Thanh Hóa: Thu ngân sách đạt tỷ lệ khá nhưng giảm mạnh so với cùng kỳ

6 tháng đầu năm 2023, thu ngân sách tỉnh Thanh Hóa đạt tỷ lệ khá so với dự toán (đạt 58%) nhưng giảm mạnh so với cùng kỳ (giảm 25%). Đặc biệt là số thu từ tiền sử dụng đất giảm sâu 60% so với cùng kỳ.

Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hóa diễn ra trong 3 ngày từ 10-12/7/2023

Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hóa diễn ra trong 3 ngày từ 10-12/7/2023

Sáng 10/7, HĐND tỉnh Thanh Hóa khai mạc kỳ họp thứ 14, nhiệm kỳ 2021-2026. Phát biểu khai mạc, ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, kỳ họp lần này sẽ xem xét các tờ trình của UBND tỉnh, các dự thảo nghị quyết kèm theo và các báo cáo thẩm tra của các ban HĐND tỉnh để thông qua 20 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có 3 nghị quyết quy phạm pháp luật; 6 nghị quyết về kế hoạch đầu tư phát triển, phân bổ vốn, thu, chi ngân sách Nhà nước; 5 nghị quyết về chủ trương đầu tư các dự án và 6 nghị quyết về các nội dung quan trọng khác.

HĐND tỉnh sẽ tổ chức phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023; chất vất và trả lời chất vấn đối với Giám đốc Sở Tài Nguyên & Môi trường và Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đối với những vấn đề mà cử tri, nhân dân và đại biểu quan tâm.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng phát biểu khai mạc kỳ họp

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng phát biểu khai mạc kỳ họp

Ông Hưng đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu, thảo luận về những nguyên tắc, mục tiêu, chính sách của từng nghị quyết; phân tích, đánh giá kỹ càng, thấu đáo các tác động của chính sách, bảo đảm các nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh. Thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn tập trung vào các vấn đề trọng tâm, trọng điểm đang được cử tri và nhân dân quan tâm.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng 6 tháng đầu năm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi nêu rõ: 6 tháng qua, dù phải đối diện với rất nhiều khó khăn thách thức hậu Covid–19, lạm phát suy thoái kinh tế gia tăng trên toàn cầu, nhưng kinh tế của tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng khá cao. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh đạt 7%, gần gấp 2 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân và đứng thứ 3 trong nhóm 10 tỉnh có quy mô GRDP lớn nhất cả nước.

Các khu vực kinh tế đều có bước phát triển; trong đó, nông nghiệp tiếp tục giữ ổn định với mức tăng 3,87%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,49% so với cùng kỳ.

Các đại biểu tham dự kỳ họp

Các đại biểu tham dự kỳ họp

6 tháng năm 2023, 18 trong số 25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Thanh Hóa có sản lượng bằng hoặc tăng so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động tiếp cận và làm chủ được công nghệ hiện đại, đưa ra được các dòng sản phẩm tốt, đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Du lịch cũng là lĩnh vực ghi dấu ấn với hơn 8,3 triệu lượt khách du lịch đến với các khu điểm du lịch của Thanh Hóa, doanh thu du lịch ước đạt hơn 15 nghìn tỷ đồng, nằm trong TOP các địa phương có doanh thu du lịch lớn nhất cả nước.

Sự phục hồi của du lịch Thanh Hóa ở tất cả các sản phẩm từ du lịch biển đến du lịch sinh thái, tâm linh, du lịch trải nghiệm, cộng đồng. Kết quả này được đánh giá là kết quả của việc Thanh Hóa đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động liên kết, xúc tiến, quảng bá du lịch trong cả nước; phát triển tour, tuyến, sản phẩm du lịch mới. Riêng thành phố Sầm Sơn, 6 tháng đầu năm đã đón 5,3 triệu lượt khách, đạt 117% kế hoạch cả năm.

