Tập trung 'mục tiêu kép', phấn đấu GDP 2021 tăng 6%
Sáng 20/10, báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế- xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng 9 tháng vẫn đạt 2,12%, cả năm ước đạt 2 - 3%. Việt Nam là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trên thế giới.
Theo Thủ tướng, trong thời gian qua cả nước đã tập trung phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội. Hiện nay, trong khi đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu thì Việt Nam đã kiểm soát, khống chế được dịch bệnh, không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng. “Quỹ Tiền tệ Quốc tế đánh giá “thành công của Việt Nam trong phòng, chống đại dịch COVID-19 cho thấy một minh chứng điển hình về cách một quốc gia đang phát triển có thể chống lại đại dịch, đem đến một bài học ý nghĩa đối với các nước đang phát triển khác”, Thủ tướng nói.
Về phát triển kinh tế, Thủ tướng nói, chúng ta có 4 năm liên tiếp 2016 - 2019 cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, năm sau tốt hơn năm trước, trong đó tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6,8%/năm. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng 9 tháng vẫn đạt 2,12%, cả năm ước đạt 2 - 3%, trở thành một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trên thế giới. Tuy nhiên, mức tăng trưởng năm 2020 dự kiến 2-3%, thấp hơn mục tiêu 6,8% đề ra. Kết quả này khiến GDP giai đoạn 5 năm 2016-2020 chỉ tăng bình quân khoảng 5,9% trong khi mục tiêu là 6,8%. Tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch, thu nhập bình quân đầu người cũng thấp hơn mục tiêu đề ra. Đến cuối năm 2020, ước chỉ tiêu này đạt khoảng 2.750 USD, thấp hơn mục tiêu 3.200-3.500 USD.
Thủ tướng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như việc giải ngân gói hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng sâu bởi đại dịch COVID-19 còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra. Cải cách hành chính một số lĩnh vực còn bất cập; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế còn khó khăn. Đổi mới lề lối làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu…
Mục tiêu kép
Về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 2021 - 2025, Thủ tướng cho rằng cần tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch. Tiếp tục củng cố trạng thái bình thường mới, vừa phục hồi và phát triển kinh tế, vừa sẵn sàng phòng chống dịch trong tất cả các ngành, lĩnh vực và ở tại tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng; coi việc bảo đảm an toàn với dịch bệnh là cơ sở để phát triển kinh tế, xã hội. Trong bối cảnh đó, để thực hiện được các mục tiêu đề ra, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số…
Bên cạnh đó, Thủ tướng cho biết sẽ chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, nhất là đầu tư công; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu, các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống; thúc đẩy sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động của DNNN. Tập trung đầu tư và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án giao thông quan trọng, trong đó có các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các tuyến đường sắt đô thị; phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành trên 1.700 km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau.
Thủ tướng nhấn mạnh các giải pháp trong công tác phòng, chống thiên tai, nhất là tại miền núi phía Bắc và miền Trung, bảo đảm cuộc sống an toàn và sinh kế cho người dân. Tăng cường hợp tác quốc tế, bảo đảm an ninh, bền vững nguồn nước quốc gia. Tiếp tục xây dựng và thực hiện hiệu quả các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, giải pháp phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu trên phạm vi quốc gia và từng vùng, nhất là ĐBSCL.
Đồng tình với các đánh giá của Chính phủ, song Ủy ban kinh tế của Quốc hội lưu ý cần hoàn tất sắp xếp lại DNNN, bảo đảm công khai, minh bạch trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước. Trong đó có giải pháp xử lý dứt điểm yếu kém, thua lỗ, thất thoát của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng cả về quy mô, chất lượng; hỗ trợ chuyển đổi hộ sản xuất, kinh doanh thành doanh nghiệp.
Mục tiêu năm 2021:
Tốc độ tăng GDP khoảng 6%.
Chỉ số giá tiêu dùng CPI khoảng 4%.
Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%
Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%.
Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%.
Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1 - 1,5 điểm phần trăm.
Tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%...