Thái Lan đối mặt với nỗi lo 'chưa giàu đã già'

Thái Lan có thể được xem nền kinh tế phát triển đầu tiên trên thế giới đối diện với mối đe dọa 'chưa giàu đã già' khi tỷ lệ sinh của nước này sụt giảm mạnh trong lúc thu nhập của người dân vẫn còn thấp.

Dữ liệu của Liên Hợp Quốc công bố hồi tháng trước cho thấy tỷ lệ sinh ở Thái Lan đã giảm về mức ngang bằng với Thụy Sĩ và Phần Lan, hai đất nước cực giàu gần như không có điểm chung nào với Thái Lan.

Với tỷ lệ sinh thấp, đến năm 2030, sẽ có hơn 25% dân số Thái Lan ở độ tuổi trên 60 và hầu hết là những người nghèo. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IFM) cảnh báo lực lượng lao động suy giảm sẽ kìm hãm tốc độ tăng trưởng của Thái Lan đến mức 1 điểm phần trăm mỗi năm trong hai thập kỷ tới.

Tốc độ già hóa dân số nhanh chóng là một tình trạng mà cho đến nay thực sự chỉ tác động đến những nước giàu vì tỷ lệ sinh thấp thường xảy ra khi người dân có thu nhập cao. Trung Quốc là một trường hợp ngoại lệ đáng chú ý với xu hướng này vì chính sách mỗi gia đình chỉ có một con (đã được bãi bỏ vào năm 2015) đã dọn đường cho viễn cảnh dân số Trung Quốc suy giảm vào giữa thế kỷ này. Tuy nhiên, Thái Lan mới là nước có dân số lớn đầu tiên già hóa trước khi có cơ hội thịnh vượng.

“Đây rõ ràng sẽ là một thách thức đối với Thái Lan. Thái Lan đang bị kẹt ở lưng chừng. Đây là đất nước mới nổi nhưng đang đối mặt với các cản lực của nhân khẩu học mà bạn chứng kiến ở các nền kinh tế phát triển ”, Chua Hak Bin, nhà kinh tế ở bộ phận nghiên cứu của công ty chứng khoán Maybank Kim Eng ở Singapore, nói.

 Các cụ già chuẩn bị ăn sáng tại một cơ sở chăm sóc người già ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Reuters

Các cụ già chuẩn bị ăn sáng tại một cơ sở chăm sóc người già ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Reuters

Trong nhiều năm qua, các nhà kinh tế và các nhà hoạch định chính sách của chính phủ Thái Lan cho rằng tình trạng dân số phát triển quá mức mới là mối lo ngại chính của thế giới về nhân khẩu học, chứ không phải tình trạng suy giảm dân số. Tuy nhiên, quan điểm đó có thể sai.

Trong 50 năm qua, tỷ lệ sinh đều giảm ở hầu như ở mọi nước trên thế giới khi người dân di cư đến các vùng đô thị, nơi phụ nữ có được hưởng các điều kiện giáo dục và tránh thái tốt hơn. Sinh ít con hơn sẽ giúp nhiều gia đình đỡ vất vả nhưng điều này cũng dẫn đến những hậu quả cho nền kinh tế: số người tiêu dùng, người lao động và người dân nộp thuế sẽ ít hơn và số người chăm sóc người già cũng giảm.

Kể từ năm 2000, Thái Lan chứng kiến tốc độ đô thị hóa nhanh hơn bất kỳ nước lớn nào khác ngoại trừ Trung Quốc và đó là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ sinh của Thái Lan đang giảm. Tuy nhiên, các nỗ lực thu hẹp quy mô các gia đình ở Thái Lan bắt đầu được tiến hành từ thập niên 1970 khi một chương trình vận động xóa đói giảm nghèo được phát động khắp đất nước bởi nhà hoạt động Mechai Viravaidya, người có biệt danh là “Ông Bao cao su” (Mr. Condom).

Chỉ trong vòng hai thập kỷ từ sau cuộc vận động đó, tỷ lệ sinh của Thái Lan giảm từ 6,6 xuống còn 2,2, tức trung bình mỗi phụ nữ sinh 2,2 em bé.

Giờ đây, tỷ lệ sinh của Thái Lan rơi về mức 1,5 và nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Con số này thấp hơn tỷ lệ sinh 1,7 của Trung Quốc và dưới tỷ lê sinh 2,1 cần thiết để duy trì ổn định dân số.

Liên Hợp Quốc dự báo tỷ lệ sinh suy giảm nhanh sẽ khiến tổng dân số gần 70 triệu người hiện nay của Thái Lan suy giảm hơn 1/3 vào cuối thể kỷ này.

