Tết nhớ thời bao cấp

Trước khi nghỉ Tết, tôi đến thăm bố - một kĩ sư đã về hưu. Ông là một người thích kể chuyện về quá khứ. Và lần nào cũng vậy, cứ mỗi chiều cuối năm là ông lại trầm ngâm hoài cổ về những cái Tết thời bao cấp.

Dù bận rộn nhưng mọi người đều dành thời gian được ở bên nhau. Ảnh: Thành Đạt

Hôm nay cao hứng, ông gọi tôi ngồi thưởng trà, tâm sự. Đang ngồi “hàn huyên”, tôi bỗng nghe tiếng trẻ con reo hò ngoài cổng, chúng sung sướng vì chuẩn bị được theo bố mẹ về quê đón Tết. Nhìn qua song sắt cửa, thấy một gia đình trẻ tay xách túi đồ, tay dắt con nhỏ, bố tôi mỉm cười hồn hậu, gọi với ra: “Nhà Thúy về quê ăn Tết à?”. Cặp vợ chồng trẻ cười rạng rỡ: “Vâng ạ, về cho cháu Mít khoe bộ áo dài mới với ông bà ạ!”. Nhìn xuống cô bé chừng 4 tuổi mặc chiếc áo dài màu đỏ đang nhảy chân sáo, hát líu lô, bố tôi cảm thán: “Tết thời nào cũng vậy, trẻ con là vui nhất”.

Ông kể, thời còn nhỏ, ông rất thích Tết, nhưng ông bà nội lại “sợ” Tết, sợ cảnh chen chúc xếp hàng đổi tem phiếu lấy đồ. Bố tôi lúc nào cũng háo hức vì được bà nội sắm cho bộ quần áo mới. Vào thời trước, quần áo chỉ mua ở cửa hàng Mậu dịch. Con trai mặc áo trắng, quần xanh, con gái áo vải hoa, chấm hoa cũng bé xíu, xinh xinh. Nhưng trẻ con mà, cứ có áo mới là vui lắm, chạy đi khoe khắp làng trên, xóm dưới với bạn bè. Đứa nào áo chỉ có thêm một bông hoa to hơn, hay một màu sắc mới là cả lũ ghen tị, ngắm mãi không thôi.

Rồi ông vừa uống nước, vừa nhìn vào một túi đồ to đang để trước hiên nhà, gọi cô Mai giúp việc đang lúi húi tưới mấy bụi cây ở gần đó: “Đây là vài bộ quần áo mới, ít bánh kẹo, cô Mai về quê ăn Tết nhớ cầm cho các cháu nhé”. Nhà cô Mai ở một vùng quê tại Nghệ An, cô làm giúp việc theo giờ cho bố mẹ tôi hơn 5 năm nay. Quê của cô còn nhiều khó khăn, gần cuối năm, cô tất bật lắm, có hôm phải đến giúp việc bốn, năm nhà liên tục. Gần ngày 29 Tết, vào buổi sáng cô mới chạy đi mua ít quần áo, phong bao lì xì để kịp chuyến tàu về quê ăn Tết. Có năm, khi cô đến nơi thì người bán hàng đóng cửa, khiến cô bật khóc vì thương mấy đứa con ở nhà. Bố mẹ tôi tình cờ biết được. Vậy là từ đó, năm nào, mẹ tôi cũng chuẩn bị cho cô một thùng đồ gồm áo quần, vài gói bánh kẹo, mấy quyển lịch treo tường mang về làm quà Tết. Ngày mai, giờ này, chắc hẳn cô đang chuẩn bị lên tàu về quê đoàn tụ với gia đình. Nhìn thùng quà nho nhỏ, khuôn mặt cô sáng bừng một niềm vui khôn tả.

