Thận trọng khi mở rộng diện tích hồ tiêu

Đến hết năm 2020, trên địa bàn cả nước có khoảng 130 nghìn ha hồ tiêu, giảm hơn 10 nghìn ha, trong đó diện tích kinh doanh 110 nghìn ha, giảm 1,07 nghìn ha, sản lượng khoảng 268 nghìn tấn. Tuy nhiên, việc giá hồ tiêu tăng cao trong thời gian gần đây có thể phá vỡ quy hoạch sản xuất của các địa phương nếu người dân không thận trọng khi mở rộng diện tích trồng.

Đến hết năm 2020, trên địa bàn cả nước có khoảng 130 nghìn ha hồ tiêu, giảm hơn 10 nghìn ha, trong đó diện tích kinh doanh 110 nghìn ha, giảm 1,07 nghìn ha, sản lượng khoảng 268 nghìn tấn. Tuy nhiên, việc giá hồ tiêu tăng cao trong thời gian gần đây có thể phá vỡ quy hoạch sản xuất của các địa phương nếu người dân không thận trọng khi mở rộng diện tích trồng.

Ðược biết hiện nay, ở các vùng trồng, giá hồ tiêu liên tục tăng từ mức 56 nghìn đồng/kg lên hơn 70 nghìn đồng/kg. Trong đó, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hơn hai tuần trở lại đây, giá hồ tiêu được thu mua với giá dao động từ 78 đến 79 nghìn đồng/kg. Còn tại tỉnh Ðồng Nai, giá hồ tiêu được bán ra tại vườn dao động từ 70 đến 71,5 nghìn đồng/kg, tăng khoảng 20 nghìn đồng/kg so với đầu mùa thu hoạch cách đây hơn một tháng. Ðây là mức giá cao kỷ lục trong vòng vài năm trở lại đây.

Một trong những nguyên nhân khiến giá hồ tiêu tăng cao trong niên vụ 2020- 2021 là do giá hồ tiêu xuống thấp liên tiếp những năm qua, cho nên ở một số địa phương, người dân ít quan tâm đầu tư chăm sóc hoặc chặt bỏ vườn tiêu để chuyển sang cây trồng khác. Bên cạnh đó, nhiều vùng trồng tiêu gặp thời tiết không thuận lợi khiến đậu quả kém, sản lượng giảm. Các tác nhân đó đã làm cho sản lượng hồ tiêu giảm, dẫn đến giá tăng cao. Cùng với đó, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng làm giảm sản lượng hồ tiêu ở nhiều nước. Trong tình hình nguồn cung giảm như vậy thì nhu cầu tiêu thụ và chế biến hồ tiêu trên thị trường thế giới lại có chiều hướng tăng.

Việc giá hồ tiêu tăng cao như hiện nay là tín hiệu đáng mừng cho nông dân, cho ngành hồ tiêu, cũng là cơ hội để người trồng tiêu vực dậy sau nhiều năm giá xuống thấp. Tuy nhiên, cũng không vì lý do giá hồ tiêu tăng "phi mã" mà người dân ồ ạt trồng, dẫn đến vỡ quy hoạch, cung vượt cầu. Bởi đến lúc đó rất dễ xảy ra "điệp khúc" được mùa, mất giá, tình trạng chặt bỏ để chuyển sang cây trồng khác, gây phá vỡ quy hoạch sản xuất của địa phương.

Theo nhận định của các cơ quan chức năng, khả năng giá hồ tiêu sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Vì vậy, để tránh rủi ro cho người trồng hồ tiêu, thiết nghĩ các địa phương nên khuyến cáo người dân cần thận trọng khi mở rộng diện tích trồng hồ tiêu lúc giá đang lên cao, vì giá cả biến động thất thường, nguy cơ rủi ro cao. Người dân cần tập trung chăm sóc, đầu tư vào diện tích hồ tiêu đang cho năng suất ổn định, tránh đầu tư vào những vùng đất kém hiệu quả, cằn cỗi; chú trọng đầu tư theo hướng hữu cơ, VietGAP. Mặt khác, các địa phương cần hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ tiêu sạch đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Việc thực hiện trồng mới phải trong vùng quy hoạch; chọn vùng đất thích hợp cho cây hồ tiêu có điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt. Khi trồng, không nên trồng thuần hồ tiêu mà cần trồng xen canh các cây trồng khác, nhằm tránh rủi ro trong việc sản xuất độc canh… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận thị trường, đầu tư mạnh vào chế biến sâu để tăng các loại sản phẩm, số lượng và kim ngạch xuất khẩu khi thu hoạch rộ hồ tiêu.

BẢO HÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/cung-suy-ngam/than-trong-khi-mo-rong-dien-tich-ho-tieu-639263/