Tập trung xây dựng vùng xoài VietGAP ở Đắk Gằn

Nhiều năm nay, xã Đắk Gằn (Đắk Mil) là vùng trồng xoài nổi tiếng. Để cây xoài trở thành cây chủ lực, phát triển bền vững của địa phương, Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông đã đồng hành cùng nông dân xã Đắk Gằn xây dựng vùng trồng xoài VietGAP với quy mô lớn.

Hướng tới thương hiệu VietGAP

Đắk Gằn vốn là vùng đất sỏi đá, bạc màu. Trước đây, trên mảnh đất cằn cỗi này, nông dân chỉ trồng cây ngắn ngày như sắn, ngô, đậu… nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Cách đây hơn 10 năm, một số nông dân đã thử trồng xoài và bước đầu thành công. Từ đó đến nay, diện tích cây xoài không ngừng tăng lên. Hiện nay, diện tích cây xoài ở Đắk Gằn ước khoảng 500 ha. Đa số hộ nông dân của xã có diện tích trồng xoài từ 1-2 ha, một số hộ có trên 10 ha.

 Người dân xã Đắk Gằn đã thay đổi tư duy và chọn trồng xoài VietGAP

Người dân xã Đắk Gằn đã thay đổi tư duy và chọn trồng xoài VietGAP

Thời gian qua, một số hộ trồng xoài đã áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nhưng quy mô nhỏ lẻ, chưa mang lại hiệu quả cao. Trước tiềm năng, lợi thế của địa phương, tháng 8/2019, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai xây dựng vùng sản xuất xoài bền vững đạt chứng nhận VietGAP trên địa bàn xã Đắk Gằn và vùng lân cận. Bà Nguyễn Thị Sâm, Trưởng Ban Kinh tế - Xã hội, Hội Nông dân tỉnh cho biết, đơn vị đã khảo sát 400 ha xoài ở Đắk Gằn để triển khai thực hiện tiêu chuẩn VietGAP.

Tính đến tháng 12/2019, đã có 283,5 ha xoài của 196 hộ dân ở Đắk Gằn được cấp chứng nhận VietGAP. Hiện nay, Hội Nông dân tỉnh đang hướng dẫn Hội Nông dân xã Đắk Gằn thành lập Hội Sản xuất xoài VietGAP Đắk Gằn. Việc thành lập Hội sản xuất xoài VietGAP Đắk Gằn nhằm hình thành vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa nông sản rộng lớn, có chứng nhận VietGAP, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Hoàng Văn Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk Gằn cho biết: “Trước khi được cấp giấy chứng nhận sản xuất xoài theo tiêu chuẩn VietGAP thì Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho nông dân về quy trình trồng xoài. Ban đầu, một số hộ không mặn mà vì chưa hiểu vấn đề nhưng khi được tuyên truyền về lợi ích lâu dài, hầu hết bà con đã tự nguyện tham gia sản xuất xoài VietGAP”.

Nông dân chung sức hưởng ứng

Gia đình anh Đào Văn Vương, thôn Tân Lợi, xã Đắk Gằn, trồng 8 sào xoài và hiện có hơn 300 cây. Mỗi năm, gia đình anh thu về khoảng 30 tấn quả, trị giá tầm 300 triệu đồng, trừ chi phí thu về khoảng 200 triệu đồng. Cách đây khoảng 5 năm anh đã tham gia trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo anh Vương, trồng xoài VietGAP năng suất giảm, nhưng khi bán lại lợi thế hơn như giá cao hơn, dễ bán hơn nhiều do sản phẩm sạch.

Anh Vương cũng chia sẻ: Vài năm nữa khi các đối tác cần số lượng lớn xoài VietGAP thì mình đáp ứng cả về tiêu chuẩn và số lượng. Năm 2017, chúng tôi có đưa sản phẩm của xoài Đắk Gằn ra Hà Nội giới thiệu tại một siêu thị và được họ đánh giá cao, đạt tiêu chuẩn tốt về độ sạch, chất lượng, mẫu mã. Họ chấp nhận mua hàng, nhưng lại yêu cầu chúng tôi phải dán tem, mác theo tên của họ để xuất bán đi nơi khác. Chúng tôi thấy rằng nếu chấp nhận như yêu cầu đó thì người trồng xoài sạch của Đắk Gằn bị thiệt thòi và bị lệ thuộc. Chúng tôi làm ra sản phẩm sạch nhưng để cho người khác lấy “tên”, lấy “họ” của xoài Đắk Gằn là không được. Do đó, chúng tôi đã quyết tâm trồng xoài VietGAP, tự tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình.

Anh Đàm Văn Tiến, bản Cao Lạng, xã Đắk Gằn cũng cho biết: Tôi cũng trồng xoài hơn chục năm nay và đi giao thương nhiều nơi, được tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại. Đi đến đâu tôi cũng thấy các đối tác đều đòi hỏi về chất lượng xoài phải được chứng nhận, nên tôi tình nguyện tham gia VietGAP để phát triển xoài bền vững. Nhu cầu người tiêu dùng là sản phẩm phải an toàn, bảo đảm chất lượng. Tôi tin rằng nếu nông dân cứ sản xuất thông thường, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu vô tội vạ thì sản phẩm không bán được. Vì vậy, việc sản xuất xoài theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ chiếm ưu thế. Nếu các cấp quan tâm liên kết, kết nối thương mại và bà con chúng tôi nhiệt tình thì việc sản xuất vùng nguyên liệu xoài VietGAP của Đắk Gằn sẽ thành công.

Ông Trần Văn Khuông, thôn Tân Lập, xã Đắk Gằn hiện có 12 ha xoài. Ông Khuông là một trong những hộ trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP đầu tiên của địa phương. Ông chia sẻ: “Trong thời gian qua, xoài Đắk Gằn đã đến được những vùng nổi tiếng đặc sản trái cây như miền Tây và các tỉnh, thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai… Chúng tôi tin tưởng rằng, sản phẩm xoài VietGAP Đắk Gằn sẽ được phổ biến rộng rãi ra thị trường trong nước và xuất khẩu để nâng cao hiệu quả kinh tế”.

Về hướng phát triển vùng xoài VietGAP Đắk Gằn, ông Hoàng Văn Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk Gằn cho biết: “Khi Hội xoài VietGAP Đắk Gằn được thành lập và hoạt động sẽ là đầu mối thu gom, bao tiêu sản phẩm, liên kết về cả đầu vào và đầu ra. Các cấp hội sẽ liên kết với các công ty sản xuất vật tư nông nghiệp uy tín để hội viên mua với giá rẻ hơn. Về phía địa phương cũng xác định, trong thời gian tới, sẽ hướng tới việc đa dạng sản phẩm xoài VietGAP và phát triển bền vững”.

Bài, ảnh: Thanh Nga

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/kinh-te/tap-trung-xay-dung-vung-xoai-vietgap-o-dak-gan-79496.html