“Tôi không muốn có nhiều con cái nếu tôi không thể bảo đảm tôi có thể mang lại cho chúng một cuộc sống tốt”, Nandini Seghal, một quản lý khách hàng ở một công ty quảng cáo ở Bangkok, nói.

Shripad Tuljapurkar, chuyên gia nhân khẩu học ở Đại học Stanford (Mỹ) cảnh báo Thái Lan không còn nhiều thời gian để chấn chỉnh các vấn đề liên quan đến tỷ lệ sinh suy giảm. Ông cho rằng Thái Lan phải nhanh chóng tìm cách tăng năng suất lao động, nếu không lực lượng người lao động đang suy giảm sẽ không đủ sức hỗ trợ những người về hưu ở Thái Lan với số lượng phình to vào giữa thập niên 1930.

“Nếu Thái Lan bỏ lỡ cơ hội này, mọi thứ sẽ cực kỳ ảm đạm”, ông nói.

 Tổng dân số Thái Lan được dự báo suy giảm 34% vào cuối thể kỷ này, mức giảm mạnh thứ hai thế giới, chỉ sau Nhật Bản. Ảnh: Bloomberg

Tổng dân số Thái Lan được dự báo suy giảm 34% vào cuối thể kỷ này, mức giảm mạnh thứ hai thế giới, chỉ sau Nhật Bản. Ảnh: Bloomberg

Sau hai cuộc đảo chính quân sự kể từ năm 2006, các kế hoạch giải quyết các thách thức của tình trạng dân số già hóa không được thực hiện xuyên suốt. Chính phủ mới của Thái Lan đã được thành lập với một liên minh cồng kềnh 19 đảng, vì vậy, khó có khả năng xây dựng sự đồng thuận cao để giải quyết tình trạng dân số già hóa.

Một giải pháp tiềm năng cho vấn đề dân số già có thể đến từ chính sách cởi mở với người nước ngoài nhập cư của Thái Lan. Người nước ngoài đang chiếm khoảng 10% tổng lực lượng lao động của Thái Lan, trong đó, số lao động nước ngoài thường hiện diện cao ở các công ty lớn nhất.

“Người lao động nước ngoài sẵn sàng lấp khoảng trống trong lực lượng lao động của Thái Lan”, Pakpoom Srichamni, Chủ tịch Công ty kỹ thuật và xây dựng Trung Quốc-Thái Lan ở Bangkok, nói. Trong số 10.000 nhân sự của công ty này, có 30% là người nước ngoài.

Cho dù vậy, Thái Lan đang trở thành nước có mức tăng trưởng thụt lùi ở khu vực Đông Nam Á với mức tăng trưởng trung bình hàng năm kể từ thập niên 1990 giảm từ mức 5,3% về 4,3% rồi về mức khoảng 3,5% hiện nay.

Trong quí 1 năm nay, tăng trưởng của Thái Lan chỉ đạt 2,8%, mức yếu nhất trong hơn 4 năm qua. Với mức lạm phát dưới 1% và lãi suất dưới 2% cùng với đồng baht đang tăng giá nhanh, bức tranh kinh tế Thái Lan đang bắt đầu có những điểm giống với nền kinh tế với dân số già cỗi của Nhật Bản hơn là các nước đang phát triển như Indonesia hay Philippines.

Chi phí chăm sóc sức khỏe tăng cao hơn cũng là một thách thức đối với một nước có mức thu nhập đầu người 6.362 đô la/năm như Thái Lan. Thụy Sĩ và Phần Lan có mức thu nhập bình quân đầu người lần lượt là 78.816 đô la và 48.580 đô la.

Chi phí cho hệ thống y tế công của Thái Lan tăng trung bình 12% mỗi năm trong 12 năm qua và đang nằm ở mức cao nhất của Đông Nam Á, theo Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan.

Ngoài ra, các quỹ lương hưu của Thái Lan đang đứng cuối bảng về tính bền vững trong số 54 nước trong một cuộc khảo được hãng bảo hiểm toàn cầu Allianz SE thực hiện. Các quỹ này có thể cạn kiệt trong vòng 15 năm tới nếu như Thái Lan không tiến hành một cuộc cải cách lớn về thuế, theo nhận định của Somchai Jitsuchon, một thành viên của Ủy ban Ngân hàng trung ương Thái Lan.

Theo Bloomberg

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/292068/thai-lan-doi-mat-voi-noi-lo-chua-giau-da-gia.html