đi chùa tuyệt đối không phó thác sinh mệnh mình cho bất kỳ ai mà cố gắng chí tâm, thực hành lời Phật dạy, tu tạo thiện căn...

Đi chùa, người dân không chen chúc mà khoan thai, chậm rãi, lắng lòng trong những phút giây bình yên, an lạc.

- Thưa Đại đức, hiện nay vẫn có nhiều người đi lễ đầu năm còn hành động phản cảm, biến đền chùa thành nơi mua bán tài lộc... gây ảnh hưởng tới chốn thiền môn, Đại đức có lời khuyên gì cho người dân khi đi lễ chùa đầu năm?

Không chỉ dịp đầu xuân năm mới mà chỉ cần bước tới cửa chùa, từ ý nghĩ, lời nói, việc làm đều phải hợp đạo đức, thuần phong mỹ tục, đó là điều rất quan trọng. Vào chùa, thể hiện sự tôn trọng mọi lúc, mọi nơi. Đến chốn thiền môn, tâm thái hướng thiện là điều quan trọng nhất, vì thế, việc ăn mặc không chỉnh chu, thái độ suồng sã, không phép tắc... là điều phản cảm nơi chốn linh thiêng nói chung và cửa Phật nói riêng.

Quý phật tử khi tới chùa cần ăn mặc tươm tất, gọn gàng, không hở hang. Còn việc sắm lễ vật tùy vào tâm mỗi người, không được phô trương. Đi chùa không chen chúc mà khoan thai, chậm rãi, lắng lòng trong những phút giây bình yên, an lạc. Đặc biệt, không sắm sửa vàng mã, tiền âm phủ để dâng cúng lễ Phật tại chùa. Cuộc sống hiện đại dù có nhiều đổi thay nhưng tâm thế khi tới chốn thiền môn luôn cần phải được văn minh hơn.

Việc du xuân, lễ chùa đầu năm nên hướng tâm đến điều tích cực, lành mạnh, trong sáng, bình an để có một năm mới an lạc, sức khỏe, thành công. Chúc quý phật tử một năm mới an lạc!

P.V: Xin cảm ơn những chia sẻ của Đại đức!

Anh Thùy

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/phong-thuy/thanh-tam-le-chua-du-xuan-dau-nam/261813.htm