Thăng hạng vượt bậc về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - Dấu ấn cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư

Theo báo cáo xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, Nam Định xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố với tổng số 64,99 điểm (cao hơn năm trước 1,89 điểm), tăng 16 bậc, từ nhóm trung bình năm 2020 vươn lên nhóm khá của cả nước. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Theo báo cáo xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, Nam Định xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố với tổng số 64,99 điểm (cao hơn năm trước 1,89 điểm), tăng 16 bậc, từ nhóm trung bình năm 2020 vươn lên nhóm khá của cả nước. So với năm 2020, tỉnh có 6/10 chỉ số thành phần PCI tăng điểm gồm: chi phí không chính thức; chi phí thời gian; tiếp cận đất đai; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; tính năng động của chính quyền tỉnh. Có được sự chuyển biến mạnh mẽ, thăng hạng chỉ số PCI kể trên trong bối cảnh năm 2021 dịch bệnh COVID-19 xảy ra rất phức tạp, phải kể đến sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó khẳng định tính quyết liệt trong chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhằm vượt qua những rào cản, “điểm nghẽn”, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, thúc đẩy nền kinh tế phục hồi, phát triển.

Việc tích cực đầu tư các dự án giao thông mang tính kết nối giúp tỉnh nâng cao năng lực thu hút đầu tư. Trong ảnh: Nút giao đường dẫn cầu Thịnh Long, Quốc lộ 21 và Quốc lộ 21B thuộc địa phận huyện Hải Hậu. Ảnh: Thành Trung

Chia sẻ về kết quả phấn khởi này, đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định: Dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, nhưng năm 2021 tỉnh vẫn tập trung, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành các sở, ngành, địa phương huy động cả hệ thống chính trị phát huy sức mạnh tập thể, tăng cường trách nhiệm của các cá nhân (nhất là người đứng đầu) thường xuyên, liên tục đẩy mạnh cải cách, xây dựng nền hành chính công vụ chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, hấp dẫn nhà đầu tư và doanh nghiệp theo tinh thần chỉ đạo tại các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ và BCH Đảng bộ tỉnh. Cụ thể, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết, trong đó có Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 18-6-2021 về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 16-7-2021 về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025 theo tinh thần Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày; Kế hoạch số 99/KH-UBND ngày 20-8-2021 về nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số cải cách hành chính tỉnh giai đoạn 2021-2025. Cũng theo đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, một trong những yếu tố quan trọng giúp tỉnh tăng điểm và tăng hạng PCI là đã tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất, kinh doanh; đầu tư xây dựng các dự án giao thông quan trọng có tính lan tỏa, kết nối liên vùng như: tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tuyến đường bộ ven biển, đoạn qua tỉnh, tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển, tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh... Ngoài ra, tỷ lệ cao doanh nghiệp đã đánh giá “tốt” hoặc “rất tốt” về ứng phó của chính quyền tỉnh trước đại dịch COVID-19; trong đó, nhóm doanh nghiệp tư nhân đồng thuận rất cao về cách xử lý khủng hoảng do COVID-19 gây ra của chính quyền tỉnh với mức 9,09 điểm, xếp hạng 3/63 tỉnh, thành phố. Theo kết quả các chỉ số thành phần còn cho thấy điểm chỉ số tính năng động của chính quyền tỉnh tiếp tục cải thiện tích cực với kết quả đạt 6,73 điểm, tăng 0,81 điểm so với năm 2020. Trong đó, nhiều doanh nghiệp cho biết chính quyền tỉnh có thái độ tích cực đối với việc hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là đã gia tăng các giải pháp hỗ trợ, gỡ khó cho khu vực kinh tế tư nhân và trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 gây nhiều tác động tiêu cực. Phần lớn các giải pháp doanh nghiệp quan tâm, cần thực hiện để nhanh chóng phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh an toàn đã được tỉnh hỗ trợ thực hiện hiệu quả đúng chủ trương, chính sách của Nhà nước thông qua các chương trình: trợ cấp trực tiếp, cho vay có bảo đảm và hỗ trợ người lao động, hỗ trợ miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, hỗ trợ tái cơ cấu để mở rộng thị trường, chuyển đổi số... Nhờ đó, chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (thay thế chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp) năm 2021 của tỉnh đạt 6,44 điểm, tăng 1,04 điểm so với năm 2020.

Tiếp cận đất đai là chỉ số phức tạp và khó cải thiện nhất ở nhiều địa phương bởi tầm quan trọng của mặt bằng kinh doanh với doanh nghiệp và bản chất phải kết hợp liên ngành, liên cấp để giải quyết. Tuy nhiên, năm 2021 tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá không gặp khó khăn với các thủ tục hành chính về đất đai tăng lên do tỉnh quyết liệt chỉ đạo cụ thể chỉ số này qua hàng loạt biện pháp: xây dựng quy hoạch đất đai hợp lý, chuẩn bị sẵn sàng các quỹ đất sạch cho nhà đầu tư; minh bạch cung cấp thông tin về quy hoạch tới các doanh nghiệp... Nhờ đó, chỉ số tiếp cận đất đai năm 2021 của tỉnh đạt 7,85 điểm, tăng 1,27 điểm so với năm 2020. Công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được thực hiện có hiệu quả trên mọi lĩnh vực, nhất là các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh như cấp phép đầu tư, đất đai, xây dựng, đê điều, bảo vệ môi trường; tích cực rà soát, đơn giản hóa và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện, công khai; phát huy hiệu quả đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh về hành vi gây phiền hà của cán bộ, công chức khi giải quyết thủ tục hành chính. Đến nay, tỉnh đang triển khai mạnh mẽ, đưa dịch vụ công trực tuyến dần trở nên phổ biến trong giải quyết thủ tục hành chính ở các cấp. Ngày càng nhiều doanh nghiệp đánh giá lợi ích của việc giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến; bước đầu một số doanh nghiệp khẳng định không gặp khó khăn khi sử dụng dịch vụ này. Nhờ đó, chỉ số chi phí thời gian năm 2021 của tỉnh đạt 8,14 điểm, tăng 1,34 điểm so với năm 2020. Bên cạnh đó, tình trạng “tham nhũng vặt” đã có những cải thiện đáng ghi nhận trong một số lĩnh vực cụ thể như hoạt động đăng ký doanh nghiệp, tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh, quản lý thị trường, thanh tra môi trường, thuế, thanh tra phòng cháy chữa cháy, thanh tra kiểm tra về đất đai.

Kết quả xếp hạng PCI năm 2021 tỉnh đã nỗ lực thiết lập dấu ấn mạnh mẽ trong cải thiện môi trường đầu tư, tăng năng lực cạnh tranh, sức hấp dẫn thu hút đầu tư. Kết quả này là sự động viên lớn đối với tỉnh, khẳng định sự đúng hướng trong chỉ đạo nâng cao năng lực cạnh tranh và các giải pháp nhằm tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội như mục tiêu của các nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đã đề ra./.

Thanh Thúy

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202204/thang-hang-vuot-bac-ve-chi-so-nang-luc-canh-tranh-cap-tinh-dau-an-cai-thien-manh-me-moi-truong-dau-tu-2550474/