Biển Sầm Sơn đông kín dịp hè 2023

Biển Sầm Sơn đông kín dịp hè 2023

Huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 66.090 tỷ đồng, bằng 47,2% kế hoạch, giảm 4,8%; thu hút được 33 dự án đầu tư trực tiếp (trong đó có 9 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký là 8.949 tỷ đồng và 131,4 triệu USD, lần lượt gấp 2,2 lần và 3,2 lần vốn đăng ký so với cùng kỳ. Giá trị giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đến hết tháng 6 đạt khoảng 39,9% kế hoạch, cao hơn bình quân chung cả nước (khoảng 31,4%). Có 1.287 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đạt 42,9% kế hoạch và bằng 78,4% so với cùng kỳ, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và thứ 8 cả nước.

Thu ngân sách nhà nước ước đạt 20.577 tỷ đồng, bằng 58% dự toán, giảm 25% so với cùng kỳ; trong đó thu nội địa ước đạt 11.800 tỷ đồng, bằng 54% dự toán, giảm 33%; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 8.777 tỷ đồng, bằng 65% dự toán và giảm 12%.

Hoạt động văn hóa, thông tin được quan tâm thực hiện. Có thêm 4 Di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 5 di tích được cấp bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh. Thể thao thành tích cao đạt 186 huy chương các loại, gồm 56 huy chương vàng, 55 huy chương bạc và 75 huy chương đồng; đội tuyển U19 Thanh Hóa giành chức vô địch Giải bóng đá U19 quốc gia.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi trình bày báo cáo tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm 2023

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi trình bày báo cáo tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm 2023

Về những hạn chế, yếu kém, báo cáo chỉ rõ: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp so với kế hoạch và cùng kỳ. Lĩnh vực chăn nuôi gặp khó khăn do giá thức ăn, thuốc thú y, vắc xin phục vụ chăn nuôi ở mức cao (tăng 4 - 5% so với cùng kỳ), trong khi giá đầu ra sản phẩm chăn nuôi không ổn định, giá bán thấp so với chi phí đầu tư; việc khai thác, xâm lấn rừng còn xảy ra tại một số địa bàn.

Một số sản phẩm công nghiệp truyền thống vẫn gặp khó khăn, sản lượng giảm mạnh so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu giảm 9,7% so với cùng kỳ. Thu ngân sách Nhà nước đạt tỷ lệ khá so với dự toán (đạt 58%) nhưng giảm mạnh so với cùng kỳ (giảm 25%); đặc biệt là số thu từ tiền sử dụng đất giảm sâu so với cùng kỳ (giảm 60%).

Hoạt động đầu tư, xây dựng vẫn gặp khó khăn do vướng mắc về thể chế, thủ tục hành chính, giá vật liệu xây dựng. Một số dự án chậm đã nhiều năm nhưng chưa có dấu hiệu đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tiến độ đầu tư hạ tầng một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp qua nhiều năm vẫn còn chậm và thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng hạ tầng của các dự án thứ cấp. Kết quả thu hút đầu tư còn hạn chế. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của tỉnh đứng thứ 47 cả nước, giảm 4 bậc so với năm 2021.

Các đại biểu sẽ thảo luận tại hội trường vào sáng 11/7

Các đại biểu sẽ thảo luận tại hội trường vào sáng 11/7

Thanh Hóa đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP cả năm là 11,0% trở lên, do đó tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng cuối năm 2023 phải đạt 14,59% trở lên, trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,07% trở lên; công nghiệp - xây dựng tăng 19,6% trở lên; dịch vụ tăng 11,22% trở lên; thuế sản phẩm tăng 19,58%. Sản lượng lương thực đạt 611,4 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 3.069 triệu USD, huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 73.910 tỷ đồng, thu ngân sách Nhà nước đạt 14.763 tỷ đồng.

Quang Duy

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/thanh-hoa-thu-ngan-sach-dat-ty-le-kha-nhung-giam-manh-so-voi-cung-ky-d192208.html