Tây Giang và bài toán phát triển kinh tế du lịch dựa vào cộng đồng
Huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam có nhiều tiềm năng để thu hút các dự án nhằm phát triển kinh tế du lịch dựa vào cộng đồng và thiên nhiên. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này cần giải quyết đồng bộ nhiều bài toán.
Du lịch dựa vào cộng đồng, thiên nhiên
Tây Giang có khả năng để trở thành điểm đến mới, thu hút các dự án đầu tư phục vụ du lịch cộng đồng và thiên nhiên hậu Covid-19. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua cũng khuyến khích các doanh nghiệp “hướng lên miền núi”, trong đó có Tây Giang. Huyện miền núi này cũng sẽ là “chìa khóa” giúp tỉnh miền Trung này vừa giảm áp lực du khách lên phố cổ Hội An và tạo ra sản phẩm du lịch mới hướng đến thiên nhiên khi ngành du lịch được phục hồi.
Những thông tin này được một số doanh nhân cũng như lãnh đạo huyện chia sẻ trong suốt hành trình khảo sát huyện Tây Giang cuối tuần vừa qua do Hiệp hội Du lịch Quảng Nam tổ chức.
Theo ông Lê Hoàng Linh, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang, huyện đẩy mạnh các nguồn lực theo hướng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực phát triển dược liệu và trồng rừng gỗ lớn, đồng thời đưa vào khai thác hiệu quả cây cao su. Cùng với đó, việc xây dựng đề án phát triển cây ăn quả, kích thích phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng được xác định sẽ tạo được “cú hích” mang tính đột phá, bền vững cho phát triển kinh tế địa phương.
“Tuy nhiên, là huyện miền núi cao, muốn làm được điều đó, Tây Giang rất cần sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự hỗ trợ của các sở, ban ngành, nhất là kêu gọi thu hút doanh nghiệp vào địa bàn để tạo sự liên kết phát triển sinh kế cho người dân theo chuỗi giá trị cao và bền vững,” ông Linh nói và chia sẻ thêm riêng về mặt du lịch, phát triển sẽ kéo theo hai mặt vừa tích cực và tiêu cực nếu không được quản lý, khai thác đúng hướng.
Ông mong muốn các doanh nghiệp khi đầu tư luôn lấy lợi ích của cộng đồng làng, của dân tộc vì sự tiến bộ và phát triển bền vững lên hàng đầu, quyết tâm giữ môi trường sống trong lành, bảo tồn và phát huy tốt các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Cơtu, nói không với rác thải nilon, chai nhựa, ảnh hưởng đến môi trường, nói không với săn, bắt động vật hoang dã, làm nương, rẫy ảnh hưởng đến rừng già, nhất là rừng đầu nguồn, rừng nguyên sinh.
Ông Linh cũng thừa nhận trong những năm qua, tuy đã có những chế chính sách thu hút đầu tư, du lịch, nhưng huyện miền núi này chưa thể có những dự án lớn, kết nối và các đoàn du lịch theo tour trong một năm rất ít.
Chia sẻ về điều này, ông Lê Ngọc Thuận, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam và cũng là doanh nhân chuyên đầu tư du lịch dựa vào cộng đồng, cho biết Tây Giang hiện nay có đủ cơ sở để phát triển mô hình này.
Ông Thuận gợi ý chính quyền huyện Tây Giang có thể ưu tiên kêu gọi các doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam để có thể thuận tiện trong việc xúc tiến mô hình này. Ông cũng tin rằng các doanh nghiệp có cùng chí hướng phát triển sinh thái có thể hợp tác đầu tư tại Tây Giang. “Doanh nghiệp A đầu tư lưu trú, doanh nghiệp B đầu tư ẩm thực và dịch vụ cộng đồng, doanh nghiệp C đầu tư các tour khám phá thiên nhiên”, ông đưa ra ví dụ. “Những mô hình này sẽ góp phần vừa nâng cao ý thức của người đi du lịch trong việc bảo vệ thiên nhiên vừa nâng cao sinh kế và ý thức giữ gìn của người dân.
Trong khi đó, đang điều hành một doanh nghiệp du lịch chuyên các tour đặc thù, trải nghiệm, ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty Indochina Unique Tourist, cũng xem chuyến khảo sát này là cơ hội để tạo ra các sản phẩm mới để chào bán. Bản thân ông Thủy cũng nghiên cứu để có thể đầu tư phát triển du lịch tại một làng sinh thái lấy ruộng lúa và dòng suối chạy quanh chưa được khai thác tại huyện Tây Giang
“Tây Giang có một lợi thế lớn về du lịch sinh thái, trải nghiệm. Khi huyện miền núi này giải quyết được vấn đề cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực du lịch thì sẽ nắm bắt được các cơ hội lớn hậu Covid-19”, ông nói và chia sẻ thêm sau chuyến đi ông sẽ bắt đầu xây dựng các sản phẩm trải nghiệm đầu tiên. Với tư cách là Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, ông cũng khuyến khích các doanh nghiệp thành viên tham gia đầu tư.
