Tạo đà cho kinh tế tư nhân - Bài 2: Trung tâm tiêu thụ lúa gạo

Tạo đà cho kinh tế tư nhân - Bài 1: Tăng tốc mạnh mẽ

(ABO) Trong chặng đường phát triển kinh tế tư nhân của Tiền Giang vừa qua, ngành xay xát, kinh doanh lúa gạo đã để lại những dấu ấn rõ nét. Tỉnh Tiền Giang trở thành là một trong những trung tâm tiêu thụ lúa hàng hóa và cung ứng gạo lớn cho thị trường trong nước lẫn xuất khẩu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

KHÔNG NGỪNG LỚN MẠNH

Nhìn lại chiều dài lịch sử mới thấy, với lợi thế là tỉnh nông nghiệp cùng với chủ trương khai hoang, phục hóa, mở rộng diện tích, thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật nên sản lượng lương thực của Tiền Giang liên tục tăng và trong những năm 90 của thế kỷ XX đã đạt đến 1,3 triệu tấn lương thực mỗi năm. Từ đó, ngành xay xát, kinh doanh lúa gạo của Tiền Giang có điều kiện phát triển mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực này cũng bắt đầu manh nha ra đời và phát triển đến hôm nay.

Trong lĩnh vực xay xát, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo của tỉnh Tiền Giang, Công ty TNHH Việt Hưng (huyện Cái Bè) đã để lại những dấu ấn riêng. Khởi nghiệp từ năm 1992 với nguồn vốn ban đầu hơn 600 triệu đồng, cơ sở kinh doanh lương thực mang tên Việt Hưng ra đời từ một nhà xưởng của một đơn vị cơ khí cấp huyện. Năm 1997, Công ty TNHH Việt Hưng chính thức đi vào hoạt động, với lĩnh vực là kinh doanh lương thực và vận chuyển hàng hóa.

Thu mua lúa gạo ở khu vực Bà Đắc, huyện Cái Bè.

Thu mua lúa gạo ở khu vực Bà Đắc, huyện Cái Bè.

Khi tìm hiểu về những chặng đường đã qua, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc công ty từng chia sẻ rằng, ban đầu công ty chỉ thuê được kho chứa gạo với diện tích rất nhỏ, dần dần công ty phát triển lên đến ngày nay. Những năm tiếp theo công ty tiếp tục đầu tư vào sà lan vận tải với tổng khối lượng vận tải khoảng 4.200 tấn, kho bãi 12.000 m2 có sức chứa được khoảng 20.000 tấn gạo, nhà máy xay xát lúa với công suất 200 tấn lúa ngày đêm, 3 nhà máy đánh bóng gạo xuất khẩu với công suất 800 tấn ngày đêm; đầu tư vào hệ thống vận hành để tự động hóa nhà máy số 1, 2, nhằm nâng cao chất lượng và sản lượng nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu ngày càng cao cũng như tạo điều kiện làm việc thuận lợi và hiệu quả. Công ty TNHH Việt Hưng nhiều năm liền là một trong những doanh nghiệp được Bộ Công thương cấp phép xuất khẩu gạo của Tiền Giang.

Không chỉ Công ty TNHH Việt Hưng mà nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực xay xát, kinh doanh lúa gạo trên địa bàn huyện Cái Bè cũng dần ra đời và phát huy hiệu quả cao. Tham luận tại Hội thảo khoa học Nâng cao năng lực chế biến và xuất khẩu lúa gạo tỉnh Tiền Giang do UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức gần đây, lãnh đạo UBND huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cho biết, ngành xay xát lúa gạo của huyện phát triển mạnh vào khoảng 1990 trở lại đây và đây là được xếp vào những ngành hàng đầu tỉnh Tiền Giang. Hiện nay, huyện Cái Bè có khoảng 700 doanh nghiệp lớn, nhỏ đang hoạt động trên các lĩnh vực sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ; trong đó có khoảng 100 doanh nghiệp chuyên ngành xay xát, lau bóng gạo và chế biến lương thực, thực phẩm phục vụ tiêu dùng và có 2 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Thời gian qua, sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ngành xay xát lúa gạo huyện Cái Bè mạnh mẽ chuyển đổi từ làm ăn nhỏ lẻ sang doanh nghiệp làm ăn lớn hướng đến xuất khẩu, tập trung ở những địa bàn giao thông thuận lợi “trên bến, dưới thuyền”, gần các vùng nguyên liệu, đầu tư hiện đại hóa dây chuyền xay xát, lau bóng gạo nhằm nâng cao chất lượng hạt gạo hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

