Thẩm quyền điều tra vụ án hình sự trong Quân đội được pháp luật quy định như thế nào?

Điều tra là một hoạt động hoặc giai đoạn do người, cơ quan có thẩm quyền thực hiện nhằm thu thập chứng cứ, xác định sự thật khách quan, toàn diện và đầy đủ cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều 6, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 quy định về cơ quan điều tra trong Quân đội như sau:

Ảnh minh họa: Cán bộ BĐBP Hà Tĩnh lấy lời khai đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới.

Ảnh minh họa: Cán bộ BĐBP Hà Tĩnh lấy lời khai đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới.

“1. Cơ quan an ninh điều tra Bộ Quốc phòng; Cơ quan an ninh điều tra quân khu và tương đương.

2. Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng; Cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương; Cơ quan điều tra hình sự khu vực”.

Như vậy, Cơ quan điều tra hình sự trong Quân đội nhân dân gồm có: Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng; Cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương; Cơ quan điều tra hình sự khu vực.

Về thẩm quyền điều tra được quy định cụ thể tại Điều 163, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Theo đó, việc xác định cơ quan có thẩm quyền điều tra dựa vào 3 yếu tố: Theo hệ thống tổ chức của Cơ quan điều tra, loại Cơ quan điều tra; theo phân cấp Cơ quan điều tra; theo lãnh thổ, nơi xảy ra tội phạm.

Theo khoản 2, Điều 163, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về thẩm quyền điều tra trong Quân đội: “Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự”.

Có thể thấy, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định một điều luật riêng về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự tại Điều 272. Theo đó, Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu; dân quân, tự vệ trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với Quân đội nhân dân trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; công dân được điều động, trưng tập hoặc hợp đồng vào phục vụ trong Quân đội nhân dân; vụ án hình sự mà bị cáo không thuộc đối tượng quy định tại điểm a, khoản 1, Điều này liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu hoặc gây thiệt hại đến tài sản, danh dự, uy tín của Quân đội nhân dân hoặc phạm tội trong doanh trại quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ.

Bên cạnh đó, Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử tất cả tội phạm xảy ra trong địa bàn thiết quân luật. Do vậy, từ những căn cứ nêu trên, có thể xác định thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội.

Đại úy Phùng Thị Ngọc Anh (Viện Kiểm sát quân sự khu vực 1 BĐBP)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tham-quyen-dieu-tra-vu-an-hinh-su-trong-quan-doi-duoc-phap-luat-quy-dinh-nhu-the-nao-post479178.html