Tập trung tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công

Sáng 5-4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình kinh tế - xã hội, chương trình phục hồi và phát triển; việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các công trình giao thông quan trọng quốc gia năm 2022.

Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; Bộ trưởng các bộ; Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Từ điểm cầu chính tại trụ sở Chính phủ, hội nghị được kết nối tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu thành phố Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Tiến độ giải ngân đầu tư công còn chậm

Phát biểu mở đầu hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, ngày 5-1-2022, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2022. Đến nay, vừa tròn một quý, hội nghị trực tuyến hôm nay được tổ chức để đánh giá tình hình triển khai kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội…, trọng tâm là thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2022, việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình và giải pháp đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; việc triển khai các công trình giao thông quan trọng quốc gia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, so với thời điểm tổ chức Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 5-1, tình hình hiện nay đã có nhiều diễn biến mới, phức tạp, khó lường. Tình hình có thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ và thuận lợi. Trong đó, đáng chú ý là xung đột tại Ukraine, cạnh tranh nước lớn gay gắt; tình trạng khan hiếm nguyên liệu, giá nguyên liệu, nhất là dầu khí tăng cao; lạm phát ở nhiều nước tăng; tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp... Còn trong nước, những khó khăn nội tại của nền kinh tế bộc lộ khi tình hình có những biến động. Vi phạm pháp luật liên quan tới bất động sản, thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp là vấn đề nổi lên.

“Trong bối cảnh đó, chúng ta đã bám sát tình hình để có giải pháp linh hoạt, phù hợp. Quan điểm của Việt Nam về tình hình Ukraine được bạn bè, đối tác quốc tế chia sẻ. Việt Nam cũng là một trong những nước tích cực đưa người dân từ Ukraine có nhu cầu về nước và đến nay đã cơ bản hoàn thành công tác này”, Thủ tướng cho biết.

Theo Thủ tướng Chính phủ, trong quý I, sức ép lạm phát trong và ngoài nước rất lớn nhưng chỉ số giá tiêu dùng bình quân được kiểm soát ở mức 1,92% với các giải pháp tích cực, chủ động, linh hoạt về thuế, phí, giá… Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu năng lượng, cung ứng điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý quyết liệt các vi phạm trong lĩnh vực bất động sản, thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, cần tiếp tục giám sát, thanh tra, kiểm tra, giám sát, ngăn chặn, xử lý, làm lành mạnh hóa thị trường.

“Quý I-2022 vừa khép lại với nhiều tín hiệu rất tích cực, nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận còn một số hạn chế, bất cập. Thời gian tới, dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thực hiện trách nhiệm, hiệu quả, chúng ta mới đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra cho năm 2022 và cả giai đoạn 2021-2025”, Thủ tướng nêu vấn đề. Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị tập trung phân tích, mổ xẻ những việc đã và chưa làm được trong quý I, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, những khó khăn, thách thức chính đối với Việt Nam hiện nay (cả nội tại lẫn tác động bên ngoài); giải pháp tháo gỡ, những trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới để đạt mục tiêu đề ra.

Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh tham dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở UBND thành phố Hà Nội.

Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh tham dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở UBND thành phố Hà Nội.

3 tháng đầu năm, Hà Nội giải ngân được 4.111 tỷ đồng

Báo cáo của UBND thành phố Hà Nội cho thấy, triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố đã ban hành các kế hoạch về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, kinh tế Thủ đô phục hồi rõ rệt, các cân đối lớn được bảo đảm. Tổng sản phẩm trên địa bàn quý I-2022 tăng 5,83%, đạt mục tiêu kịch bản tăng trưởng (từ 5,7-6,2%). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện quý I là 102.402 tỷ đồng, đạt 32,9% dự toán, tăng 19,6% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khá cao, gây áp lực lớn lên mục tiêu năm 2022 là kiểm soát dưới 4%; CPI tháng 3 đã tăng 2,18% so với tháng 12-2021 và tăng 3,21% so với cùng kỳ.

