Tháng Tư về nguồn

Tháng Tư, mùa xuân lặng lẽ qua đi, nhường chỗ cho những tia nắng hè ấm áp. Dường như, nắng ở mảnh đất miền trung bao giờ cũng chan hòa, chói chang hơn. Nối tiếp mạch nguồn thiêng liêng với kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, từ đầu tháng Tư, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 (tỉnh Quảng Trị) đã đón nhiều đoàn thăm viếng, tri ân.

Đàn chim hòa bình trong nghĩa trang liệt sĩ.

Đàn chim hòa bình trong nghĩa trang liệt sĩ.

Khi đặt chân đến nghĩa trang, ai nấy đều cảm nhận được không khí thiêng liêng, lặng lẽ mà cũng đầy ấm áp, như đất mẹ đang ôm trọn trong lòng những đau thương, mất mát, bao dung.

Từng hàng mộ ngay ngắn hòa vào mênh mông bất tận dấy lên cảm xúc rưng rưng. Mỗi bia mộ, mỗi dòng tên khắc ghi như đọng lại một phần ký ức hào hùng về những người lính đã chiến đấu quả cảm, anh dũng hy sinh tuổi xuân để bảo vệ nền độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Tượng đài uy nghiêm, sừng sững giữa nghĩa trang.

Tượng đài uy nghiêm, sừng sững giữa nghĩa trang.

Khách tới viếng nghĩa trang, dù là người Việt Nam hay du khách quốc tế, đều thành kính thắp nén tâm nhang tưởng nhớ người đã khuất. Lịch sử đất nước Việt Nam đã được viết nên bởi những tấm gương kiên cường, bất khuất ấy. Trước từng ngôi mộ là những dòng người cúi đầu, cảm nhận sâu hơn câu chuyện bi tráng của lịch sử và thân phận con người trong chiến tranh.

Các quân nhân, cựu chiến binh luôn nhớ về cha anh, đồng đội.

Các quân nhân, cựu chiến binh luôn nhớ về cha anh, đồng đội.

Như một lời hẹn đã mặc định suốt bao năm qua, nhiều cựu chiến binh, những người lính năm xưa, hôm nay trở về viếng đồng đội, để nhớ lại những ngày tháng đầy gian khổ cùng nhau chiến đấu dưới cánh rừng Trường Sơn, trong những trận bom đạn khốc liệt. Họ không bao giờ quên nhau, không bao giờ quên những năm tháng can trường ấy.

Một cảm giác khó tả xâm chiếm lấy tâm hồn con người khi đứng giữa bạt ngàn mộ trắng. Lòng yêu nước của người nằm lại đâu chỉ là sự hy sinh trong chiến tranh, mà khắc sâu, hòa vào vĩnh cửu, để Tổ quốc mãi trường tồn.

Phút tưởng niệm đầy xúc động.

Phút tưởng niệm đầy xúc động.

Hành trình về nguồn là dịp để mỗi người nhìn lại quá khứ, để hiểu hơn về giá trị hy sinh vô giá của các thế hệ cha anh. Từ đó, trong tim mỗi người, niềm tự hào dân tộc càng thêm lớn lao, thổi bùng lên khát vọng sẽ sống sao cho xứng đáng với những gì thế hệ đi trước đã cống hiến.

Không gian của nghĩa trang mênh mông nhưng luôn được chăm sóc cẩn thận.

Không gian của nghĩa trang mênh mông nhưng luôn được chăm sóc cẩn thận.

Chúng tôi gặp Trần Văn Nhân (sinh năm 1990) quê ở Gio Linh, Quảng Trị đang tận tụy tiếp đón các đoàn thăm viếng. Anh đã gắn bó với công việc ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn 10 năm. Anh cho biết, sắp tới Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), ước tính mỗi ngày, nghĩa trang đón khoảng 500-700 lượt khách tri ân.

Nhân sự phục vụ nghĩa trang liệt sĩ đều tự hào, tận tụy với công việc nhiều ý nghĩa.

Nhân sự phục vụ nghĩa trang liệt sĩ đều tự hào, tận tụy với công việc nhiều ý nghĩa.

