Tạo dựng đất dụng võ cho tài năng nghệ thuật trẻ

Tài năng trẻ là tương lai của nghệ thuật, đầu tư vào họ chính là đầu tư cho nền văn hóa vững mạnh trong tương lai. Tuy nhiên hiện nay, nhiều đơn vị nghệ thuật đang thiếu vắng nghệ sĩ trẻ tài năng, trong khi không ít bạn trẻ không có cơ hội phát triển vì thiếu môi trường sáng tạo và đãi ngộ xứng đáng. Việc tuyển dụng, đào tạo và giữ chân tài năng nghệ thuật trẻ vẫn là một bài toán khó.

Các nghệ sĩ xiếc trẻ của Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam trong chương trình xiếc MeKong show. Ảnh: THÚY BÌNH

Các nghệ sĩ xiếc trẻ của Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam trong chương trình xiếc MeKong show. Ảnh: THÚY BÌNH

Tìm môi trường đào tạo đặc thù

Đào tạo và tuyển sinh các ngành nghệ thuật đòi hỏi sự kết hợp giữa năng khiếu bẩm sinh và đam mê của học viên. Để phát hiện và nuôi dưỡng tài năng, môi trường đào tạo đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Không chỉ là vấn đề cơ sở vật chất hay giảng viên giỏi, mà còn là không gian tự do để học viên có thể phát huy tối đa sự sáng tạo của mình. Trong thực tế, việc đào tạo tài năng nghệ thuật ở nước ta còn thiếu sự bài bản và môi trường hỗ trợ đầy đủ.

GS-TS Lê Thị Hoài Phương, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, đã bày tỏ lo ngại về tình trạng “chảy máu chất xám” và “chảy máu tài năng”, khi nhiều sinh viên du học xong không quay về đóng góp cho ngành nghệ thuật trong nước. Điều này cho thấy, ngoài việc đào tạo lý thuyết, nghệ sĩ trẻ cần có cơ hội làm việc trong môi trường thực tế, nơi họ có thể sáng tạo và phát triển.

PGS-TS Vũ Ngọc Thanh, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM, cũng nhấn mạnh: Chúng ta cần tạo ra một cơ chế chính sách hỗ trợ, không chỉ về tài chính mà còn về môi trường học tập và sáng tạo. Việc tạo một môi trường chuyên biệt, nơi các tài năng nghệ thuật có thể học hỏi, giao lưu và sáng tạo là điều cần thiết để giúp họ phát triển lâu dài.

Câu chuyện về việc đào tạo nghệ sĩ xiếc là một ví dụ điển hình cho tính đặc thù của ngành nghệ thuật. NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, cho biết: Nghệ sĩ xiếc thường được đào tạo từ 5 đến 10 tuổi. Tuy nhiên, để thuyết phục gia đình cho con em theo nghề xiếc chuyên nghiệp không phải chuyện dễ dàng, vì nghề này đòi hỏi sự khổ luyện mà thu nhập lại chưa tương xứng.

Tăng nhiều cơ hội làm nghề

Phát hiện năng khiếu và đào tạo bài bản chỉ là một phần trong quá trình phát triển tài năng nghệ thuật. Điều quan trọng không kém là tạo ra cơ hội cho các nghệ sĩ trẻ được thể hiện và phát triển trong môi trường chuyên nghiệp. Thực tế hiện nay, nhiều nghệ sĩ trẻ phải đối mặt với môi trường làm việc thiếu ổn định, đãi ngộ không xứng đáng, thu nhập thấp. Điều này khiến không ít người phải tìm công việc khác ngoài ngành nghệ thuật để mưu sinh.

Một ví dụ điển hình là nghệ sĩ ballet trẻ Nguyễn Đức Hiếu tại Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, người từng du học ballet với học bổng tài trợ từ Mỹ. Đức Hiếu chia sẻ: “Đào tạo được một diễn viên múa ballet mất khoảng 7 năm. Nhưng chỉ sau một năm về nhà hát, một số bạn cảm thấy không có chỗ làm nghề, không có chỗ duy trì việc tập luyện, đành phải đi tìm công việc khác để sống”.

Những nghệ sĩ trẻ như Hiếu mong muốn cống hiến hết mình cho nghệ thuật ballet, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam lại chỉ có thể dựng khoảng 2 vở ballet mỗi năm, trong khi các nghệ sĩ trẻ khao khát được làm 9-10 vở.

Sau một năm làm việc, đã có tới 6 diễn viên múa ballet trẻ nghỉ việc đồng loạt. Tình trạng này cho thấy rõ ràng sự thiếu hụt cơ hội nghề nghiệp đối với nghệ sĩ trẻ, khiến họ không thể gắn bó lâu dài với nghề. Cũng chung tâm trạng này, nhà văn Thiên Sơn nêu lên một thực tế khi nhiều nhà văn trẻ hiện nay rất khó khăn trong việc được ghi nhận, được đánh giá đúng năng lực của mình. Văn hóa nghệ thuật trong cơ chế thị trường bị nghiệp dư hóa hơn, văn nghệ sĩ không sống được bằng nghề, đều phải có công việc khác để nuôi nghề…

Việc đào tạo và giữ chân tài năng nghệ thuật trẻ đòi hỏi một chiến lược toàn diện. Các đơn vị nghệ thuật cũng cần tạo ra nhiều cơ hội làm việc hơn cho các nghệ sĩ trẻ để có thể phát triển thế hệ kế cận. Như nhà văn Nguyễn Xuân Khoa đã chia sẻ: “Các nhà quản lý phải biết yêu và trân trọng văn hóa nghệ thuật thì mới có thể hỗ trợ tốt cho văn hóa nghệ thuật, nuôi dưỡng tài năng trẻ”. Khi các nhà quản lý thực sự quan tâm và tạo ra những điều kiện thuận lợi, tài năng nghệ thuật trẻ sẽ có cơ hội phát triển và đóng góp vào sự thịnh vượng của nền văn hóa quốc gia.

MAI AN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tao-dung-dat-dung-vo-cho-tai-nang-nghe-thuat-tre-post770981.html