Tạo đột phá cho khoa học công nghệ trong nông nghiệp

Chiều tối 11/11, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã ký kết Chương trình phối hợp hoạt động khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tại lễ ký kết, 2 Bộ trưởng đều khẳng định, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là khâu then chốt tạo sự đột phá, góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế thế giới, việc nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ của các viện, trường, DN là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết.

Lễ ký kết chương trình hợp tác giữa Bộ NN&PTNT và Bộ KH&CN.

Chương trình phối hợp giữa hai Bộ nhằm thống nhất chủ trương, định hướng, trong đó ưu tiên nguồn lực tập trung nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trước những thách thức hội nhập và biến đổi khí hậu.
Cụ thể, trong giai đoạn 2016 - 2020, hai bên sẽ ưu tiên thực hiện các nội dung: Chương trình công nghệ sinh học trong nông nghiệp, thủy sản; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia; khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới và Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp, sản phẩm lợi thế của địa phương.
Đồng thời, phối hợp xây dựng một số dự án khoa học và công nghệ cấp Nhà nước, chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp Bộ, tập trung cho một số ngành hàng, sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh cấp quốc gia. Đặc biệt chú trọng đến nghiên cứu phát triển công nghệ chế biến sâu, công nghệ bảo quản để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông sản Việt Nam...
Phát biểu tại lễ ký, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, hai Bộ sẽ cụ thể hóa chương trình hành động bằng cách đưa vào những dòng sản phẩm nông nghiệp theo các cấp độ khác nhau. Đồng thời, thúc đẩy mối quan hệ liên kết của “4 nhà”, trong đó có vai trò nhà khoa học. Chương trình phối hợp ký kết lần này góp phần giúp 2 Bộ thực hiện tốt chính sách mới về phát huy nguồn lực xã hội trong nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất áp dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo thống kê củ Bộ NN&PTNT, đến nay, đã có trên 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, toàn bộ diện tích điều trồng mới được sử dụng giống mới… Nhiều công nghệ mới được áp dụng đã góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn, tăng giá trị xuất khẩu, đưa nước ta vào nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về tôm, cá tra, cà phê, hạt điều, hạt tiêu và gạo.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tao-dot-pha-cho-khoa-hoc-cong-nghe-trong-nong-nghiep-272710.html