Tết về trong gian bếp

Bếp nghèo nên chật chội đơn sơ, ba chái thêm mấy miếng tôn cặp bên mái nhà dưới, xây thêm ba bức vách nữa giao má làm bếp. Má có tài vén khéo nên chẳng khó khăn gì để thiết kế nội thất cho bếp.

Chiếc kiềng nấu và mớ củi khô được xếp ngay ngắn, chiếc cũi gỗ đựng thức ăn và một cái giàn để úp xoong nồi chảo rổ. Hồi đó chưa có điện nên buổi chiều vào bếp cứ tối om om, đó là chưa nói tính tôi hậu đậu thượng thừa nên chuyện cầm cái chén bị bể ba hay khua đổ chai mắm hũ muối xảy ra thường xuyên. Chắc “nhờ” vậy mà má và chị ít cho vô bếp.

Chỉ khi mắc làm gì đó ngoài giếng mới sai tôi chạy vô canh lửa. Canh chỉ một lát nhưng khói mịt mù đến tắt bếp. Nên nhà có “bốn nàng tiên” - nhưng với gian bếp, tôi được xem như thành phần “vô phận sự miễn vào”. Nhưng ngày thường thì được, chứ tết thì đừng hòng nha. Vì từ khi biết mừng tết, trong tôi luôn mặc định: Tết vào mỗi nhà bằng đường… bếp.

Dấu hiệu đầu tiên của tết là hàng khoai từ sát biên rào được má thu hoạch và phân thành khúm nhỏ để trong bếp. Tôi có nhiệm vụ chuyển khoai từ gian bếp nhà mình sang bếp cô Bốn, thím Ba, thím Sáu kèm nụ cười tươi rói cùng câu nói “mẹ gửi cô/thím ăn tết cho vui”. Mỗi lần đem rổ khoai hay trái đu đủ sang nhà cô, thím, tôi chỉ ước được nghe “Đem bỏ vô bếp giùm cô/thím nghen con!”.

Thèm nghe “lệnh” đó để “quang minh chính đại” chui tọt vào gian bếp tết. Chỉ cần được mục sở thị (dù chỉ trong vòng một nốt nhạc) gian bếp thì cô bé tôi cũng đủ tinh tường để biết năm nay gia chủ đón tết đơn sơ hay hoành tráng.

À, xin cho phép được nói rõ sự này, không phải mỗi nhà tôi chuyển khoai từ bếp mình sang bếp cô, thím mà đằng nào cô, thím cũng sai con đem sang bếp nhà tôi ít gừng, mớ đậu ve, nải chuối chát non, quả bưởi… Nói chung “mắm trao qua, cà trao lại”. Ngày xưa xóm tôi có cái lệ đẹp ấy, những căn bếp tết là chiếc cầu kéo gần chòm xóm lại với nhau sau những ngày đầu tắt mặt tối.

Sau này, tôi nghĩ nhờ công việc “ship” khoai từ cuối năm mà tôi nắm được tình hình bếp núc và lãnh hội đủ đầy không khí nao nao của những ngày giáp tết. Thiệt là thích mê cái cảm giác cả xóm, dù giàu hay nghèo thì bếp nhà ai cũng có mùi tết.

Tết quê, quanh đi quẩn lại đều là những mùi thơm quen thuộc nhưng cá là đứa trẻ nào cũng trông đợi để được căng ngực hít đầy thứ hương thơm quyến rũ chỉ cuối năm mới được tỏa ra từ các gian bếp mà ngày thường chỉ đong đầy những sợi khói tím. Chao ôi là mùi tết.

Thơm phưng phức những chiếc bánh thuẫn bung nở tai hoa, xòe vun vê trong lửa. Thơm thoang thoảng mùi của rim dừa, ngọt lịm lìm lim miếng bí xăm đường và khó lòng làm ngơ trước mùi ngọt nồng, cay cay của chảo gừng ngào đường đang chín tới trong lửa đỏ.

Hồi đó nghèo mà tết rất vui, bếp núc bận rộn lắm. Đã không có tủ lạnh trữ đồ mà phải cúng kính đến hết mùng ba nên gian bếp nhỏ đến ngày ba mươi chật ních. Nào chén bát xoong nồi rau củ được bày biện thứ lớp, đến những thau, lu, chậu, hũ đều được lấy ra để đựng nước.

Vì lệ sau giao thừa cho đến hết mùng một không được động gàu xuống giếng (tết giếng) nên phải trữ nước cho nguyên ngày đầu năm. Tôi có sở thích chiều ba mươi thường nhiều lần đứng bên mép cửa để ngắm nghía gian bếp nhỏ. Có cảm giác như cả mùa xuân được gom hết vào gian bếp của má.

Nhớ một chiều ba mươi xa lắc, khi má sai đem đòn bánh tét xuống cho nội Hai neo đơn cuối xóm. Lúc đem xuống bếp, tôi sững sờ khi thấy chiều ba mươi mà lửa củi lạnh ngắt. Nội nằm trên chõng tre, ho lụ khụ. Tôi co cẳng chạy thẳng về nhà méc má chuyện nội Hai tới tết mà đổ bệnh. Má không nói gì, đi liền xuống bếp, nhón mỗi thứ một ít rồi te te ra ngõ, tôi lật đật theo chân.

Má không lại giường hỏi thăm mà đi thẳng xuống bếp. Tôi ngồi nín thở xem má bằm thịt nấu cháo, nghe tiếng nội Hai thở đều trên chõng. Nhà nội gần mấy đám ruộng, bếp nằm ngay trổ gió nên mấy miếng nhựa che quanh bếp cứ bay phần phật. Chiều xuân gió lành lạnh nhưng sao tôi vẫn thấy ấm áp khi má cẩn trọng bưng tô cháo nghi ngút khói lên bàn, đỡ nội dậy ăn rồi uống thuốc cho mau hết bệnh để đón tết…

*

Đã hơn bốn mươi mùa được tha hồ ngửi mùi tết mà chiều ba mươi, con gái về má, vẫn chưa bỏ được cái tật xộc ào xuống bếp. Bếp vẫn nhỏ như tết xưa nhưng đã có bếp gas và tủ lạnh nên không còn lỉnh kỉnh kiềng củi rổ rá và rau củ bày sắp lớp nữa. Nhưng vẫn còn đó bên góc bếp, âu lửa đỏ cùng chiếc chảo đựng đầy gừng ngào đường đang chín tới.

Má hỏi: Cha con nó (chồng và con trai tôi) có ăn cay được thì lát má gói cho một ít? Còn con, giờ ăn cay được chưa chứ hồi nhỏ cứ chực chui vào bếp lén lấy rim gừng mút sạch đường rồi nhả. Tôi cười hi hi, muốn ôm má một cái, té ra bí mật động trời ấy bị má biết tỏng. Cầm bì rim gừng thơm cay má đưa, tôi bỗng thấy mình nhỏ bé như những cái tết cứ chực rề rà bên góc bếp...

NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/313125/tet-ve-trong-gian-bep.html