Tháng Năm về quê Bác

Những ngày tháng Năm, hàng triệu trái tim của người dân đất Việt từ khắp mọi miền đất nước cùng hướng về Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An), về làng Sen trong niềm vui chung - niềm vui hội ngộ trên quê Bác Hồ muôn vàn kính yêu.

Cảm xúc ở quê chung

Kim Liên tháng Năm, trời cao xanh vời vợi. Trong nắng tháng Năm chan hòa, hương sen thơm mát, cùng tiếng ve kêu râm ran, du khách muôn phương lại hội tụ về nơi mà trong tâm thức của đồng bào cả nước đã là “quê chung”. Tất cả đều rạng ngời hạnh phúc khi được đặt chân đến quê hương Bác Hồ kính yêu và lắng sâu niềm xúc động với những câu chuyện về tuổi ấu thơ của Người nơi “Làng Trù quê mẹ và làng Sen quê cha”.

 Ngôi nhà tranh ở làng Sen - nơi ghi dấu thời thơ ấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngôi nhà tranh ở làng Sen - nơi ghi dấu thời thơ ấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tại làng Sen, quê nội Bác Hồ, qua cổng ngõ trúc đơn sơ, từng dòng người nối tiếp nhau đi dọc theo hàng rào râm bụt dẫn tới ngôi nhà của Bác. Ngôi nhà nhỏ 5 gian, mộc mạc nép mình dưới bóng tre xanh mát. Ngôi nhà là nơi Người đã gắn bó một phần tuổi ấu thơ của mình, nơi Người đã sống trong cảnh “nước mất, nhà tan”, nơi mà Người đã tiếp xúc với các nhà nho yêu nước và nuôi dưỡng tinh thần cách mạng, quyết giành lại độc lập cho dân tộc.

Vào bên trong, được ngắm những kỷ vật thiêng liêng in dấu ấn thời thơ ấu của Bác như chiếc võng gai, khung cửi, rương gỗ, thúng mây tre, đĩa dầu lạc…, trong lòng mọi người cảm xúc lại dâng trào. Ông Đào Thanh Tùng đến từ huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) chia sẻ: “Sau bao năm mong mỏi, tôi đã về đây thăm quê hương Bác Hồ. Chúng tôi, ai cũng xúc động và hạnh phúc vô bờ. Được tìm hiểu về từng kỷ vật, nghe câu chuyện về cuộc đời của Người, chúng tôi càng thêm kính yêu Bác bội phần”.

Còn chị Lê Thị Thanh Minh đến từ TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) thổ lộ: “Được nghe các chị thuyết minh viên kể về gia cảnh của Bác, về hình ảnh tuổi thơ của cậu bé Nguyễn Sinh Cung… đã giúp chúng tôi hiểu hơn về nghị lực vươn lên mạnh mẽ từ những khó khăn, gian khổ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều này đã truyền cảm xúc cho thế hệ trẻ chúng tôi tự nhắc nhở mình phải luôn cố gắng học tập và làm theo Bác, nỗ lực xây dựng quê hương đất nước”.

Từ đầu tháng Năm này, mỗi ngày Khu di tích Kim Liên đón hàng ngàn lượt du khách về thăm quê Bác. Bởi vậy, Khu di tích đã huy động tối đa cán bộ, nhân viên làm công tác tiếp đón, hành lễ, giới thiệu, thuyết minh, chỉnh trang cảnh quan, vệ sinh môi trường… để phục vụ tốt nhất cho du khách".

Ông Nguyễn Bảo Tuấn, Giám đốc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên

Ông Nguyễn Bảo Tuấn, Giám đốc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên chia sẻ: “Từ đầu tháng Năm này, mỗi ngày Khu di tích đón hàng ngàn lượt du khách về thăm quê Bác. Bởi vậy, Khu di tích đã huy động tối đa cán bộ, nhân viên làm công tác tiếp đón, hành lễ, giới thiệu, thuyết minh, chỉnh trang cảnh quan, vệ sinh môi trường… để phục vụ tốt nhất cho du khách. Trong những ngày diễn ra Lễ hội làng Sen năm 2024, tại Khu di tích sẽ diễn ra các hoạt động ý nghĩa như: Trình diễn dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh và giao lưu biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhân dân; trưng bày các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCCOP trong và ngoài tỉnh…”.

Chị Trần Thanh Thùy, thuyết minh viên của Khu di tích tâm sự: Mỗi khi nhìn hình ảnh đoàn người chầm chậm, thành kính vào dâng hương, dâng hoa và chăm chú, xúc động lắng nghe những câu chuyện về Bác Hồ, ngắm nhìn những kỷ vật về cuộc sống của Bác và những người thân trong gia đình, dù thời tiết đầu hè năm nay có ngày nắng nóng kỷ lục nhưng các cán bộ, nhân viên đều quên hết mệt nhọc và cố gắng gấp bội để phục vụ du khách”.

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên trước đây, hôm nay và mai sau vẫn thế, nhưng cuộc sống của người dân trên quê hương Bác Hồ đang đổi thay từng ngày. Về Kim Liên hôm nay, đi dưới những con đường rải nhựa, đường bê tông rộng rãi, những hàng cây xanh mát, xa xa là những cánh đồng lúa chín vàng…, ai cũng cảm nhận được bước chuyển mình trên quê Bác.