CÒN TIỀM NĂNG

Nói đến ngành xay xát lúa gạo huyện Cái Bè hầu như ai cũng biết đến khu Bà Đắc - An Cư (xã An Cư). Khu Bà Đắc có nhiều lợi thế về mở mang ngành hàng xay xát lúa gạo. Không khí sản xuất, kinh doanh náo nhiệt, quy tụ phương tiện thủy, bộ chở lúa từ các tỉnh: Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Long An… nơi đây được thương lái trong nghề và người địa phương thường gọi là chợ gạo Bà Đắc. Trung bình mỗi năm sản lượng lúa gạo trung chuyển qua đây từ 2 - 2,5 triệu tấn.

Ngoài khu Bà Đắc - An Cư, các cơ sở xay xát lúa gạo tại huyện Cái Bè còn tập trung ở xã Hòa Khánh và xã Hậu Thành. Đặc biệt, trên địa bàn còn có Cụm công nghiệp An Thạnh tại xã Đông Hòa Hiệp có diện tích 9,9 ha, tỷ lệ lấp đầy 100%, với 28 doanh nghiệp hoạt động ổn định, cùng với khu vực Bà Đắc đang hoạt động rất hiệu quả, đóng góp phần lớn vào giá trị sản xuất của huyện.

Dây chuyền xay xát, lau bóng gạo.

Dây chuyền xay xát, lau bóng gạo.

Với lợi thế có mạng lưới đường giao thông thủy bộ phát triển kết nối tiểu vùng Đồng Tháp Mười nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với miền Đông Nam bộ cũng như cả nước nói chung; với lợi thế quay mặt ra Quốc lộ 1, đồng thời tựa lưng vào các tuyến sông lớn như kinh 28, sông Cái Bè thuận tiện trong vận chuyển, tập kết hàng hóa, đã giúp cho ngành xay xát lúa gạo tại huyện Cái Bè ngày càng phát triển, góp phần giải quyết lao động, đảm bảo an sinh xã hội và đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới nông nghiệp, nông thôn.

Trên bình diện tổng thể, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 500 doanh nghiệp chuyên doanh xay xát, chế biến lúa gạo tiêu dùng và xuất khẩu, tập trung ở các huyện, thị vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp phía Tây của tỉnh; trong đó có 20 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo đã đầu tư dây chuyền tự động hóa từ phơi sấy, phân loại, đánh bóng, tách màu, chọn hạt đến đánh bóng sản phẩm, giúp nâng cao chất lượng hàng hóa đầu ra cho thị trường. Với sản lượng xay xát gạo hơn 2 triệu tấn/năm, tỉnh Tiền Giang là một trong những trung tâm tiêu thụ lúa hàng hóa và cung ứng gạo lớn cho thị trường trong nước lẫn xuất khẩu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó huyện Cái Bè là nơi tập trung số lượng lớn các cơ sở chế biến gạo, chiếm hơn 30% cơ sở chế biến gạo trên địa bàn tỉnh.

Đi cùng với chủ trương phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, thời gian qua ngành hàng xay xát, kinh doanh lúa gạo đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp tích cực trong giá trị xuất khẩu của tỉnh Tiền Giang. Thống kê của Sở Công thương tỉnh Tiền Giang cho thấy, trong giai đoạn 2018-2022, tổng lượng gạo xuất khẩu của tỉnh Tiền Giang đạt khoảng 993.346 tấn, với tổng kim ngạch đạt hơn 521 triệu USD. Riêng năm 2024, xuất khẩu gạo của Tiền Giang đạt hơn 85 triệu USD. Sản phẩm gạo của Tiền Giang cũng đã có mặt ở khoảng 20 thị trường trên thế giới.

Không chỉ xay xát, kinh doanh lúa gạo, nhiều ngành nghề khác cũng đã được định hình và phát triển, nhất là từ khi tỉnh Tiền Giang tăng cường cải thiện môi trường, thu hút đầu tư kinh doanh.

A.P
(Còn tiếp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202505/tao-da-cho-kinh-te-tu-nhan-bai-2-trung-tam-tieu-thu-lua-gao-1042199/