Thái Nguyên - Điểm sáng tổ chức lễ hội xuân

Thái Nguyên - vùng đất giàu truyền thống văn hóa và lịch sử - mỗi độ Tết đến, Xuân về lại khoác lên mình sắc màu rực rỡ của những lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc. Năm nay, Thái Nguyên tiếp tục là điểm sáng trong tổ chức mùa lễ hội xuân với quy mô lớn, nội dung phong phú và công tác tổ chức bài bản, chuyên nghiệp, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.

Nghi lễ dâng hương lên Đức Thánh Đuổm tại Lễ hội đền Đuổm. Ảnh: TL

Nghi lễ dâng hương lên Đức Thánh Đuổm tại Lễ hội đền Đuổm. Ảnh: TL

Từ đầu tháng Giêng, khắp các huyện, thành của tỉnh Thái Nguyên đã sôi động với hàng trăm lễ hội lớn nhỏ. Nổi bật trong đó là Lễ hội Lồng tồng của đồng bào dân tộc Tày ở Định Hóa; Lễ hội Đền Đuổm ở Phú Lương - nơi tôn vinh vị tướng tài ba Dương Tự Minh và Lễ hội Đình - đền - chùa Cầu Muối tại Phú Bình. Những lễ hội này không chỉ là dịp để người dân cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu mà còn là không gian giao lưu văn hóa đặc sắc, lưu giữ những giá trị truyền thống quý báu.

Không khí lễ hội tràn ngập khắp nơi với những điệu múa sạp, múa lân rộn ràng, hòa cùng sắc màu rực rỡ của cờ hội, trang phục truyền thống. Đặc biệt, các trò chơi dân gian như ném còn, kéo co, bịt mắt bắt dê… thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia, tạo nên không khí vui tươi, náo nhiệt.

Đông đảo nhân dân và du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái tại cụm di tích Đình - đền - chùa Cầu Muối. Ảnh: TL

Đông đảo nhân dân và du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái tại cụm di tích Đình - đền - chùa Cầu Muối. Ảnh: TL

Điểm nổi bật trong mùa lễ hội xuân năm nay của Thái Nguyên là sự chuẩn bị chu đáo, bài bản từ khâu tổ chức, đặc biệt là công tác đảm bảo an ninh, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy đến công tác vệ sinh môi trường. Các địa phương đã thành lập ban tổ chức lễ hội, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân và du khách trong việc giữ gìn trật tự, vệ sinh nơi công cộng.

Ông Nguyễn Văn Bản, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Phú Bình, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội Đình - đền - chùa Cầu Muối: "UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tập trung cao độ, triển khai thực hiện tốt công tác chuẩn bị để mùa lễ hội diễn ra an toàn, vui tươi. Chúng tôi muốn tạo điều kiện tốt nhất để nhân dân và du khách thập phương đến tham quan, trải nghiệm địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của huyện Phú Bình; đồng thời tìm hiểu giá trị lịch sử văn hóa đặc sắc của cụm di tích Cầu Muối và các di tích khác trên địa bàn huyện".

Đặc biệt trong mùa lễ hội năm nay, theo ghi nhận của chúng tôi, không xảy ra tình trạng cờ bạc hay trò chơi dân gian biến tướng. Đại tá Đào Thế Hưng, Phó Giám đốc công an tỉnh Thái Nguyên, cho biết: "Để đảm bảo tốt công tác an ninh, trật tự tại các lễ hội, chúng tôi đã phối hợp đồng bộ với các địa phương, các cấp, ngành từ công tác tuyên truyền đến quản lý con người để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh. Đặc biệt tại các lễ hội năm nay, lực lượng chức năng tập trung chú ý đến các đối tượng tội phạm về cờ bạc biến tướng và mê tín dị đoan nhằm đảm bảo cho nhân dân và du khách có một mùa lễ hội an toàn".

Hát Then, đàn Tính của đồng bào dân tộc Tày được trình diễn trong không gian Lễ hội Lồng tồng ATK Định Hóa. Ảnh: TL

Hát Then, đàn Tính của đồng bào dân tộc Tày được trình diễn trong không gian Lễ hội Lồng tồng ATK Định Hóa. Ảnh: TL

Mùa lễ hội xuân không chỉ là dịp để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống mà còn là cơ hội để Thái Nguyên thúc đẩy phát triển du lịch, góp phần vào tăng trưởng kinh tế địa phương. Trong dịp Tết này, Thái Nguyên đã đón tổng cộng 286.000 lượt du khách, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2024; doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 100,1 tỷ đồng, tăng 66,8%. Các điểm du lịch nổi tiếng như Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa hay vùng chè Tân Cương ghi nhận lượng khách tăng đột biến trong dịp này.

Chị Hà Thị Hải Yến, một du khách đến từ Bắc Giang, chia sẻ: Tôi rất ấn tượng với không khí lễ hội ở Thái Nguyên. Mọi thứ đều được tổ chức rất chu đáo, từ các hoạt động văn hóa nghệ thuật đến dịch vụ du lịch. Đặc biệt, con người Thái Nguyên rất thân thiện, mến khách...

Các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm địa phương cũng được lồng ghép khéo léo trong khuôn khổ các lễ hội. Những gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP, đặc sản chè Thái Nguyên, hàng thủ công mỹ nghệ… không chỉ giới thiệu đến du khách nét đẹp văn hóa vùng, miền mà còn tạo cơ hội thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương.

Với sự chuẩn bị chu đáo, tổ chức bài bản và những nét văn hóa đặc sắc, Thái Nguyên đã trở thành điểm sáng trong mùa lễ hội xuân năm nay. Không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị truyền thống, các lễ hội xuân còn là cầu nối để Thái Nguyên quảng bá hình ảnh, thu hút du khách và thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội địa phương.

Lê Đạt

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202502/thai-nguyen-diem-sang-to-chuc-le-hoi-xuan-3841455/