Ông Nguyễn Quang Lộc, Chủ tịch UBND xã Kim Liên cho biết: Là một trong 3 xã đầu tiên của tỉnh Nghệ An thực hiện xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, đến nay Kim Liên đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các tiêu chí của xã nông thôn mới kiểu mẫu với nhiều tiêu chí nổi trội như: Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 61 triệu đồng/người/năm; 100% người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ tuyến cơ sở, được sử dụng nước sạch trong sinh hoạt và nguồn điện lưới an toàn, hiệu quả.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn được giữ vững… Xã cũng tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, xây dựng và phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, sản phẩm OCOP; phát triển một số mô hình du lịch trải nghiệm, tham quan học tập cộng đồng; xây dựng và phát triển các tour du lịch trên địa bàn...

Đặc sắc Lễ hội làng Sen

Tối 8/5 vừa qua, tại Cụm Di tích Hoàng Trù - quê ngoại Bác Hồ ở Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên đã diễn ra cầu truyền hình trực tiếp chương trình chính luận - nghệ thuật đặc biệt “Làng Sen nuôi chí lớn” do Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An và Đài Phát thanh - Truyền hình Thừa Thiên Huế phối hợp thực hiện.

 Các em học sinh nghe thuyết minh về thời niên thiếu của Bác Hồ.

Các em học sinh nghe thuyết minh về thời niên thiếu của Bác Hồ.

Với sân khấu thực cảnh bình dị cũng như thông qua những thước phim tư liệu quý giá, những ca khúc nổi tiếng mang đậm âm hưởng Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh và ca Huế viết về Bác, cùng sự phân tích của các nhà nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh được lồng ghép với nhau tạo nên mạch câu chuyện cảm xúc, có chiều sâu về hành trình ấu thơ và thời niên thiếu của Người. Qua chương trình giúp người xem cảm nhận rõ nét, chân thực hơn về những mảnh đất gắn bó với Bác cũng như sự hình thành nên bậc vĩ nhân, danh nhân văn hóa thế giới - Chủ tịch Hồ Chí Minh vô vàn kính yêu của dân tộc.

Chương trình cầu truyền hình “Làng Sen nuôi chí lớn” là hoạt động mở đầu cho chuỗi hoạt động của Lễ hội làng Sen năm 2024 kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ Liên hoan “Tiếng hát làng Sen” - một phong trào ca hát về Bác Hồ, về Tổ quốc, về Đảng (chương trình ra đời năm 1981), liên hoan đã được nâng lên thành Lễ hội làng Sen với quy mô cấp tỉnh và toàn quốc vào dịp sinh nhật Bác từ năm 2002. Sau hơn 40 năm, những giá trị tinh thần mà Lễ hội làng Sen tạo ra có ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội to lớn, đóng góp sâu sắc vào việc bảo tồn và tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh.

Lễ hội làng Sen năm nay được UBND tỉnh Nghệ An lên kế hoạch với nhiều hoạt động ý nghĩa, đặc sắc. Theo đó, chương trình khai mạc Lễ hội làng Sen diễn ra tại Sân vận động làng Sen (xã Kim Liên) vào ngày 11/5. Điểm nhấn của Lễ hội năm nay là Chương trình nghệ thuật “Từ làng Sen đến TP Hồ Chí Minh” diễn ra vào tối 19/5 tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP Vinh) do Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện.

Trong suốt quá trình diễn ra Lễ hội làng Sen, Liên hoan “Tiếng hát làng Sen” là hoạt động thu hút nhiều sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân, là dịp để các đoàn nghệ thuật quần chúng giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nhằm phát huy, phát triển phong trào nghệ thuật quần chúng, từ đó bảo tồn, gìn giữ và phát huy di sản văn hóa, văn nghệ đặc trưng của từng địa phương, vùng miền.

Một điểm nhấn khác của Lễ hội làng Sen năm nay là Lễ hội đường phố “Quê hương mùa sen nở” lần thứ hai được tổ chức tại phố đi bộ Hồ Tùng Mậu (TP Vinh) với những màn trình diễn văn hóa nghệ thuật kết hợp với thủ pháp nghệ thuật sân khấu, âm thanh, ánh sáng hiện đại do nhiều đoàn nghệ thuật trong và ngoài tỉnh thể hiện. Bên cạnh đó còn có các hoạt động bên lề của lễ hội như: Giải bóng chuyền và giải võ cổ truyền; Triển lãm ảnh “Nghệ An làm theo lời Bác” “Hồ Chí Minh - Người là niềm tin tất thắng”; Giải marathon Nghệ An 2024 “Hành trình về làng Sen”..

Đồng chí Trần Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An cho biết: “Lễ hội làng Sen năm 2024 là dịp để góp phần phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh quê hương Nghệ An tới bạn bè trong nước và bầu bạn quốc tế, đồng thời nhằm đẩy mạnh phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Các hoạt động mới, đặc sắc tại Lễ hội làng Sen năm nay sẽ là tiền đề hướng đến Lễ hội làng Sen vào năm tới - năm 2025 được tổ chức ở quy mô cấp quốc gia”.

Bài, ảnh: Minh Quân

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/thang-nam-ve-que-bac-111341.bbg