Tháng 7 tri ân - bài 5: Kể mãi câu chuyện đồng đội nằm xuống…

Khi còn chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên, ông Phạm Ngọc An luôn hoạt động bí mật trong lòng địch. Giờ đây, khi trở lại Vị Xuyên, ông lại xuất hiện công khai với một vai trò khác. Nhưng dù làm gì, người chiến sĩ năm xưa ấy vẫn luôn thầm lặng cống hiến hết mình như thế…

Một buổi thuyết minh của ông Phạm Ngọc An cho học sinh trường THCS Lê Lợi (TP Hà Giang) tại hang Dơi (xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang). Ảnh: Việt Khôi

Cuộc tập kích trước bình minh

Để giành được chiến thắng tại mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang đầy ác liệt năm ấy, bên cạnh công lao của những người lính pháo binh, đặc công, bộ binh…, sự đóng góp của của những người lính trinh sát đặc nhiệm, hoạt động bí mật trong lòng địch cũng rất lớn lao.

Cũng như hàng vạn đồng đội khác, cựu binh Phạm Ngọc An vẫn không thể quên những năm tháng chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên. Ông từng là lính trinh sát đặc nhiệm hoạt động tại địa bàn các xã biên giới của huyện Vị Xuyên, với nhiệm vụ chính là “luồn” thật sâu vào địa bàn địch đang chiếm giữ để thu thập tin tức, bắt tù binh và tập kích phá hủy mục tiêu… nhằm phục vụ công tác chỉ huy, tác chiến của cấp trên. Khu vực tác chiến của ông thuộc xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên - nơi tập trung các điểm cao 468, 685, 772, 1509, bình độ 1100, 1200… Nơi đây đã diễn ra các trận đánh vô cùng ác liệt và được gọi bằng những cái tên như “Lò vôi thế kỷ”, “Đồi thịt băm”…

Trận đánh đáng nhớ nhất của ông Phạm Ngọc An diễn ra vào ngày 12/7/1984. Đợt đó, lệnh từ cấp trên yêu cầu đơn vị của ông phải tiếp cận hai điểm cao 1509 và 772 để phá hủy cứ điểm hậu cần của địch, làm lung lạc tinh thần chúng và bắt cóc tù binh về để khai thác thông tin phục vụ cho phương án tác chiến của chỉ huy. Đó đều là những “tọa độ chết” vì đang bị địch chiếm đóng với quân số rất đông và hỏa lực rất mạnh. Xung quanh những điểm cao này, cỏ cháy rụi, cây chết khô, đất bị cày nát và núi đá nứt toang hoác, bạc trắng như vôi. Không có dấu hiệu của sự sống ngoài những người lính đang cần mẫn “bám đá chiến đấu”.

Khoảng 9h tối ngày 9/7/1984, đơn vị gồm 12 người của ông An được lệnh xuất kích. Đến đêm 11/7/1984, họ tiếp cận được đường biên.

Ông Phạm Ngọc An đang thuyết minh về lịch sử chiến trường Vị Xuyên cho du khách tại Đài tưởng niệm 468.

Đến 5h sáng ngày 12/7/1984, đơn vị mới vào đến “hang cọp”. Bỗng nhiên từ đâu dội về những tiếng nổ long trời, những vệt sáng chằng chịt rạch ngang bầu trời. Pháo binh của ta đã khai hỏa rồi! Toán quân tập kích khẩn trương tiếp cận mục tiêu. Trên hướng tiền nhập lộ rõ khá nhiều đường dây điện thoại của địch rải sát mặt đất. Ông An cùng đồng đội nhanh trí rút dao găm cắt đứt những đường dây này, rồi lần theo chúng để vào hậu cứ của địch.

Trước hỏa lực của pháo binh ta, địch hoảng loạn vô cùng. Chúng nhốn nháo chạy hết ra khỏi hầm hào, công sự. Họ chia thành hai mũi tấn công. Tiếng nổ của súng, lựu đạn và tiếng la hét của địch hòa lẫn vào nhau. Ở phía đường bên, pháo cối và súng của pháo binh vẫn bắn ầm ầm để yểm trợ.