Cho du khách trải nghiệm sản phẩm OCOP
Trong một tour hai ngày một đêm mà ông Thủy đang xây dựng, bên cạnh trải nghiệm thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa địa phương, du khách cũng được tạo cơ hội tìm hiểu và mua các sản phẩm của địa phương. Đây cũng là cách để phát triển sinh kế của người dân địa phương.
Theo chia sẻ từ các nhà lãnh đạo huyện Tây Giang, những năm qua, bên cạnh tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tiễn và lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ phát triển một số loại cây dược liệu có kinh tế cao, Tây Giang còn tính toán đưa một số sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, có sức cạnh tranh thị trường thành chuỗi sản phẩm mang thương hiệu địa phương.
Đến nay, Tây Giang đã hình thành năm sản phẩm từ dược liệu tham gia OCOP (One Community One Product - mỗi địa phương một sản phẩm) đạt chuẩn, bao gồm cao đảng sâm, cao ba kích, trà túi lọc đảng sâm, măng điền trúc sấy khô, rượu sâm dược liệu. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu vừa tạo đầu ra cho sản phẩm, vừa nâng cao thu nhập cho đồng bào địa phương, hướng đến việc hình thành và phát triển khu dược liệu tập trung quy mô lớn ở miền núi.
Để giải pháp được triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, cùng với tập trung xây dựng hệ thống chợ nông thôn, cơ sở kinh doanh dịch vụ, buôn bán, từng bước đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân, Tây Giang đã xây dựng và hình thành các hợp tác xã nông nghiệp, thương mại và dịch vụ, góp phần phát triển theo định hướng của huyện.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến các sản phẩm OCOP này nói riêng cũng như cơ sở hạ tầng du lịch nói chung tại đây. Theo thống kê, huyện Tây Giang có hơn 30 doanh nghiệp đang hoạt động tư vấn, thi công các công trình xây dựng cơ bản và các nhà đầu tư nhỏ, lẻ ttrong ngành lâm, nông nghiệp. Một trong những khó khăn là giao thông, địa hình cách trở, thời tiết không thuận lợi.
Sau đợt khảo sát, doanh nhân Lê Ngọc Thuận cũng đồng ý rằng các sản phẩm địa phương tại Tây Giang rất đặc biệt và có nhiều tiềm năng để phát triển. Ông sẽ nghiên cứu để có thể giới thiệu các sản phẩm này tại các dự án của mình tại thành phố Hội An cũng như áp dụng mô hình “buôn có bán bán phường” mà ông đang áp dụng. Đó là tập hợp những doanh nghiệp có sản phẩm riêng của mình, đem sản phẩm đến một không gian chung để giới thiệu và bán. Bên cạnh đó, sẽ có những hoạt động văn hóa địa phương để du khách trải nghiệm.
Ông Bh’riu Liếc, cựu Bí thư Huyện ủy Tây Giang, chia sẻ bằng việc chọn đúng hướng đi theo từng bước, Tây Giang đang từng bước mở rộng và phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa làng Cơ Tu, đảm bảo vừa phát triển kinh tế, du lịch vừa giữ giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào địa phương.
Ông cũng cho hay Tây Giang xác định ngành du lịch còn mới mẻ, chưa có kinh nghiệm thực tiễn nên các bước đi trong đầu tư, kêu gọi thu hút du khách đến với Tây Giang phải từng bước, kiên trì, thận trọng, triển khai với cơ chế, chính sách rõ ràng.
Ông Liếc tin rằng với chính sách “hướng miền núi” của tỉnh hiện nay, cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng và đường xá đang được thực hiện, việc thu hút kinh tế du lịch tại huyện miền núi sẽ tốt hơn trong tương lai.
Điểm du lịch sinh thái cộng đồng Ta Lang, xã Bha lêê, huyện Tây Giang (Quảng Nam) được Viện phát triển châu Á, Dự án Trường Sơn xanh, Hội du lịch cộng đồng Việt Nam chọn làm thí điểm để xây dụng mô hình du lịch sinh thái, cộng đồng đầu tiên ở tỉnh Quảng Nam.
Nhân Tâm