Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, từ nay đến cuối năm, các sở, ngành, địa phương kịp thời thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái phát biểu kết luận phiên họp thường kỳ tháng 6

Chiều 18.6, đồng chí Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 6 để nghe và cho ý kiến về một số nội dung do các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo báo cáo.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái cơ bản đồng tình với nội dung báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020 do Sở Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị. Theo báo cáo, do tác động của dịch Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP theo giá năm 2010) chỉ đạt 2,86%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch (tăng từ 8,5% trở lên). Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 7.260 tỷ đồng, bằng 40,1% dự toán, giảm 26,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu nội địa đạt 6.118 tỷ đồng, bằng 44,8% kế hoạch, giảm 19,3%. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài chỉ đạt 201,7 triệu USD, giảm 49,4%. Số doanh nghiệp thành lập mới cũng giảm 11,4% trong khi số doanh nghiệp đăng ký giải thể tăng 21,3%

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, bên cạnh những khó khăn, kinh tế - xã hội của tỉnh cũng có nhiều điểm sáng. Các hoạt động kinh tế - xã hội đã trở lại bình thường sau thời gian tập trung chống dịch Covid-19. Các doanh nghiệp vừa tập trung khắc phục khó khăn vừa đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Đời sống nhân dân cơ bản ổn định. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Quốc phòng được giữ vững.

Về nguyên nhân dẫn tới những khó khăn, yếu kém, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ, do tác động tiêu cực từ dịch Covid-19; một số văn bản hướng dẫn thi hành các luật mới chậm được ban hành; nhiều quy định của pháp luật chưa đồng bộ; hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương chưa cụ thể nên việc triển khai công việc của các cấp, ngành còn lúng túng. Về nguyên nhân chủ quan, một số sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố còn chậm xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp được giao theo các kế hoạch của UBND tỉnh. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa chủ động, kịp thời. Sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong giải quyết các thủ tục hành chính hiệu quả chưa cao.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, từ nay đến cuối năm, các sở, ngành, địa phương kịp thời thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là những ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn do dịch Covid-19. Tăng cường các biện pháp quản lý, khai thác các nguồn thu, phấn đấu thu ở các lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn có khả năng tăng thu. Điều hành ngân sách một cách linh hoạt, chủ động, cân đối ngân sách bảo đảm chi các khoản thiết yếu. Tiếp tục thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp...

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái đề nghị thủ trưởng các ngành, địa phương tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến vào báo cáo, gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư chậm nhất trong chiều 19.6 để cơ quan soạn thảo tổng hợp, hoàn thiện báo cáo trình HĐND tỉnh trong kỳ họp tới. Nội dung báo cáo cần viết lại cho gọn, có những nội dung nên chuyển thành bảng, biểu cho dễ theo dõi. Cơ quan soạn thảo cần phân tích tình hình phát triển kinh tế - xã hội theo từng quý để làm rõ sự khác biệt do tác động của dịch Covid-19, đồng thời đưa ra các dự báo và xây dựng kế hoạch triển khai các giải pháp hiệu quả thúc đẩy kinh tế phát triển.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý với tờ trình về điều chỉnh, bổ sung mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng một số loại phí trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mức thu phí tham quan di tích Kiếp Bạc, cụm di tích, danh lam thắng cảnh Côn Sơn đối với người lớn sẽ được điều chỉnh tăng từ 15.000 đồng/lượt lên 20.000 đồng/lượt, thực hiện từ ngày 1.1.2021. Mức thu phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng sẽ được điều chỉnh tăng, giảm tùy theo tính chất, diện tích của từng loại đất, diện tích, vị trí thửa đất cụ thể. Về tỷ lệ điều tiết nguồn thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt, Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý với đề xuất: đơn vị cung cấp nước sạch được trích lại 5%; UBND phường, thị trấn được trích lại 15% số phí đơn vị mình thu được để phục vụ công tác thu.

Với đề án xóa phòng học tạm, phòng học mượn và bổ sung phòng học thiếu tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý với các mục tiêu đề ra. Đề án cần lưu ý đến các địa phương mới sáp nhập, những nơi có nhiều khu, cụm công nghiệp như đặc thù riêng để có cơ chế phù hợp. Chú ý đến lĩnh vực giáo dục thường xuyên, THPT để có tính toán thỏa đáng. Cần đề ra lộ trình thực hiện đề án một cách hợp lý, đặc biệt khi cân đối các nguồn lực cũng như cơ chế hỗ trợ, huy động vốn, xã hội hóa...

Chủ tịch UBND tỉnh nhất trí với nội dung tờ trình của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về đặt tên Quảng trường Nguyễn Đại Năng ở thị xã Kinh Môn. Quảng trường rộng 1,83 ha, vị trí tại phường Hiệp An, phía đông giáp quốc lộ 17B, phía tây giáp sân vận động trung tâm thị xã, phía nam giáp khu đô thị sinh thái Thành Công và phía bắc giáp nhà thi đấu đa năng, đường tỉnh 389B.

VỊ THỦY

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kinh-te---tieu-dung/tap-trung-thao-go-kho-khan-thuc-day-phat-trien-san-xuat-kinh-doanh-139334