Thách thức già hóa dân số

Là một trong những tỉnh có số người cao tuổi nhiều nhất cả nước, Hải Dương đã và đang triển khai những giải pháp để khắc phục tình trạng già hóa dân số.

Hiện mỗi tháng Khoa Lão khoa (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) tiếp nhận trung bình 160 bệnh nhân đến khám và điều trị, tăng khoảng 30% so với 3 năm trước

Hiện mỗi tháng Khoa Lão khoa (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) tiếp nhận trung bình 160 bệnh nhân đến khám và điều trị, tăng khoảng 30% so với 3 năm trước

Gánh nặng

Theo Liên hợp quốc, tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm từ 10-19,9% tổng dân số thì được gọi là già hóa dân số. Hải Dương hiện có hơn 346.000 từ 60 tuổi trở lên, chiếm khoảng 18% số dân. Như vậy, tỉnh ta đã ở trong lằn ranh của mốc già hóa dân số, đồng nghĩa với việc tỉnh đang và sẽ đối mặt với nhiều thách thức do già hóa dân số gây ra.

Tình trạng già hóa dân số gây nhiều áp lực lên đời sống kinh tế - xã hội. Về ngắn hạn, tình trạng này ảnh hưởng đến cơ cấu lực lượng lao động, từ đó tác động đến sự tăng trưởng, phát triển kinh tế. Về dài hạn, già hóa dân số tạo ra những tác động đa chiều, trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế đến an sinh xã hội và cả văn hóa.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Biên, Trưởng Khoa Lão khoa (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), hiện mỗi tháng khoa tiếp nhận trung bình 160 bệnh nhân đến khám và điều trị, so với cách đây 3 năm tỷ lệ này tăng khoảng 30%. Một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ người cao tuổi (NCT) có xu hướng ngày càng tăng. Điều này đặt ra không ít gánh nặng cho hệ thống y tế. Bệnh nhân tuổi càng cao sẽ càng xuất hiện nhiều loại bệnh không lây nhiễm như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường hoặc các loại bệnh sau tai biến như sa sút trí tuệ, rối loạn tâm lý, co giật… Thời gian gần đây, trung bình mỗi bệnh nhân cao tuổi điều trị tại khoa đều mắc từ 3-4 loại bệnh, thời gian điều trị trung bình dài hơn so với các khoa khác khoảng 2 ngày/người, chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cũng cao hơn so với nhóm tuổi khác.

Tình trạng già hóa dân số cũng ảnh hưởng nặng nề tới chất lượng sống của người dân. Đáng lo là có tới hơn 75% số NCT của tỉnh ta sống ở khu vực nông thôn. Đa phần họ làm nông nghiệp, không có lương hưu, trợ cấp hay tiền tích lũy, chủ yếu sống nhờ sự trợ giúp của con cháu. Điều này đặt ra gánh nặng đối với người trẻ, tạo nên áp lực kinh tế trong gia đình. Trường hợp con cháu gặp khó khăn trong công việc hoặc sức khỏe dễ dẫn đến chất lượng sống của NCT bị hạn chế, đồng thời tạo áp lực đối với an sinh xã hội.

Người cao tuổi xã Chí Minh (Tứ Kỳ) được quan tâm tư vấn và chăm sóc sức khỏe

Người cao tuổi xã Chí Minh (Tứ Kỳ) được quan tâm tư vấn và chăm sóc sức khỏe

Nhiều giải pháp tháo gỡ

Hải Dương đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm bớt áp lực của tình trạng già hóa dân số lên đời sống xã hội. Một trong số đó là quan tâm chăm sóc NCT thông qua mô hình “Tư vấn và chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng” do Chi cục Dân số - KHHGĐ triển khai từ năm 2013.

Xã Chí Minh có số NCT thuộc nhóm dẫn đầu của huyện Tứ Kỳ và cũng là địa phương điển hình trong thực hiện mô hình trên. Thông qua mô hình, NCT ở địa phương được quan tâm tư vấn, chăm sóc sức khỏe, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao bổ ích. Năm 2020, hơn 700 NCT trong tổng số 2.325 NCT toàn xã đã được khám bệnh, cấp thuốc miễn phí. Bà Đỗ Thị Hòa, 69 tuổi, ở thôn Quảng Xuyên cho biết: “Là thành viên Chi hội NCT của thôn, tôi được tham gia các sân chơi văn nghệ, thể thao sôi nổi. Tại các buổi sinh hoạt của tổ, họp mặt Hội NCT xã, chúng tôi được cán bộ làm công tác dân số - KHHGĐ của địa phương tuyên truyền tư vấn, chăm sóc sức khỏe, các chính sách dân số - KHHGĐ”.

Trong toàn tỉnh, mô hình “Tư vấn và chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng” tập trung hỗ trợ NCT từ 70 tuổi đến dưới 80 tuổi mua bảo hiểm y tế tự nguyện (mức hỗ trợ 75% giá trị thẻ). Tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện đều ưu tiên bố trí giường bệnh dành cho NCT, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thành lập Khoa Lão khoa để tiếp nhận điều trị cho NCT. Tuyến y tế cơ sở lập hồ sơ quản lý các bệnh mãn tính đối với NCT. Tỷ lệ NCT được khám sức khỏe định kỳ qua các năm 2018, 2019, 2020 đều tăng lần lượt là 64,7%, 68,2% và 73,4%.

Ngoài ra, tỉnh ta đã quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều chương trình, kế hoạch nhằm quan tâm chăm sóc sức khỏe, phát huy vai trò NCT. Nổi bật là Chương trình hành động quốc gia về NCT tỉnh Hải Dương giai đoạn 2013 - 2020, đã đạt được nhiều kết quả tích cực khi số NCT được khám sức khỏe định kỳ ngày càng tăng. Cuối năm 2020, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện "Chương trình chăm sóc sức khỏe NCT trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn năm 2030" với nhiều chỉ tiêu cao hơn chỉ tiêu chung cả nước. Cụ thể, tỉnh đề ra mục tiêu 100% cấp ủy đảng, chính quyền các cấp ban hành nghị quyết, kế hoạch, đầu tư ngân sách cho chăm sóc sức khỏe NCT vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030. NCT được khám sức khỏe định kỳ hằng năm và được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe đạt 100% vào năm 2025, duy trì đến năm 2030. NCT được phát hiện, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm đạt 80% vào năm 2025 và đạt 100% vào năm 2030…

Để thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch trên đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị nhằm tạo điều kiện chăm sóc sức khỏe NCT, giảm bớt áp lực từ tình trạng già hóa dân số gây ra cho đời sống xã hội.

VIỆT QUỲNH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/thach-thuc-gia-hoa-dan-so-172603