Thành lập Viện Nghiên cứu và Chăm sóc Sức khỏe Tinh thần Học đường

Viện Nghiên cứu và Chăm sóc Sức khỏe Tinh thần Học đường đã chính thức ra mắt, đánh dấu bước phát triển quan trọng sau 5 năm kiến tạo và lan tỏa mô hình tham vấn học đường tại Việt Nam.

Tiền thân của Viện Nghiên cứu và Chăm sóc Sức khỏe Tinh thần Học đường là Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng tâm lý giáo dục Bình Minh thành lập năm 2019, trực thuộc Hội Khoa học Tâm Lý - Giáo dục Việt Nam, được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp phép hoạt động từ tháng 9/2019. Đây là một tổ chức chuyên môn hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, can thiệp và đào tạo nhằm nâng cao sức khỏe tâm lý – tinh thần cho học sinh, giáo viên và gia đình.

Trong giai đoạn 2019–2024, Viện đã triển khai mô hình phòng tham vấn học đường tại nhiều trường ở Hà Nội như: Marie Curie (Mỹ Đình), Ban Mai, THCS Lê Quý Đôn, THCS Minh Khai, THCS Nguyễn Trường Tộ, THCS Ngô Sỹ Liên, trường chất lượng cao ở Nam Từ Liêm… với hơn 30.000 lượt tham vấn cho học sinh, phụ huynh và giáo viên. Qua đó, góp phần giảm thiểu các vấn đề sức khỏe tâm thần trong học đường và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe tinh thần học đường tại Việt Nam.

Sự kiện này đánh dấu mốc quan trọng sau 5 năm lan tỏa mô hình phòng tham vấn học đường nhân văn, hiệu quả là mô hình 3C (Chuyên môn – Chuyên nghiệp – Chuyên trách) tại các trường học.

Thực tế cho thấy, các vấn đề sức khỏe tâm thần trong học đường đang gia tăng đáng báo động với nhiều biểu hiện như trầm cảm, lo âu, căng thẳng (stress), tự tử… Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 800.000 người tự tử trên thế giới, tương đương cứ 40 giây có một ca tử vong, trong đó thanh thiếu niên là nhóm có nguy cơ cao.

32% trẻ em Việt Nam từ 12–17 tuổi từng trải qua căng thẳng học tập nghiêm trọng (UNICEF, 2022). 40,6% học sinh trung học tại Hà Nội có dấu hiệu lo âu, trong đó 5,8% ở mức nghiêm trọng. Gần 1/5 học sinh gặp vấn đề cảm xúc hoặc hành vi, hơn 9% khó quản lý hành vi ứng xử, và khoảng 10% từng có ý nghĩ tự sát.

Chăm sóc sức khỏe tinh thần học đường không còn là khuyến nghị, mà đã trở thành một yêu cầu cấp thiết để đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện.

Theo các chuyên gia, khó khăn lớn nhất hiện nay nằm ở ba yếu tố: thiếu nhân lực chuyên trách, thiếu quy trình chuyên nghiệp, và thiếu sự phối hợp giữa gia đình – nhà trường – cộng đồng. Việc này cần sự nhân rộng của các mô hình tham vấn học đường tại Việt Nam.

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam phát biểu

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam phát biểu

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam đánh giá: "Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh không thể chỉ dừng ở những buổi truyền thông hay những hoạt động mang tính phong trào. Cần những mô hình chuyên nghiệp, nhân văn, được thể chế hóa và nhân rộng. Với hơn 30.000 lượt tham vấn, Viện đã chứng minh hiệu quả mô hình tham vấn học đường. Mong rằng mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng để ngày càng nhiều học sinh Việt Nam được chăm sóc sức khỏe tinh thần một cách bài bản, nhân văn".

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Bà Nguyễn Thị Ngân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Chăm sóc Sức khỏe Tinh thần Học đường cho biết, giai đoạn 2025–2030 sẽ tập trung nâng cao năng lực đội ngũ tham vấn học đường, kết nối nhà trường – gia đình – cộng đồng, đồng thời thúc đẩy nghiên cứu và truyền thông nhằm hỗ trợ nâng cao nhận thức toàn xã hội về tầm quan trọng của sức khỏe tâm lý học đường.

P.Thuận

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/thanh-lap-vien-nghien-cuu-va-cham-soc-suc-khoe-tinh-than-hoc-duong-172250723100750054.htm