Sau trận đánh, ông An bị lạc vào rừng, vài hôm sau mới về tới đơn vị đang tập trung. “Lúc đó thấy một đồng chí bộ đội vận tải đi qua, tôi liền đến xin một nắm gạo sấy rồi nằm vật xuống khe đá, bỏ cả vào miệng nhai ngấu nghiến. Trời ơi, suốt 20 năm sống trên cuộc đời này, chưa bao giờ tôi được ăn một bữa ngon như thế!”, ông An kể.

“Khi tới thăm viếng Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ 468, xin quý vị hãy nhẹ nhàng bước chân thôi, vì biết đâu bên dưới nơi quý vị đang đứng hoặc đã từng đi qua, vẫn còn những hài cốt của các anh chưa được quy tập về” … “Mỗi ngày, những người lính Vị Xuyên cận chiến với địch chỉ được ăn một nắm cơm. Có những khi phải cận chiến với địch vài tháng trời, họ không tắm rửa, không đánh răng, không rửa mặt, không cắt tóc, không cạo râu”...

(Trích bài thuyết minh của cựu binh Phạm Ngọc An về mặt trận Vị Xuyên năm xưa)

Kể chuyện của bạn, chuyện của mình

Từ nhiều năm nay, cựu binh Phạm Ngọc An là một hướng dẫn viên rất quen thuộc tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ 468 tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Công việc của ông là thuyết minh về lịch sử chiến trường Vị Xuyên cho những người tới đây thăm viếng. Anh Tạ Viết Trường, người phụ trách đài tưởng niệm 468 cho biết, ông An là người đã đồng hành với Đài tưởng niệm ngay từ những ngày đầu tiên thành lập.

“Ông An làm việc này một cách hoàn toàn tự nguyện và miễn phí, dù hiện vẫn đang làm công việc hành chính nhà nước 8 tiếng/ngày. Bất cứ ai trước khi tới thăm Đài tưởng niệm chỉ cần gọi trước cho ông An, ông sẽ luôn tìm cách sắp xếp công việc để có mặt”, anh Trường chia sẻ. Có lẽ đây là lần đầu tiên mà người lính trinh sát đặc nhiệm năm xưa ấy “hoạt động” một cách công khai như vậy.

Ông An bảo, mình là người lính sống sót trở về, có công việc ổn định và lập được gia đình, là may mắn hơn rất nhiều đồng đội khác rồi. Vì vậy, ông muốn làm một điều có ý nghĩa cho những người đã nằm xuống. Ông tìm đọc và nghiên cứu những tư liệu lịch sử về chiến trường Vị Xuyên, tổng hợp lại cùng với những ký ức không thể nào quên của ông để tạo thành những bài thuyết minh chân thực và xúc động.

“Có người hỏi tôi là làm việc “miễn phí” thế này thì bản thân có được gì không? Tôi bảo là mình được rất nhiều! Nhưng không phải những thứ như tiền bạc, vật chất, mà đơn giản là niềm vui khi được làm công việc nho nhỏ để giúp đỡ cộng đồng. Chỉ cần thấy những khuôn mặt đang chăm chú lắng nghe là tôi mãn nguyện rồi, chẳng cần gì thêm…”, ông An chia sẻ.

Có lẽ không chỉ những du khách tới thăm Vị Xuyên, mà cả vong linh những người liệt sĩ ở đây cũng nghe thấy những điều ông An nói hàng ngày. Chắc hẳn họ sẽ vui lắm khi biết đến ngày nay, những câu chuyện về họ vẫn sống mãi trong tâm trí của người dân Việt Nam…

(Còn nữa)

Việt Khôi

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thang-7-tri-an-bai-5-ke-mai-cau-chuyen-dong-doi-nam-xuong-post1554344.tpo