Tảo hôn ảnh hưởng đến giống nòi và nguồn nhân lực
Sốp Cộp là huyện vùng cao, biên giới, đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 96,7% dân số toàn huyện; có 6/8 xã vùng III, 83/106 bản thuộc diện bản đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 24,64%, hộ cận nghèo 14,35%. Trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức về pháp luật còn hạn chế, khiến cho vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn diễn ra..
Thời gian qua, các cơ quan chức năng huyện Sốp Cộp thường xuyên tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình, tác hại tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, chăm sóc SKSS/KHHGĐ, tác hại của việc mất cân bằng giới tính khi sinh... Lồng ghép các hoạt động can thiệp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương, các cuộc họp của chính quyền, đoàn thể của xã, bản; đưa các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản vào quy ước, hương ước của bản.
Bà Lò Thị Lan, cán bộ dân số xã Nậm Lạnh, cho biết: Tình trạng tảo hôn ở xã đang có xu hướng gia tăng, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đầu năm đến nay, có 4 cặp tảo hôn, nhưng đây chỉ là con số cộng tác viên dân số các bản báo cáo, còn thực tế có thể hơn, bởi nhiều cặp tảo hôn thường giấu thông tin. Nguyên nhân dẫn đến tảo hôn chủ yếu do nhận thức của các bậc phụ huynh cho rằng con cái học xong cũng chẳng có việc làm, nên họ cho các con nghỉ học sớm lấy chồng, lấy vợ để giúp gia đình. Ngoài ra, tác động của mạng xã hội cũng là yếu tố gây ra tình trạng tảo hôn ở xã.
Cặp vợ chồng Vàng A D và Vừ Thị M, ở bản Hua Lạnh, xã Nậm Lạnh, kết hôn từ khi mới được 15 tuổi, hiện đã có 2 con, cháu đầu năm nay đã 8 tuổi, cháu thứ hai được 3 tháng tuổi. Nói về lý do lấy vợ sớm, D cho biết: Đang học lớp 9, thì em bỏ học lấy vợ để có người làm nương và được bố mẹ chia đất. Do em không hiểu biết về pháp luật nên mới lấy vợ sớm như vậy.
Các cấp chính quyền huyện Sốp Cộp đã tập trung công tác tuyên truyền, vận động không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; tăng cường giáo dục, tuyên truyền trong các trường học; cán bộ chức năng đến từng nhà dân tuyên truyền, những năm gần đây, việc kết hôn cận huyết thống đã giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh trở lại, vấn đề tảo hôn vẫn còn xảy ra nhiều và ở mức cao. Rà soát trong 5 năm qua, huyện Sốp Cộp có 315 cặp vợ chồng tảo hôn, chiếm 14,6% tổng số cặp kết hôn; cặp hôn nhân cận huyết thống là 1/2.150 cặp, chiếm 0,04%. Điển hình, xã Mường Và, xã Sam Kha của huyện Sốp Cộp có trên 12 cặp/năm.
Ông Quàng Văn Pọm, Trưởng phòng Dân tộc huyện Sốp Cộp, cho biết: Tảo hôn, kết hôn cận huyết thống sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh; ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số, suy giảm giống nòi và chất lượng nguồn nhân lực. Đây là một trong những lực cản đối với sự phát triển ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, đội ngũ cộng tác viên thôn, bản không đồng đều về trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ và chưa có chính sách động viên để họ tích cực công tác cũng chính là một trong những nguyên nhân để các cặp tảo hôn, kết hôn cận huyết thống diễn ra trên địa bàn.
Hiên nay, huyện Sốp Cộp tiếp tục phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; có những giải pháp đồng bộ, chặt chẽ, tránh những hệ lụy đáng tiếc của vấn nạn tảo hôn... nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống một cách bền vững, nâng cao chất lượng dân số.