"Nếu nhiều năm trước đây, chủ yếu là các cựu chiến binh đi viếng nghĩa trang thì nay đầy đủ mọi thành phần, các đoàn từ trung ương đến địa phương, từ nhân dân khắp cả nước đến người nước ngoài. Đạo lý uống nước nhớ nguồn đã hợp thành những dòng chảy, những con đường xuyên suốt. Đó là điều khiến chúng tôi rất xúc động và luôn tự nhủ cố gắng làm tốt hơn công việc của mình", anh Trần Văn Nhân nói.

Ở các nghĩa trang luôn có sự tiếp nối về thế hệ.

Ở các nghĩa trang luôn có sự tiếp nối về thế hệ.

Trong tháng Tư, hầu hết các tour du lịch có hành trình qua tỉnh Quảng Trị đều vẫn gắn với hoạt động viếng hai nghĩa trang lớn trên địa bàn. Các đoàn du lịch tự túc hoặc nhóm nhỏ du khách trong nước, nước ngoài cũng thiết tha ghé thăm.

Nhân tâm sự, cả tuổi thơ của anh đều gắn liền với nghĩa trang. Vào mỗi dịp lễ hoặc được nghỉ học, bố mẹ đều đưa con cái đến nghĩa trang để thắp hương viếng các liệt sĩ. Với người dân Quảng Trị, thăm viếng nghĩa trang đã trở thành một phần trong đời sống tinh thần để thế hệ trước truyền cho thế hệ sau bài học về sự hy sinh, hiểu sâu sắc hơn tình yêu quê hương đất nước. Cả vùng đất đau thương và anh dũng, kiên cường này, gia đình nào cũng có người thân là thương binh, liệt sĩ.

Nghĩa trang cách nhà 10km, Nhân thường đi làm từ sáng tinh mơ, tối trở về. Công việc với anh ăm ắp niềm tôn kính. Dù con đầu còn nhỏ, mới chỉ 4 tuổi, anh vẫn thường đưa con lên nghĩa trang. Đó là cách để anh khai mở nhận thức cho con về lòng biết ơn bao người đã nằm lại.

Các công trình tượng đài gợi lên ký ức thời oanh liệt của cha ông.

Các công trình tượng đài gợi lên ký ức thời oanh liệt của cha ông.

Đặc biệt, ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 đều có những câu chuyện về những gia đình có truyền thống gắn bó với công việc ở nghĩa trang. Như Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn có Hồ Tất Ninh Đẳng (sinh năm 1987) là con ông Hồ Tất Ái, nguyên Trưởng ban quản lý nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn đang tiếp tục làm việc ở môi trường cha mình từng cống hiến.

Hồi chuông ngân vang nguyện ước hòa bình.

Hồi chuông ngân vang nguyện ước hòa bình.

Nguyễn Thị Huyền Thương (sinh năm 1990) có mẹ nguyên là cán bộ thanh niên xung phong trở về, từng là nhân viên vệ sinh khu mộ. Hoàng Văn Thường (sinh năm 1985) có cả bố và mẹ đều là nhân viên vệ sinh khu mộ ở nghĩa trang.

Với những nhân sự đang lặng lẽ trong công việc ân tình, như: Nhân, Đẳng, Thương, Thường... đó vừa là nhiệm vụ hằng ngày, cũng chính là trách nhiệm nối tiếp truyền thống của các thế hệ đi trước. Họ vừa chăm sóc từng ngôi mộ, dọn dẹp khuôn viên nghĩa trang, đón tiếp các đoàn thăm viếng, vừa tiếp lửa, giữ lửa cho cho tương lai. Một nghĩa trang lớn như Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn có khoảng 15 nhân sự cho khối lượng công việc không hề nhỏ, nhưng ai cũng tận tụy, nhiệt thành, ấm áp, chưa bao giờ để xảy ra điều gì vướng bận.

Các đoàn thăm viếng đều bảo đảm sự nghiêm trang.

Các đoàn thăm viếng đều bảo đảm sự nghiêm trang.

