Tập trung giải phóng mặt bằng, không để kéo dài

Trên địa bàn thành phố có nhiều dự án giải tỏa đền bù đã thực hiện kéo dài nhiều năm, đòi hỏi các địa phương, đơn vị phải triển khai nhiều giải pháp xử lý dứt điểm.

Tuyến đường Trục 1 - Tây Bắc đang được thi công dở dang do chậm hoàn thành giải phóng mặt bằng. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Tăng cường tiếp dân, giải quyết vướng mắc

UBND quận Liên Chiểu đang có kế hoạch rà soát và chỉ đạo hoàn thành thủ tục cưỡng chế thu hồi đất đối với hộ giải tỏa dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô; tiếp dân các hộ giải tỏa tại dự án Trạm xử lý nước thải Liên Chiểu. Trước đó, lãnh đạo quận tổ chức họp hội đồng giải phóng mặt bằng dự án Kênh thoát nước và vệt cây xanh cách ly Trạm xử lý nước thải Liên Chiểu.

Đây là 3/6 dự án cũ vốn đã được UBND thành phố giao quận Liên Chiểu cần hoàn thành giải tỏa đền bù vào năm 2018, nhưng hiện vẫn còn một số hộ giải tỏa chưa bàn giao mặt bằng nên UBND thành phố yêu cầu quận phải hoàn thành công tác giải tỏa đền bù chậm nhất là ngày 30-4-2023.

Cũng trong thời gian này, UBND quận Liên Chiểu làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường liên quan đến các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng tại dự án Khu dân cư phía nam Bàu Mạc, Nút giao thông Trục 1 - Tây Bắc; họp rà soát và đôn đốc tiến độ giải phóng mặt bằng dự án Cải tạo, nâng cấp đường Nguyễn Như Hạnh; tiếp hộ giải tỏa dự án Hầm đường bộ Hải Vân...

UBND quận họp hội đồng giải phóng mặt bằng và rà soát, chỉ đạo hoàn thiện việc điều chỉnh phương án bố trí tái định cư tại dự án Tuyến đường Trục 1 - Tây Bắc. Đây là những dự án cũ được quận triển khai giải tỏa đền bù đã lâu, nhưng chưa hoàn thành và được UBND thành phố đưa vào danh sách 29 dự án trên địa bàn quận Liên Chiểu hoàn thành giải tỏa đền bù trong năm 2023.

Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Nguyễn Đăng Huy cho biết, đối với các dự án cũ, đã thực hiện từ nhiều năm về trước, hiện chỉ còn một số ít hồ sơ chưa bàn giao mặt bằng. Để hoàn thành giải tỏa đền bù dứt điểm ở các dự án này, lãnh đạo UBND quận đã trực tiếp tiếp dân, đối thoại trực tiếp với từng hộ giải tỏa cũng như thường xuyên đi kiểm tra thực tế để có cơ sở xem xét, giải quyết các kiến nghị của các hộ.

Quận tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành của thành phố cùng đi kiểm tra thực tế, tham dự các buổi tiếp dân, họp hội đồng giải phóng mặt bằng để giải quyết các kiến nghị, vướng mắc vượt thẩm quyền cũng như có ý kiến, đề xuất thống nhất phương án giải quyết trước khi trình đề xuất lên UBND thành phố xem xét. Qua đó, kiến nghị thành phố sớm có chủ trương thực hiện đối với việc hỗ trợ suất tái định cư tối thiểu để hỗ trợ cho người dân...

Tại huyện Hòa Vang, năm 2023 thực hiện công tác giải phóng mặt bằng 46 công trình của thành phố triển khai trên địa bàn huyện với 7.798 hồ sơ giải tỏa, trong đó còn 3.906 hồ sơ nằm trong diện phải hoàn thành giải phóng mặt bằng trong năm 2023. Bên cạnh đó, huyện còn triển khai giải phóng mặt bằng và thi công 10 dự án do huyện làm chủ đầu tư.

Giám đốc Ban giải phóng mặt bằng huyện Hòa Vang Trần Ngạnh cho rằng, hầu hết các dự án đang thực hiện trên địa bàn huyện là những dự án tồn đọng từ nhiều năm trước. Đơn vị đang tập trung giải phóng mặt bằng các dự án động lực, trọng điểm như nâng cấp, mở rộng đường ĐT 601; nâng cấp mở rộng tuyến đường quốc lộ 14B đoạn qua huyện Hòa Vang; đường cao tốc đoạn Hòa Liên - Túy Loan thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông Đà Nẵng; khu tái định cư phục vụ dự án đường vành đai phía tây (xã Hòa Khương)...

Huyện Hòa Vang đang tập trung giải phóng mặt bằng để thi công Khu tái định cư phục vụ dự án đường vành đai phía tây thuộc xã Hòa Khương. Ảnh: H.H

Không để kéo dài

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Hồng An cho hay, trong năm 2022, trên địa bàn thành phố hoàn thành giải phóng mặt bằng 32 trong tổng số 218 dự án được triển khai (chiếm 14,67%) với 2.259 hồ sơ giải tỏa được xử lý và bàn giao mặt bằng, chỉ chiếm 15,7% (tổng cộng 14.327 hồ sơ giải tỏa).

Một số dự án động lực, trọng điểm chậm giải phóng mặt bằng điển hình như dự án Tuyến đường Trục 1 - Tây Bắc và Nút giao thông quốc lộ 1A với đường Trục 1 - Tây Bắc và đoạn đường nối từ nút giao thông này đến đường Nguyễn An Ninh; Nâng cấp, cải tạo đường ĐT 601 (huyện Hòa Vang); Khu tái định cư phục vụ giải tỏa Làng Đại học Đà Nẵng (quận Ngũ Hành Sơn)...

Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ban, ngành, quận, huyện tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung một số quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố, tập trung vào việc cụ thể hóa quy định suất tái định cư tối thiểu, hỗ trợ khoản chênh lệch giữa giá trị suất tái định cư tối thiểu và số tiền được bồi thường về đất; quy định về bố trí đất tái định cư vị trí hai mặt tiền; điều chỉnh các phụ lục bồi thường về nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối hoa màu, di dời mồ mả để phù hợp với giá cả hiện nay; nâng mức hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, ổn định việc làm thu hồi đất nông nghiệp...

Đồng thời, có chính sách chung về hỗ trợ trượt giá nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối hoa màu và con vật nuôi đối với hộ giải tỏa chưa bàn giao mặt bằng tại các dự án đang thực hiện dở dang; xây dựng chính sách giải quyết bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở đối với trường hợp xây dựng nhà ở trên đất không phải là đất ở, chưa bàn giao mặt bằng tại các dự án; có chính sách hỗ trợ cho thân nhân các trường hợp giải tỏa tiến hành cải táng, di dời mồ mả do hạn chế quỹ đất nghĩa trang hiện nay...

Đối với những trường hợp đã giải quyết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đúng quy định, đã tổ chức tiếp dân vận động nhiều lần nhưng không chấp hành bàn giao mặt bằng, đề nghị UBND các quận, huyện cương quyết triển khai xử lý cưỡng chế, thu hồi mặt bằng theo quy định, không để kéo dài.

HOÀNG HIỆP

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5404/202303/tap-trung-giai-phong-mat-bang-khong-de-keo-dai-3941369/