Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực tăng nhanh nhà ở cho công nhân
Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều giải pháp để người lao động ngoại tỉnh về thành phố Hồ Chí Minh làm việc có chỗ ở tốt hơn, thay thế các khu nhà trọ chật hẹp. Nhiều giải pháp được đưa ra để tăng cường số lượng và nâng chất lượng nhà ở cho công nhân, người lao động, giúp họ ổn định cuộc sống, yên tâm làm việc.
Dãy nhà trọ chật hẹp nằm sâu trong hẻm nhỏ đường Lâm Văn Bền, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh.
Những nhà trọ chật chội
Chúng tôi đến dãy nhà trọ nhỏ nằm sâu trong con hẻm dài trên đường Lâm Văn Bền, phường Tân Kiểng (quận 7). Cả khu im lìm, chỉ vài phòng có người ở, số còn lại cửa đóng, then cài.
Tiếp phóng viên trong căn phòng chừng 9m2, anh Hồ Thanh Tú, quê Nghệ An chia sẻ: “Nhiều người trong xóm trọ đã về quê. Tôi vẫn có việc làm tại một cơ sở sản xuất đồ bảo hộ y tế nên ở lại đây cùng 2 người bạn, mỗi người góp vài trăm nghìn mỗi tháng thuê phòng trọ này”.
Một căn nhà trọ điển hình tại thành phố Hồ Chí Minh, nơi 3-4 công nhân chia nhau số tiền hơn 1 triệu đồng/tháng để thuê chủ yếu làm nơi ngủ.
Căn phòng nơi chúng tôi vào có 1 chiếc giường đôi, 1 đầu kê sát vách nhà vệ sinh, một đầu sát chỗ để 2 chiếc xe máy. Phía trên là gác lửng chừng 6m2, đủ chỗ 2 người nằm cùng tủ ngăn kéo nhỏ để quần áo. Mọi sự do người thuê tự quản, với sự quản lý nhân khẩu của địa phương. “Đợt dịch vừa rồi, cũng có mấy phòng trọ có ca lây nhiễm rồi lây chéo sang những người khác do chật chội”, anh Tú thông tin thêm.
Những căn nhà trọ, xóm trọ, xóm lao động như trên có ở mọi nơi tại thành phố Hồ Chí Minh, từ khu Mả Lạng ở quận 1, khu Vườn Chuối ở quận 3 hay các xóm công nhân ở huyện Bình Chánh…
Mới đây, Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tổ chức khảo sát thực tế đời sống công nhân tại các nhà trọ, nhà lưu trú trên địa bàn. Theo đó, phần lớn người lao động, công nhân thuê các nhà trọ tự phát xung quanh vị trí làm việc, số lượng công nhân được tiếp cận với nhà lưu trú do Nhà nước đầu tư còn khá thấp.
Lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh thăm hỏi, khảo sát nơi ở của công nhân.
Để giảm chi phí thuê trọ, các công nhân chưa lập gia đình thường có xu hướng ở ghép, nên hạn chế điều kiện sống. Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh Trần Đoàn Trung thông tin, kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ chi tiêu dành cho nhà ở của công nhân dao động trong khoảng 10%-15% so với tổng thu nhập, thấp hơn mức tiêu chuẩn là không quá 30%. Mong muốn của nhiều công nhận là thành phố quan tâm xây dựng các khu lưu trú, nhà ở xã hội và có chính sách trợ giá nhà ở, nhà trọ và bình ổn giá nhà trọ cho họ.
Thành phố Hồ Chí Minh có chính sách khuyến khích tư nhân xây nhà trọ đạt chuẩn cho công nhân thuê.
Tăng nhanh nhà ở cho công nhân
Theo thống kê của Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, toàn thành phố hiện có 99.108 hộ cho thuê với hơn 723.000 phòng, số người thuê là 1.699.000 người, trong đó có 886.000 công nhân. Đa số là những nhà trọ chật hẹp do tư nhân xây dựng.
Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh Trần Hoàng Quân cho biết, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, các địa phương tăng nhanh số nhà ở đạt chuẩn cho công nhân, người lao động theo hướng phải bắt đầu từ những việc có thể làm ngay để giải quyết nhu cầu trước mắt, tiến tới triển khai chương trình nhà ở ổn định với quy mô đô thị 10 triệu dân, tăng dần 1 triệu dân sau mỗi 5 năm.
Các cấp, các ngành thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu từ nay đến hết năm 2021, có ngay hàng chục nghìn chỗ ở thuận lợi cho công nhân.
Để tăng nhanh số nhà ở đạt chuẩn cho công nhân, thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều biện pháp. Về khuyến khích người dân tham gia xây nhà cho công nhân, người lao động thuê, đầu năm 2021, Sở Xây dựng đã ban hành văn bản hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động thuê. Nếu công trình có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng, chủ đầu tư tự tổ chức thiết kế, thi công. Nếu tổng mức đầu tư từ 15 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng, Sở Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở. Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế.
Các địa phương cũng triển khai kế hoạch của mình. Ngày 17-10, UBND quận 7 đã có công văn đề xuất UBND thành phố Hồ Chí Minh xem xét cho sử dụng tạm thời 8 khu đất trên địa bàn quận với tổng diện tích hơn 71.000m2 để xây nhà lưu trú tạm thời cho công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trong thời hạn 3 năm.
Còn Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức Hoàng Tùng thông tin, thành phố đã rà soát và dự kiến quy hoạch xây dựng các khu nhà lưu trú công nhân tại 3 vị trí trong khu công nghệ cao với tổng diện tích hơn 91ha để xây nhà lưu trú cho hơn 82.000 công nhân.
Mọi khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ có nhà lưu trú cho công nhân.
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh: “Nếu có chính sách tốt, vài tháng nữa thành phố có thể cải tạo hàng trăm, thậm chí hàng trăm nghìn nhà trọ để người lao động cải thiện ngay điều kiện ở. Còn việc xây nhà 5 tầng, 10 tầng thì phải một năm nữa. Trong giai đoạn 2021-2025, thành phố Hồ Chí Minh sẽ xây dựng 50 triệu mét vuông nhà ở với 366.000 căn nhà. Trong đó, gần 30.000 nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động...”.