Tập trung nguồn lực để nâng cao đời sống đồng bào Lô Lô tại Cao Bằng

Hiện có khoảng 2.300 người Lô Lô sinh sống tại các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc của tỉnh Cao Bằng. Những năm qua, tỉnh Cao Bằng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ tích cực về cơ sở hạ tầng cũng như cải thiện sinh kế nâng cao chất lượng đời sống đồng bào Lô Lô trên địa bàn.

Đồng bào dân tộc Lô Lô ở bản Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc giờ đây đã biết cách làm du lịch để phát triển kinh tế. Ngoài lợi thế về cảnh quan núi rừng, người dân nơi đây còn giữ được nhiều nét truyền thống đặc sắc về nhà ở, trang phục, ẩm thực, các điệu dân ca, dân vũ và nghề thủ công truyền thống. Từ đó, tỉnh Cao Bằng cũng triển khai đề án bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Lô Lô gắn với phát triển điểm du lịch cộng đồng bản Khuổi Khon. Dự án đã tu bổ, sửa chữa một số ngôi nhà ở truyền thống, nhà sinh hoạt cộng đồng và một số công trình phụ trợ khác phục vụ việc đón khách du lịch. Đến với Khuổi Khon, du khách sẽ được trải nghiệm cùng người dân chế biến các món ăn truyền thống, được tham gia thêu, dệt thổ cẩm, giao lưu văn nghệ hay tham gia các nghi lễ đám cưới, lễ cúng thần rừng của người Lô Lô...

Bản Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, Cao Bằng được đầu tư để trở thành điểm du lịch cộng đồng

Ông Na Văn Chương, người dân xóm Khuổi Khon cho biết: nhờ sự hỗ trợ của nhà nước và nhất là khi bản làm du lịch, đời sống người dân đã thay đổi rõ rệt: “Hiện tại có 2 gia đình đã đón khách rồi, lượng khách lên rất đông. Khách đông thì bà con bán được các sản phẩm thủ công, cho thu nhập khá. Trên này bây giờ nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con cũng ươm giống và trồng cây hồi, mỗi năm cũng thu được khá nhiều tiền”.

Với mục tiêu nâng cao đời sống người Lô Lô tại các huyện Bảo Lâm và Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng đã đưa toàn bộ 536 hộ đồng bào vào diện hỗ trợ theo Quyết định 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng cho biết: Riêng giai đoạn 2016-2020, tỉnh Cao Bằng đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho vùng đồng bào Lô Lô sinh sống thông qua việc hỗ trợ các loại cây trồng như quế, cây hồi và cây sở lấy dầu, hỗ trợ bò sinh sản kết hợp làm chuồng trại, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho đồng bào.

Khuổi Khon với những nếp nhà truyền thống của người Lô Lô

“Với du lịch Khuổi Khon, thời gian qua đã có nhiều khởi sắc, tuy nhiên vẫn còn thiếu nhiều thứ, từ hạ tầng chưa đồng bộ, kỹ năng, nền tảng của người dân còn thấp. Do đó chúng tôi cũng có nhiều giải pháp như tiếp tục đầu tư giao thông, hiện chúng tôi đang cho làm bến xe đưa đón khách. Tỉnh cũng quan tâm hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng nên chúng tôi ưu tiên đầu tư cho chỉnh trang nhà cửa, nâng cấp hệ thống vệ sinh, xử lý rác thải, mua sắm trang thiết bị hỗ trợ người dân làm du lịch. Mục tiêu là tạo sinh kế cho người dân, khuyến khích bà con đầu tư vào khai thác du lịch”, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.

Một số ngôi nhà được đầu tư, nâng cấp để đón khách du lịch

Ngoài ra, tỉnh Cao Bằng còn đã dành nguồn vốn để đầu tư các công trình giao thông, nước sinh hoạt tập trung, nhà công vụ giáo viên, nhà sinh hoạt cộng đồng và triển khai các chính sách ưu tiên để đồng bào có cơ hội tiếp cận với các thành tựu tiên tiến về y tế, giáo dục...

Chị Chi Thị Hương, sinh viên người dân tộc Lô Lô ở xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, Cao Bằng nói: “Tôi đi học đại học thuộc diện dân tộc thiểu số rất ít người nên được miễn 100% học phí, ngoài ra còn được hỗ trợ thêm sinh hoạt phí hàng tháng giúp tôi có điều kiện để học tập tại Hà Nội”.

Du khách trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Lô Lô

Giai đoạn 2021 - 2025, ngoài tiếp tục hỗ trợ sinh kế cho người dân như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư hạ tầng kỹ thuật... các huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm lựa chọn bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc dân tộc thiểu số với nhiệm vụ trọng tâm phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững. Các địa phương xây dựng nhiều hoạt động bảo tồn và khơi dậy tự hào văn hóa dân tộc Lô Lô, như tổ chức "Lễ hội văn hóa dân tộc Lô Lô", "Ngày hội văn hóa các dân tộc" với các phần như thi trang phục dân tộc, múa hát dân ca, dân vũ, thêu dệt thổ cẩm, chế biến ẩm thực, trò chơi dân gian. Các lớp dạy nghề truyền thống của dân tộc Lô Lô như đan lát, thêu thùa, dệt vải... cũng đã được hai huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc tổ chức với sự tham gia của hàng trăm học viên.

Phụ nữ Lô Lô với trang phục truyền thống

Ông Bế Ngọc Hùng, Trưởng Ban dân tộc tỉnh Cao Bằng cho rằng: “Đầu tư hạ tầng cho bà con đầy đủ, từ điện, đường, trường, trạm, nước sạch, đầu tư về văn hóa,... để bà con gìn giữ văn hóa truyền thống đồng thời phục vụ cho phát triển du lịch cộng đồng. Ngoài ra, thực hiện Chương trình MTQG phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, tỉnh quan tâm nâng cao thể trạng cho đồng bào Lô Lô, từ chăm sóc sức khỏe sinh sản phụ nữ đến nâng cao thể trạng, chế độ dinh dưỡng cho học sinh. Đặc biệt, Cao Bằng cũng tạo điều kiện để tất cả các em học sinh Lô Lô nếu đăng ký vào các trường nội trú cấp tỉnh, huyện đều được xét duyệt 100%”.

Người Lô Lô ở Cao Bằng vẫn giữ được nhiều nét truyền thống trong trang phục, tín ngưỡng và văn hóa văn nghệ

Phụ nữ Lô Lô giới thiệu với du khách về nghề dệt truyền thống

Với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước cùng ý thức vươn lên của chính người dân, đồng bào Lô Lô tại Cao Bằng đã dần ổn định cuộc sống và từng bước thoát nghèo bằng chính tiềm năng, thế mạnh vốn có. Trong đó, việc khai thác bản sắc văn hóa người Lô Lô cũng được Cao Bằng xem là một trong những điểm nhấn trên hành trình kết nối du lịch Công viên địa chất non nước Cao Bằng với Công viên địa chất Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Công Luận/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tap-trung-nguon-luc-de-nang-cao-doi-song-dong-bao-lo-lo-tai-cao-bang-post1085774.vov