Dưới ánh nắng đã bắt đầu gay gắt, họ vẫn mải miết làm việc trong bầu không khí phảng phất, trang nghiêm, nghẹn ngào. Họ cũng là người kể chuyện cho du khách. Có những hiện tượng kỳ lạ mà không ai giải thích được. Thí dụ, dù thời tiết Quảng Trị có mưa to, gió lớn cỡ nào thì khi các đoàn làm lễ viếng anh hùng liệt sĩ, trời sẽ tạnh, và ngược lại, khi họ rời đi, trời lại đổ mưa.

Những điều kỳ diệu ấy khiến mọi người đều tin rằng, ở nơi này, luôn có một đời sống tinh thần đầy tha thiết, luôn có sự dõi theo những nghĩa cử, tấm lòng hướng đến hy sinh, mất mát và lòng yêu nước sâu nặng.

Nén tâm nhang thắp lên từng nấm mộ.

Nén tâm nhang thắp lên từng nấm mộ.

Trong tháng Tư này, Chủ tịch Hội Biển đảo Việt Nam Trần Vũ Thành cùng một số thành viên đã thực hiện hành trình "Non sông liền một dải" dài 9.000km bằng xe máy suốt dọc dài đất nước. Viếng Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 là hoạt động ý nghĩa của chặng 2 hành trình mang tên "Xẻ dọc Trường Sơn: Theo dấu chân của những người lính Cụ Hồ năm xưa".

Chủ tịch Hội Biển đảo Việt Nam viếng nghĩa trang liệt sĩ.

Chủ tịch Hội Biển đảo Việt Nam viếng nghĩa trang liệt sĩ.

Anh xúc động chia sẻ: "Trong những năm qua, tôi đã nhiều lần đến với hai nghĩa trang, tuy nhiên lần này mang lại cho tôi nguồn cảm xúc rất đặc biệt. Năm nay tròn 50 năm đất nước thống nhất. 50 năm trước, nơi đây chỉ là con đường mòn ẩn dưới rừng già, các thế hệ cha ông chỉ có thể đi trong đêm mà giành được độc lập".

Nhiều em nhỏ được gia đình đưa đi viếng nghĩa trang.

Nhiều em nhỏ được gia đình đưa đi viếng nghĩa trang.

"Qua 50 năm, giờ đây những con đường cao tốc đã được mở, các phương tiện cơ giới có thể di chuyển tốc độ cao suốt dọc dài đất nước; nhiều miền quê nghèo đã trở thành những đô thị sầm uất, đời sống người dân được nâng cao với đầy đủ điện, đường, trường, trạm, mạng viễn thông phủ sóng mọi nơi... Chúng ta càng thấm thía hơn giá trị của độc lập, tự do, hạnh phúc; càng thêm cảm niệm, tri ân các thế hệ cha anh đã dành trọn thanh xuân, máu xương cho lý tưởng cách mạng cao cả là thống nhất đất nước", kỹ sư Trần Vũ Thành nhấn mạnh.

Những vị khách này đến từ tỉnh Tuyên Quang.

Những vị khách này đến từ tỉnh Tuyên Quang.

Tháng Tư, tháng của niềm tự hào, tri ân sâu sắc. Từng dòng người về nguồn, đứng trước những ngôi mộ liệt sĩ trong không khí im lặng, thiêng liêng. Tháng Tư, trời Quảng Trị bao la, gió lồng lộng thổi qua từng ngọn cây, dãy núi, mang theo hơi thở mùa hè.

Nắng như ươm tơ trên đất mẹ, chiếu rọi từng nhánh cây, vạt cỏ, cho mọi điều không bao giờ rơi vào lãng quên, như những câu thơ của một nhà thơ đã viết riêng cho các nghĩa trang ở miền đất anh hùng Quảng Trị: "Người đã sang một đời sống khác/ người đã mang đi muôn vàn bí mật/ nên ta đến mà không gặp/ những bóng hình lần lẫn trong mơ... người với người tựa như màu trắng/ có thể lẫn vào nhau mà không sợ nhòa phai...".

Trời Quảng Trị xanh mầu hy vọng.

Trời Quảng Trị xanh mầu hy vọng.

Và trong không gian ấy, nắng gió dường như cũng ấp ủ lời thì thầm quá khứ, từ thế hệ những con người đã hy sinh về sự hiện diện, để hòa vào đất trời Quảng Trị, không bao giờ rời xa.

MAI LỮ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thang-tu-ve-nguon-post869026.html