* * *

Tết đến, nhà tôi lúc nào cũng có mấy chiếc bánh chưng do bố làm. Anh em chúng tôi thường khuyên ông nghỉ ngơi, thư giãn ngày Tết, nhưng ông không chịu. Chỉ đến hôm nay, nghe ông tâm sự, tôi mới hiểu bánh chưng đối với ông giống như một món quà nhỏ đem biếu những người thân yêu. Thời bao cấp, bố ở khu tập thể trường Đảng (Hà Nội), ở đó đa phần là cán bộ nhà nước và giảng viên. Tết đến, mọi người rủ nhau cùng đặt bánh chưng ở bếp tập thể. Tới nhà nhau, cầm chiếc bánh chưng, mở đầu bằng câu chúc năm mới, như vậy là cả chủ và khách đều ấm áp.

Có cành đào là thấy Tết đã về. Ảnh: Khang Chu Long

Năm nay, ông gói thêm vài chiếc bánh cho một anh xe ôm công nghệ mà ông thường đi. Đang nói chuyện thì tiếng chuông cửa nhà tôi vang lên, bố vội vàng đi ra, tôi cũng theo chân ông. Anh lái xe Grap mặc áo xanh nhoẻn miệng cười. Tóc tai anh bết bát mồ hôi, chắc hẳn anh đang vội giao những chuyến hàng cuối cùng trong năm. “Cháu giao chậu cây cho chú xong là nghỉ Tết thôi ạ”- anh vui vẻ. Bố tôi mỉm cười, bảo anh đứng đợi, rồi chạy vào lấy mấy chiếc bánh chưng đem ra đưa cho anh: “Cháu cầm lấy, mang về ăn Tết nhé. Năm ngoái, 28 Tết mới thấy cháu đi tìm mua bánh, chú thương quá… ”. Anh Grap nhận bánh, nói rằng ở quê anh mọi người cũng thường tặng nhau những chiếc bánh chưng vào dịp Tết. Nhưng từ ngày anh lên Hà Nội làm việc, đã không còn nhận được “món quà” như vậy nữa.

Anh xe ôm công nghệ đi rồi, bố tôi trầm ngâm: Tết thời nào thì ai cũng phải lo toan nhiều thứ. Thời bao cấp, gần đến Tết, ông bà nội của tôi mới có tiêu chuẩn được một túi bột mì to để dành làm bánh quy, chỉ cần độ vài quả trứng gà, thêm đường kính… Sau đó, mỗi nhà sẽ dùng khuôn tự chế hình trái tim, hình tam giác để tạo hình cho bánh. Nhà nhà đứng chật kín ở khu bếp của khu tập thể chờ đến phiên gia đình mình nướng bánh. Lò nướng toàn dùng than củi, nên bánh chỗ đen, chỗ trắng. Nhưng được ăn bánh thì đám trẻ con vui lắm. Cả lũ trẻ cứ đứng xung quanh căn bếp đợi người lớn mang bánh ra. “Mấy đứa trẻ con không kìm được, còn bốc trộm vài miếng bánh cắn vội, cắn vàng, dù chỉ toàn vị bột mì, nhưng ngon không gì sánh bằng”- bố tôi bật cười nhớ lại.

Tết thời xưa, vui ở chỗ nhà nhà, người cùng tụ họp với nhau. Bố kể rằng, khi ông làm kỹ sư trên sông Đà (Hòa Bình), cứ mỗi bận Tết về, người nào người nấy đều dành dụm những hộp sữa đặc có đường được “bồi dưỡng” mỗi ngày để đem về làm quà cho bố mẹ, anh em. Nghỉ Tết thì muộn, nhưng dù trời tối mịt, mấy anh em kỹ sư cũng cố gắng sắp xếp đồ đạc về nhà sớm nhất.

Trong không khí những ngày cuối năm hối hả, tôi chợt nhận ra mối liên kết giữa con người luôn bền chặt với nhau. Dù ở thế hệ, thời đại nào đi chăng nữa, ngày Tết vẫn là giây phút con người ta vội vàng quay về để đoàn tụ với gia đình, vội vàng dành cho nhau một chút yêu thương để sưởi ấm trái tim giữa cuộc đời bao la, rộng lớn này…

Anh Nhi

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tet-nho-thoi-bao-cap-post503355.html