Tháng hành động vì an toàn thực phẩm: Chăm lo bữa ăn cho người lao động

Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm nay có chủ đề 'Bảo đảm ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình bình thường mới' kéo dài từ 15/4 đến 15/5. Theo đó, các doanh nghiệp (DN) vừa thực hiện nghiêm quy định về vệ sinh thực phẩm, vừa tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Duy trì bữa ăn ca an toàn

Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam (KCN Quang Châu) có khoảng 10 nghìn công nhân. Xác định chăm lo bữa ăn, bảo đảm an toàn dinh dưỡng cho người lao động (NLĐ) là nhiệm vụ then chốt, từ năm 2020, Công ty được chọn làm điểm triển khai mô hình “Bếp ăn tập thể bảo đảm ATTP”.

Bữa ăn ca của công nhân Công ty Crystal Martin Việt Nam (Việt Yên).

Theo bà Nguyễn Thị Phương, đại diện Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam, để phục vụ bữa ăn an toàn, Công ty đầu tư kinh phí xây dựng khu vực nhà bếp, nhà ăn rộng hơn 6 nghìn m2. Nguyên liệu nấu luôn được bảo đảm tươi sống, chế biến thức ăn chín tuân thủ quy trình một chiều, tách biệt.

Hiện DN tổ chức bếp ăn theo hình thức tự nấu với 100 đầu bếp, nhân viên phục vụ mà không thuê bên ngoài. Các khâu lựa chọn, kiểm soát chất lượng nguyên liệu, chế biến, bảo quản mẫu… đều có Ủy ban căng tin của DN giám sát chặt chẽ. Ủy ban này được thành lập với thành viên là cán bộ, công nhân ở các bộ phận nhằm bảo đảm quyền lợi cho công nhân.

Với mức hỗ trợ khoảng 21 nghìn đồng/người, các bữa ăn thường xuyên thay đổi món, bảo đảm đủ chất và lượng để công nhân có sức khỏe làm việc. Mới đây, lãnh đạo Công ty còn bố trí kinh phí lắp đặt hệ thống camera giám sát tại khu vực sơ chế nguyên liệu, chế biến thức ăn. Cùng đó nhằm phòng, chống dịch Covid-19, DN lắp đặt kính chống giọt bắn, sát khuẩn khu vực bếp, nhà ăn.

Còn tại Công ty cổ phần Thời trang Hà Thanh, xã Hoàng Thanh (Hiệp Hòa) với hơn 300 công nhân, mô hình bữa ăn ca bảo đảm ATTP được duy trì từ năm 2016. Hiện đơn vị thực hiện mức hỗ trợ bữa ăn ca trị giá 18 nghìn đồng/suất và yêu cầu mỗi suất ăn đều bổ sung hoa quả tươi tráng miệng.

Ông Lê Xuân Tráng, Giám đốc Công ty nói: “Trên yêu cầu thực tế, chúng tôi còn bổ sung, hỗ trợ thêm bữa phụ với sữa tươi, bánh mỳ khi Công ty có đợt hàng gấp phải tăng ca nhằm bảo đảm sức khỏe cho NLĐ”.

Ngoài hai DN này, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm DN chủ động bảo đảm bữa ăn ca cho công nhân, người lao động, điển hình như Công ty TNHH MPlus Hà Nội (Tân Yên), Công ty cổ phần May Xuất khẩu Hà Bắc (Việt Yên)...

Bảo đảm sức khỏe công nhân

Ban Chỉ đạo liên ngành T.Ư về ATTP đã ban hành kế hoạch triển khai Tháng hành động vì ATTP với chủ đề “Bảo đảm ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình bình thường mới”. Tại Bắc Giang, các đơn vị liên quan tập trung cao cho công tác thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển KT-XH trong trạng thái bình thường mới.

Khu vực chế biến suất ăn của Công ty cổ phần Thời trang Hà Thanh (Hiệp Hòa).

Từ đầu năm đến nay, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 16 DN kinh doanh dịch vụ ăn uống ở trong và ngoài các KCN.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thể, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP cho hay: “Qua kiểm tra, chúng tôi đánh giá các DN đã cơ bản bảo đảm tiêu chuẩn ATVSTP, bếp ăn được bố trí một chiều. Nhà ăn thoáng mát, đầy đủ dụng cụ nấu nướng, sạch sẽ khô ráo. Riêng trong Tháng hành động vì ATTP, Chi cục tiến hành kiểm tra 13 DN sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATTP tại các DN sản xuất nước uống đóng chai, đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống và DN tự tổ chức bữa ăn”.

Là địa bàn trọng điểm phát triển công nghiệp thu hút nhiều NLĐ, tại huyện Việt Yên, việc kiểm tra, giám sát ATVSTP luôn được quan tâm. Bà Phùng Thị Hiên, Phó trưởng phòng Y tế huyện Việt Yên thông tin, dịp này, huyện đã thành lập đoàn kiểm tra tại 5 xã đối với công tác quản lý nhà nước về ATTP; 87 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Qua đó xử lý vi phạm hành chính đối với 6 cơ sở với số tiền phạt hơn 10 triệu đồng, nhắc nhở 11 cơ sở khác, đồng thời yêu cầu các cơ sở khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế. Các cơ sở bị xử phạt, nhắc nhở vi phạm một số lỗi như: Chưa tuân thủ đúng nguyên tắc an toàn vệ sinh khi chế biến thực phẩm, chưa lưu mẫu thức ăn đủ 24 giờ; đồ dùng, dụng cụ trong bảo quản, chứa đựng thức ăn còn sơ sài...

Công tác bảo đảm ATTP xung quanh khu, cụm công nghiệp vẫn gặp một số khó khăn do nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ và thuê mặt bằng không đầu tư cải thiện cơ sở vật chất; nhận thức của một số chủ cơ sở trong việc thực hiện quy định về ATTP còn hạn chế.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thể cho rằng để tăng cường công tác quản lý về ATTP cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các ngành như: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp với một số đơn vị chức năng như: Đội quản lý thị trường, Công an và UBND các xã có khu, cụm công nghiệp. Tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của chủ DN về vai trò của công tác ATTP trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; thường xuyên tập huấn nâng cao chất lượng việc kiểm tra, giám sát bảo đảm ATVSTP cho công nhân, NLĐ ở DN.

Bài, ảnh: Thu Vân

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/xa-hoi/358972/thang-hanh-dong-vi-an-toan-thuc-pham-cham-lo-bua-an-cho-nguoi-lao-dong.html