Về giải ngân vốn đầu tư công, tính đến hết ngày 31-3, toàn thành phố giải ngân được 4.111 tỷ đồng, đạt 8% kế hoạch (tăng 26,7% so với cùng kỳ). Ước giải ngân đến hết tháng 4-2022 đạt 8.156,6 tỷ đồng, đạt 15,8% kế hoạch. Trong đó, thành phố xác định việc thực hiện và thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 là nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Thành phố đã chỉ đạo, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các chủ đầu tư tập trung nguồn lực, nâng cao hiệu quả đầu tư công, rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công của thành phố và cấp huyện ngay từ đầu năm 2022.

Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến thị trường thế giới và tình hình Ukraine để kịp thời có giải pháp hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2022, nhất là mục tiêu tăng trưởng 7-7,5%, bảo đảm cân đối thu - chi ngân sách và kiểm soát lạm phát dưới 4%. Thành phố cũng sẽ tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó thực hiện có hiệu quả các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; thực hiện miễn, giảm thuế, hỗ trợ lãi vay, hỗ trợ người lao động... theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

Bên cạnh đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các công trình trọng điểm; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thành phố bảo đảm cung - cầu nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất và xây dựng; chuỗi cung ứng, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp; kiểm soát giá cả thị trường. Hà Nội cũng tập trung công tác chuẩn bị phục vụ tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31); chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ các kỳ thi trung học phổ thông năm học 2021-2022 và tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2022-2023. Trong đó, chú trọng bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, nhất là dịp tổ chức SEA Games 31; tăng cường đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội.

Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, qua thảo luận, các bộ, ngành liên quan cũng như các địa phương cơ bản đồng tình với các báo cáo tại hội nghị. Trong đó, các đại biểu cho rằng, dù tình hình thế giới diễn biến phức tạp cùng với khó khăn trong nước, gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế trong nước, song dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và điều hành kịp thời của Chính phủ, sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, chúng ta vẫn đạt được nhiều kết quả phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát. Nhờ đó, chúng ta đã cơ bản mở cửa trở lại các hoạt động và cho học sinh các cấp trở lại trường học trực tiếp.

“Những kết quả đạt được trong quý I toàn diện, đồng bộ trên tất cả lĩnh vực. Điều này cho thấy các địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ; phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, các địa phương đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp”, Thủ tướng biểu dương.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tình hình trong và ngoài nước dự báo vẫn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là do những tác động của dịch Covid-19 thời gian qua. Vì thế, Thủ tướng đề nghị, các địa phương cần phát huy hơn nữa tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ về kinh tế, qua đó đóng góp cho nền kinh tế cả nước. Đồng thời, huy động sự vào cuộc của người dân và doanh nghiệp để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phục hồi kinh tế nhanh và bền vững.

“Chúng ta đã quyết tâm rồi, phải quyết tâm hơn, quyết liệt rồi, phải quyết liệt hơn nữa. Trong đó, việc chỉ đạo, điều hành cũng như lựa chọn các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cần có trọng tâm, trọng điểm để đạt được mục tiêu đề ra. Cụ thể là các lĩnh vực ưu tiên về văn hóa, giáo dục, y tế, đầu tư công… Đồng thời, các địa phương cần rà soát lại các nguồn lực để tập trung đầu tư cho hiệu quả”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan dành ưu tiên cho các lĩnh vực mà hạ tầng còn yếu; tập trung vào 12 nhóm nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ đề ra để triển khai thực hiện từ nay đến cuối năm nhằm bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát. Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; mở rộng thị trường xuất khẩu… Trong đó, chú trọng kế hoạch tiêm vắc xin cho các đối tượng theo quy định và bảo đảm an toàn cho học sinh khi trở lại trường học trực tiếp.

Đình Hiệp

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/1028701/tap-trung-thao-go-kho-khan-de-day-nhanh-tien-do-giai-ngan-cac-du-an-dau-tu-cong